Nhiều trường ĐH lo lắng nếu đặt điểm sàn cao sẽ khó tuyển đủ chỉ tiêu

Nhiều trường đại học phía nam đã công bố điểm sàn (ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào) theo kết quả thi tốt nghiệp THPT 2025. Đây là mức điểm tối thiểu mà thí sinh phải đạt được để được đăng ký vào các trường này.

Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) vừa công bố điểm chuẩn xét tuyển dao động từ 16 - 24 điểm (tính cả điểm cộng và điểm ưu tiên), nhiều ngành giảm từ 0,5 - 6 điểm. Đặc biệt, ngành khoa học dữ liệu năm ngoái điểm sàn 24 nhưng năm nay giảm xuống còn 18 điểm.

Đây cũng là mức giảm sâu nhất của trường. Điểm sàn ngành khoa học dữ liệu giảm từ 24 xuống 18 điểm. Một số ngành "hot", được coi là mũi nhọn giảm 4 điểm như công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, khoa học máy tính.

Trường đại học Công Thương TP.HCM công bố điểm phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 ở một số ngành thuộc lĩnh vực: Quản lý, kinh tế, dịch vụ, luật, công nghệ thông tin, ngôn ngữ giảm 1 - 4 điểm so với năm ngoái (điểm sàn năm trước từ 16 - 20 điểm).

Thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 tại TP.HCM - Ảnh: Nguyễn Tuyết

Thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 tại TP.HCM - Ảnh: Nguyễn Tuyết

Hàng loạt trường nhận hồ sơ xét tuyển từ 15 điểm như Đại học Tài chính - Marketing (UFM), Công nghệ TP.HCM (HUTECH), Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF), Văn Hiến, Hoa Sen, Hồng Bàng, Nguyễn Tất Thành, Quốc tế Sài Gòn (SIU). Mức này giảm 1 - 4 điểm so với năm ngoái.

Theo một chuyên gia tuyển sinh, mốc 15 điểm là "cửa chặn", khó lấy thấp hơn vì có thể ảnh hưởng tới uy tín của các trường, trong khi chất lượng thí sinh không đảm bảo. Đây cũng là mức sàn thấp kỷ lục trong vòng 3 năm qua của UFM, HUTECH, UEF.

Đặc biệt, Trường đại học Nông Lâm TP.HCM công bố mức điểm sàn phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay giảm bất ngờ ở nhiều ngành. Trong đó, ngành thú y giảm đến 7 điểm so với năm ngoái (mức điểm sàn năm 2024 từ 16 - 22 điểm).

Theo PGS-TS Nguyễn Phú Khánh – Phó hiệu trưởng Trường đại học Phenikaa, điểm trung bình của một số môn chính đã giảm rõ rệt: Toán giảm 0,5 điểm; Hóa giảm từ 0,4 đến 0,6 điểm; Sinh cũng giảm tương tự. Ông cho biết "khi các môn chính có sự thay đổi như vậy thì những tổ hợp liên quan đến xét tuyển khối chính như A00, B00, D01 rất có thể sẽ giảm. Chúng tôi dự đoán điểm chuẩn có thể giảm từ 0,5 đến 1,5 điểm".

Như vậy, xu hướng giảm điểm chuẩn dường như là điều không thể tránh khỏi do sự thay đổi trong phổ điểm.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó trưởng phòng Tuyển sinh - Truyền thông và quan hệ doanh nghiệp (Trường đại học Tài chính - Marketing) cho rằng các thí sinh cần phải xác định ngành yêu thích và phù hợp, sau đó chọn ra những trường có đào tạo ngành này và ngành gần.

"Thí sinh nên chọn ít nhất 2 trường có điểm chuẩn năm ngoái cao hơn điểm mình đạt được năm nay nhưng có hy vọng để trúng tuyển; 2 trường có điểm tương đương; 2 trường có điểm thấp hơn 1 - 2 điểm", thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng tư vấn.

