Nhiều quốc gia triển khai các sáng kiến giảm thiểu bao bì nhựa

Trong nỗ lực chống đỡ với vấn nạn rác thải nhựa, nhiều quốc gia đã triển khai các sáng kiến nhằm giảm thiểu bao bì nhựa, đặc biệt là nhựa dùng một lần.

Châu Âu - Tiên phong và chia rẽ trong giảm bao bì nhựa

Châu Âu là khu vực tiên phong trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa, biến nơi đây thành nơi đáng sống. Năm 2019, EU thông qua đạo luật cấm toàn bộ các sản phẩm nhựa sử dụng một lần như ống hút, dao dĩa, cốc và đĩa nhựa từ năm 2021. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng được khuyến khích áp dụng các giải pháp bao bì bền vững thay thế nhựa, như sử dụng vật liệu tái chế hoặc dễ phân hủy.

Cơ quan Thống kê châu Âu cho biết khối này đã sản xuất 84 triệu tấn bao bì vào năm 2021, tương đương 188,7 kg rác thải/người. Nếu không có biện pháp giải quyết, ước tính lượng rác thải này có thể tăng lên 209 kg/người vào năm 2030.

Mục tiêu đến 2025, châu Âu sẽ tái chế 90% các loại rác thải nhựa. Tuy nhiên, cho đến nay, với sự bùng nổ của các loại hình đồ ăn, đồ uống take-away, mục tiêu này vẫn còn quá xa. Và kết quả là những thùng rác công cộng vẫn luôn trĩu nặng rác trên các đường phố của nhiều thành phố lớn ở châu Âu.

Đầu năm 2024, Chính phủ các nước thành viên Liên minh châu Âu vừa thông qua một dự luật mới của khối về cắt giảm rác thải bao bì và cấm đồ nhựa dùng một lần. Theo dự luật, Liên minh châu Âu đặt mục tiêu giảm dần rác thải bao bì bất kể vật liệu nhựa, gỗ, sắt, nhôm, thủy tinh, giấy và bìa cứng, cụ thể là giảm 5% đến năm 2030, 10% đến năm 2035 và 15% đến năm 2040 so với năm 2018.

Pháp cấm bao bì nhựa cho sản phẩm tươi sống từ năm 2024. (Ảnh: The Optimist Daily)

Pháp cấm bao bì nhựa cho sản phẩm tươi sống từ năm 2024. (Ảnh: The Optimist Daily)

Đến năm 2030, tất cả các bao bì được sử dụng trong EU phải tái chế được, ngoại trừ một số trường hợp. Trong các quán cà phê và nhà hàng, tất cả các sản phẩm nhựa sử dụng một lần cho bán lẻ sẽ bị cấm, nhưng bao bì bằng giấy hoặc bìa cứng vẫn được phép. Để có hiệu lực, dự luật này còn cần được Nghị viện châu Âu phê chuẩn.

Nhiều quốc gia châu Âu như Đức, Na Uy, Thụy Sĩ đã đạt được mục tiêu tái chế 90% rác thải nhựa. Một số chung cư của Đức thu phí cao nếu người dân không muốn phân loại rác thải.

Trong khi đó, tại một số quốc gia như Pháp, Italy, Tây Ban Nha, rác thải đã thực sự trở thành một vấn nạn. Tại nhiều khu vực ở Paris, Pháp, rác thải đã nhiều đến mức tràn ra khỏi những thùng chứa rác công cộng, dù cho nhà máy xử lý rác thải vẫn hoạt động liên tục. Những cuộc đình công xảy ra triền miên tại Pháp càng khiến cho Paris trở nên căng thẳng vì rác thải.

Vấn đề rác thải nhựa đã tạo ra sự chia rẽ bất ngờ giữa hai miền Nam và Bắc của Châu Âu.

Nhật Bản - Hình mẫu của công cụ “pay as you throw” (Hệ thống thu phí theo lượng thải)

Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra nhiều sáng kiến và quy định để giảm thiểu con số hơn 9 triệu tấn rác thải nhựa thải ra mỗi năm ở đất nước này.

Trong nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa, chính phủ Nhật Bản bắt buộc tất cả các nhà bán lẻ phải tính phí túi nhựa từ tháng 7/2020. Theo Hiệp hội Chuỗi cửa hàng Nhật Bản, tỷ lệ người mua sắm từ chối dùng túi nhựa khi thanh toán tại các siêu thị đạt 80,26% trong năm tài chính 2021, tăng mạnh so với con số 57,21% trong năm tài chính 2019, trước khi các khoản phí được áp dụng.

Rác thải nhựa ở Nhật Bản. (Ảnh minh họa)

Rác thải nhựa ở Nhật Bản. (Ảnh minh họa)

Chính sách EPR (Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) của Nhật vốn đã trở thành hình mẫu của thế giới. Theo đó, các nhà sản xuất và bán lẻ phải có trách nhiệm giảm lượng bao bì nhựa và thúc đẩy tái chế. Người tiêu dùng cũng được khuyến khích mang theo túi tái sử dụng khi đi mua sắm thông qua các chương trình ưu đãi hoặc giảm giá .

