Nhớ mùa mưa 1972

HNN - Năm nay, mới tháng 6 âm lịch nhưng mưa nhiều và lớn quá mức. Một số khu vực ở thành phố Huế ghi nhận lượng mưa kỷ lục. Chợt nhớ mùa mưa năm 1972 ở phía tây thành phố Huế khi chúng tôi mới chân ướt chân ráo tới chiến trường này.

A Lưới 2 hôm nay. Ảnh: QUỲNH ANH

A Lưới 2 hôm nay. Ảnh: QUỲNH ANH

Tháng 5/1972, Đại đội xe tăng 4 hành quân vào đến A Lưới và được đưa vào đường 12 (nay là Quốc lộ 49) để sẵn sàng làm mũi vu hồi đánh xuống Huế. Tuy nhiên, khi chưa kịp triển khai nhiệm vụ thì mùa mưa ập đến và làm đảo lộn mọi thứ. Đơn vị phải tổ chức trú quân ở thượng lưu sông Bồ (khu vực xã Hồng Hạ, A Lưới cũ).

Hôm đó, mới sang tháng 7 mà thời tiết đã có dấu hiệu khác thường: Bầu trời thường ngày trong xanh đã chuyển sang màu xám xịt, những đám mây đen mọng nước nặng nề như muốn sà xuống núi rừng... Nhìn trời, nhìn đất, mấy anh lính cựu đã ở vùng này lâu năm cho biết: Mùa mưa năm nay đến sớm hơn mọi năm. Cán bộ, chiến sĩ Đại đội xe tăng 4 lúc đó toàn là người miền Bắc, vốn chỉ quen với những cơn mưa rào mùa hạ, cơn mưa phùn ngày đông, làn mưa xuân như rây bụi và những giọt mưa thu tí tách chứ chưa hề biết đến khái niệm mùa mưa nên khá ngạc nhiên. Hỏi mùa mưa thế nào thì các anh ấy cười bảo: “Cứ đợi đấy, vài ngày nữa khắc biết!”.

Và đúng là chỉ vài ngày sau mùa mưa đến thật. Không giống như những cơn mưa rào còn có khi tạnh, mưa ở đây rả rích kéo dài, lúc to thì sầm sập như có ai dốc ngược chĩnh nước từ trên trời xuống, lúc nhỏ thì rỉ rả cả ngày cả đêm. Con sông Bồ mới hôm nào chỉ nhỉnh hơn con suối, nước trong văn vắt nhìn rõ từng hòn cuội dưới đáy đã lột xác, trở thành một con sông ngầu đỏ, hung dữ, cuồn cuộn chảy về xuôi cuốn theo mọi thứ nó gặp trên đường. Đội hình trú quân của đơn vị hai bên ngầm sông Bồ bị cắt làm đôi. Cả đại đội có một y tá thế mà suýt trôi mất vì khi cấp cứu phải vượt ngầm giữa ngày mưa lũ, may mà anh em phát hiện kịp quăng dây ra kéo được vào bờ. Cứ thế, ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần khác suốt mấy tháng trời, mưa đến thối đất thối cát. Hầm xe, hầm người lúc nào cũng lép nhép nước bùn. Quần áo chẳng có chỗ phơi phải hong trên bếp lửa lúc nào cũng ẩm sì sì và khét mùi khói. Độ ẩm không khí cao đe dọa gây ẩm mốc các thiết bị điện tử, quang học của xe nên mặc dù rất gần địch vẫn phải duy trì việc nổ máy chống ẩm hàng tuần...

Mưa liên tục mấy ngày thì điều tệ hại nhất đã xảy ra: Con đường 12 vốn chẳng to tát và vững chãi gì nay xuất hiện rất nhiều chỗ bị sạt lở. Có chỗ thì đất đá từ ta-luy dương lở xuống lấp hẳn mặt đường. Lại có chỗ ta-luy âm bị sạt làm đường mất tiêu. Gần chục chiếc xe tăng nặng nề bỗng rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Trong tình thế ấy, nếu địch nống ra thì chỉ còn duy nhất một cách là chiến đấu đến viên đạn cuối cùng mà thôi. Mà chúng nống ra thật, lúc gần nhất hai bên chỉ còn cách nhau 3 - 4km nên tình hình lúc nào cũng căng như dây đàn. Không chỉ thế, mùa mưa đến địch không tuần tra, trinh sát thường xuyên bằng OV-10, L19 nữa mà tăng cường ném bom hoặc pháo kích tọa độ vào những chỗ chúng nghi ngờ vào bất cứ lúc nào, đâm ra cứ phải ru rú trong hầm. Ấy thế mà cũng có 1 chiến sĩ hy sinh và 1 chiến sĩ bị thương do pháo địch.