Đồng thời, các thí sinh chọn thêm ngành gần ở 3 trường với 3 nguyện vọng mà điểm chuẩn năm ngoái thấp hơn điểm mình có với biên độ lớn hơn 2 để dự phòng. Khi đăng ký, điều chỉnh, thí sinh phải ghi chú để tránh nhầm lẫn. Thí sinh cũng không nên đăng ký nguyện vọng ngay mà cần sắp xếp các nguyện vọng thật hợp lý, sau đó mới đăng ký.

Theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông, Trường đại học Công thương TP.HCM, điểm sàn của các trường giảm sâu là điều dễ hiểu khi điểm thi tốt nghiệp THPT giảm. Ông dự đoán phần lớn trường giảm điểm sàn, phổ biến ở mức 16 - 20. Với các trường tư thục ở tỉnh, mức sàn chỉ 15 điểm.

"Các trường lo lắng, nếu đặt điểm sàn cao thì có khả năng không tuyển đủ chỉ tiêu", ông Sơn nhận định. "Điểm sàn dự kiến ban đầu của Trường đại học Công thương TP.HCM là 17 nhưng sau khi công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT 2025, trường quyết định điều chỉnh xuống còn 16, đặt cao sẽ tự giới hạn chính mình".

Năm 2025 đánh dấu lần đầu tiên Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường đại học quy đổi điểm chuẩn tương đương giữa các phương thức xét tuyển (điểm thi THPT, học bạ, điểm tư duy, điểm đánh giá năng lực…). Điều này nhằm đảm bảo tính công bằng cho thí sinh, nhưng đồng thời cũng kéo theo khả năng giảm điểm chuẩn của các phương thức khác khi điểm thi giảm. Đến thời điểm này, 3 ngày sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, các trường đã có sự chuẩn bị cho việc quy đổi, nhằm bảo đảm công bằng cho các em thí sinh lựa chọn tổ hợp xét tuyển.

Với phổ điểm thấp hơn, điểm chuẩn dự kiến giảm từ 0,5 đến 1,5 điểm và quy đổi điểm giữa các phương thức xét tuyển được yêu cầu bắt buộc, thí sinh cần theo dõi sát các thông báo, quy đổi điểm của từng trường và đăng ký nguyện vọng sớm, cẩn thận. Việc lựa chọn nguyện vọng cần được xây dựng theo chiến lược rõ ràng và đồng thời phải căn cứ vào khả năng cũng như sở thích của bản thân chứ không chỉ dựa vào điểm chuẩn.

Để tăng cơ hội trúng tuyển, chuyên gia giáo dục khuyến nghị thí sinh nên phân chia nguyện vọng thành ba nhóm rõ ràng:

Nhóm thứ nhất: Các ngành mà em yêu thích dù cơ hội thấp.

Nhóm thứ hai: Các ngành phù hợp với điểm số hiện tại với khả năng trúng tuyển khoảng 85-90% – nhóm này là quan trọng nhất.

Nhóm thứ ba: Các ngành an toàn, có thể chưa thích nhưng đảm bảo đỗ, nhằm có sự lựa chọn ổn định khi xét tuyển bổ sung.

Điều này một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của việc lựa chọn nguyện vọng hợp lý, tránh tình trạng chỉ dựa trên điểm chuẩn mà không xét đến khả năng và sở thích cá nhân. Cũng cần lưu ý theo dõi các ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) của từng trường, đặc biệt ngày 23.7 khi Bộ GD-ĐT sẽ công bố cho các khối ngành đặc thù như luật, sức khỏe.

Nhiều chuyên gia giáo dục lưu ý, các thí sinh sẽ có một khoảng thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu các thông tin và chính thức đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT đến trước 17 giờ ngày 28.7.2025. Vì vậy, hãy tận dụng tốt quãng thời gian này để đưa ra lựa chọn phù hợp nhất với bản thân.

Nguyễn Tuyết

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/nhieu-truong-dh-lo-lang-neu-dat-diem-san-cao-se-kho-tuyen-du-chi-tieu-235134.html