Nhiều vướng mắc khi 2 quy định, 2 mức phạt khác nhau về cùng 1 hành vi
Báo cáo của Bộ Công an về kết quả rà soát, đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật cho thấy, hiện còn rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo khi có nhiều quy định khác nhau để xử lý cùng 1 vấn đề.
Chồng chéo nhiều quy định về xử phạt hành chính
Bộ Tư pháp đang thẩm định các ý kiến theo báo cáo của Bộ Công an về kết quả rà soát, đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật. Theo ý kiến của các địa phương, hiện này còn rất nhiều Văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, dẫn đến vướng mắc khó khăn trong quá trình thực thi.
Cụ thể, theo Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn, điểm d khoản 4 Điều 9 và điểm i khoản 3 Điều 18 Nghị định số 144/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội quy định hành vi "Không khai báo tạm trú cho người nước ngoài theo quy định của pháp luật" sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng.
Trong khi đó, điểm i khoản 3 Điều 18 Nghị định số 144/2021 quy định hành vi "Cơ sở lưu trú cho người nước ngoài tạm trú qua đêm nhưng không khai báo tạm trú" bị xử phạt từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng.
Như vậy, cùng một hành vi không khai báo tạm trú cho người nước ngoài nhưng lại được quy định ở 2 điều khoản, điểm khác nhau với mức phạt tiền khác nhau, dẫn đến không thống nhất trong việc áp dụng pháp luật.

Theo Sở Tư pháp Lạng Sơn, quy định về việc giao xe cho người chưa đủ điều kiện còn mâu thuẫn giữa các Luật.
Cũng theo Sở Tư pháp Lạng Sơn, khoản 10 Điều 32 Nghị định số 168/2024 của Chính phủ quy định, phạt tiền từ 8.000.000 - 10.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 16.000.000 - 20.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy thực hiện hành vi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có giấy phép lái xe nhưng đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng).
Tuy nhiên, tại khoản 7 Điều 9 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ không có hành vi "để cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện" mà chỉ quy định "giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật để điều khiển tham gia giao thông đường bộ", dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng.
Chồng chéo đến cả xử lý hình sự
Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang cho rằng, khoản 2 Điều 3 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 quy định: "Người bị tạm giam là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giam, gia hạn tạm giam theo quy định của Bộ luật hình sự (BLHS) bao gồm: bị can, bị cáo, người bị kết án phạt tù, người bị kết án tử hình mà bản án chưa có hiệu lực pháp luật hoặc đang chờ thi hành án; người bị tạm giam để thực hiện việc dẫn độ".
Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 23 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định: "Trong thời gian chờ chuyển đến nơi chấp hành án phạt tù, người chấp hành án được hưởng chế độ như đối với phạm nhân".
Các quy định nêu trên mâu thuẫn trong việc thực hiện chế độ đối với người đang chờ chấp hành án phạt tù, áp dụng theo chế độ của người bị tạm giam hay chế độ của phạm nhân, điều này gây khó khăn trong việc áp dụng của các cơ sở giam giữ.
Sở Tư pháp tỉnh Quảng Trị, Điều 304 BLHS và khoản 5, Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP đều quy định về một hành vi: "Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng" nhưng không quy định tiêu chí cụ thể để xác định trường hợp nào xử phạt hành chính, trường hợp nào xử lý hình sự.
Tương tự, Điều 7 Nghị định 144/2021 và Điều 318 BLHS đều quy định về hành vi vi phạm gây rối trật tự công cộng. Tuy nhiên, các quy định lại không phân định rõ trường hợp nào xử lý vi phạm hành chính, trường hợp nào truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thời điểm tháng 10/2023, khi người mẫu Ngọc Trinh bị khởi tố về tội Gây rối trật tự công cộng khiến nhiều người bất ngờ.
Điều 5 Thông tư 72/2024 của Bộ Công an quy định, khi phát hiện vụ tai nạn giao thông (TNGT) có dấu hiệu tội phạm, phải báo cáo Cơ quan điều tra công an cấp huyện. Hiện quy định này đã không khả thi vì cấp huyện đã bị bãi bỏ.
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2025 (Điều 29) đã phân loại TNGT thành 4 cấp độ. Tuy nhiên, Thông tư 72/2024 chưa được cập nhật, không có hướng dẫn quy trình điều tra tương ứng với 4 cấp độ này.
Quy định như trên phát sinh vướng mắc khi lực lượng công an cấp xã khi tiếp nhận, giải quyết TNGT ban đầu sẽ không có quy trình chuẩn để áp dụng, không biết báo cáo cho cơ quan nào và không có căn cứ để tiến hành các hoạt động điều tra ban đầu theo đúng phân loại của Luật.
Sở Tư pháp Tp.Hà Nội ý kiến, khoản 1 Điều 369 của BLHS năm 2015 quy định, 5 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của người được đương nhiên xóa án tích và xét thấy có đủ điều kiện quy định tại Điều 70 của BLHS thì cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp phiếu lý lịch tư pháp là họ không có án tích.
Trong khi đó Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 quy định về thời hạn cấp phiếu Lý lịch tư pháp (LLTP) trong trường hợp đương nhiên xóa án tích là 15 ngày.
Như vậy, cùng một thủ tục cấp phiếu LLTP trong trường hợp đương nhiên xóa án tích mà Luật Tố tụng hình sự quy định 5 ngày còn Luật LLTP thì quy định 15 ngày. Việc mâu thuẫn của 2 Luật gây khó khăn cho cơ quan có trách nhiệm cấp Phiếu LLTP trong trường hợp đương nhiên xóa án tích.