Tình trạng sạt núi, lở đường cũng làm cho mọi hoạt động vận tải cơ giới bị đình lại. Tất cả bây giờ được đặt lên đôi vai người chiến sĩ. Lính xe tăng vốn không quen hành quân xa, mang vác nặng nay thành lính gùi hết lượt bởi không gùi gạo thì lấy gì mà ăn. Mà không chỉ phải đi gùi gạo, họ còn phải gùi xăng về chạy máy phát điện để nạp điện bổ sung cho ắc-quy. Dù đã đựng trong hai lần túi ni-lon bao gạo mà xăng vẫn thấm ra được làm rộp cả da lưng người đi gùi. Ấy thế mà mấy lính cựu lại bảo: “Có gạo, có xăng mà gùi về còn là may đấy!”. Thì ra, đã từng có những mùa mưa mà các kho quanh vùng hết sạch cả hàng. Muốn lấy được ít gạo ăn phải đi bộ hàng tuần sang tận bên Lào.

Trời thì cứ rả rích mưa ngày này qua ngày khác và có lẽ chỉ có lũ muỗi vắt là thích hợp với cái trạng thái thời tiết này mà thôi. Chả thế mà số cán bộ, chiến sĩ bị sốt rét bỗng nhiên tăng vọt. Lúc đầu chỉ lác đác mỗi xe 1 - 2 người bị. Thế rồi có xe bị cả kíp luôn, không còn cả người nấu cơm mà ăn nữa. Đau đớn nhất là một trường hợp hy sinh vì bị sốt rét ác tính. Lúc này, vất vả nhất là đồng chí y tá. Anh chạy như con thoi giữa hai trung đội, hết xe này đến xe khác để thăm khám, điều trị cho anh em. Và đến lúc chính anh lăn ra sốt thì đại đội phải điện gấp về tiểu đoàn đề nghị tăng cường cho một y sĩ về mới tạm yên.

Đáp lại câu hỏi ngạc nhiên của đám lính trẻ về sự dư thừa, hào phóng của ông trời khi tuôn nước xuống trong mùa mưa ở đây thì vẫn là mấy lính cựu điềm đạm giải thích: Các cậu nhìn vào bản đồ Việt Nam thì thấy dải Trường Sơn với chiều cao trung bình gần 2.000m như một bức trường thành nằm ở phía tây. Nó ép những làn gió lạnh của khối cao áp phương bắc tràn về chạy dọc theo sườn đông của nó, khi gặp áp thấp mang đầy hơi nước theo những làn gió đông nam từ đại dương thổi vào sẽ tạo thành mưa. Càng vào miền Trung, Trường Sơn càng lấn ra gần biển. Cao áp phương bắc và thấp áp đại dương càng dễ có điều kiện hội tụ với nhau và càng dễ gây mưa. Giá như không có cái đèo Hải Vân thì lượng mưa sẽ rải đều xuống dưới. Nhưng Trường Sơn lại tham lam quá, nó chồm hẳn ra biển bằng dãy Bạch Mã với con đèo Hải Vân cao ngất. Cao áp bắc phương chạy theo sườn đông của nó đến đây bị chặn lại tạo thành vùng quẩn, trong khi đó gió biển đầm đìa hơi nước vẫn hào phóng thổi vào làm cho nơi này trở thành cái “rốn mưa”. Và cứ mỗi khi đài báo “gió mùa đông bắc" thì ở đây lại mưa to hơn. Quả có thế thật!

Lạ lẫm, khó khăn, gian khổ như vậy nhưng cán bộ chiến sĩ Đại đội xe tăng 4 đã đồng tâm khắc phục vượt qua. Họ đã trụ lại vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió ấy, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng. Và khi có thời cơ, họ đã tiến công cứ điểm Tà Lương, mở rộng vùng giải phóng để tạo đà cho cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975, tiến tới thống nhất đất nước.

Đại tá - Nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/doi-song/nho-mua-mua-1972-155757.html