85% bao bì nhựa ở Nhật được tái chế, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình toàn cầu. Để có được con số này công tác phân loại rác tại hộ gia đình, cá nhân cũng được thực hiện bài bản.

Ông Hideki Wada, chuyên gia chất thải rắn của Nhật Bản,Chủ tịch Công ty TNHH Quy hoạch chất thải Việt Nam chia sẻ với VTC News rằng, một trong những kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc thúc đẩy phân loại rác chính là công cụ “pay as you throw” – nghĩa là bạn phải trả tiền cho những gì bạn thải ra môi trường.

Mức phí với từng loại rác thải là khác nhau, nếu người dân phân loại tốt rác tái chế thì người ta có thể không mất tiền xử lý loại rác này, còn với rác không đốt được thì người dân sẽ trả phí. Vậy người dân sẽ cố gắng phân loại tốt nhất rác tái chế vì họ có thể tiết kiệm được tiền của mình.

Sau khi hệ thống thu gom này được giới thiệu, người dân quan tâm nhiều hơn đến vấn đề rác thải vì người ta phải sử dụng túi đặc biệt. Chỉ bỏ rác vào túi đấy mới có thể thu gom. Đó là cách nâng cao ý thức của người dân trong việc phân loại rác”.

Chính phủ Nhật cũng đang khuyến khích sự phát triển của các loại vật liệu sinh học, bao gồm nhựa phân hủy sinh học và vật liệu có nguồn gốc từ thực vật, để thay thế cho nhựa truyền thống.

Tuy nhiên, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc cho biết, khối lượng rác thải hộp và bao bì nhựa tính theo đầu người ở Nhật Bản hiện nay vẫn đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ.

Canada - mục tiêu năm 2030 không có rác thải nhựa

Năm 2021, Canada chính thức công bố kế hoạch cấm hoàn toàn nhựa sử dụng một lần vào cuối năm 2022, bao gồm các sản phẩm như túi nhựa, ống hút, dao kéo nhựa và hộp đựng thức ăn bằng xốp . Kế hoạch này là một phần trong chiến lược tổng thể của Canada nhằm giảm thiểu ô nhiễm nhựa và bảo vệ các hệ sinh thái nước ngọt và biển.

Truyền thông trong nước và quốc tế đã đưa tin, lệnh cấm đồ nhựa dùng một lần nói trên bắt đầu có hiệu lực từ ngày 20/12/2023 tại Canada. Đây là nỗ lực của Ottawa nhằm đạt mục tiêu đến năm 2030 không có rác thải nhựa.

Thống kê cho thấy, người dân Canada vứt 3 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, trong đó có 15 tỷ túi nylon, và chỉ có 9% trong số này được tái chế. Chính phủ Canada đã đặt mục tiêu tăng tỷ lệ này lên 90%.

Canada cũng thiết lập một lộ trình để đạt được mục tiêu đến năm 2030 toàn bộ bao bì nhựa trên thị trường sẽ có khả năng tái sử dụng, tái chế hoặc phân hủy sinh học. Ngoài ra, các chính quyền địa phương và doanh nghiệp tư nhân cũng triển khai nhiều sáng kiến nhằm giảm thiểu bao bì nhựa, như việc áp dụng thuế đối với các sản phẩm nhựa không tái chế và khuyến khích sử dụng bao bì thay thế .

Việt Nam

Năm 2019, Thủ tướng ký quyết định về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến 2030. Kế hoạch bắt đầu có hiệu lực với hai mục tiêu cho năm 2025: Giảm 50% rác thải nhựa trên biển; 80% các điểm du lịch ven biển không còn sử dụng đồ nhựa dùng một lần và không thể phân hủy sinh học. Đối với năm 2030, giảm 75% rác thải nhựa trên biển; cấm nhựa sử dụng một lần và không phân hủy sinh học ở các điểm du lịch ven biển.

Đi chợ không túi nylon ở Hà Nội.

Đi chợ không túi nylon ở Hà Nội.

Tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, các chương trình thử nghiệm không dùng túi nylon đã được thực hiện ở một số siêu thị và cửa hàng. Đồng thời, việc khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm thay thế như túi vải, túi sinh học cũng đang dần được triển khai.

Theo TS. Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường: "Chưa ở đâu việc dùng túi nylon lại dễ như ở Việt Nam. Vì vậy, cần có chính sách trả phí cho việc dùng bao bì nhựa.

Mỗi quốc gia có những cách tiếp cận riêng, phù hợp với điều kiện phát triển và văn hóa của mình. Việc học hỏi từ các sáng kiến này sẽ là nền tảng quan trọng cho các quốc gia khác, bao gồm cả Việt Nam, trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa".

Lan Hương

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nhieu-quoc-gia-trien-khai-cac-sang-kien-giam-thieu-bao-bi-nhua-ar898377.html