Nhớ thầy Bửu Triều - người cuối cùng của thế hệ chuyên ngành ngoại khoa đầu tiên của Việt Nam
Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Bửu Triều, người cuối cùng của thế hệ chuyên ngành ngoại khoa đầu tiên của Việt Nam đã thanh thản ra đi vào đêm muộn 16/7/2025 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, hưởng thọ 102 tuổi.

Giáo sư Nguyễn Bửu Triều dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Bộ môn Ngoại. (Ảnh: MOH)
Giáo sư đã có hơn 80 năm cống hiến, phụng sự nền y học nước nhà, không ngừng truyền ngọn lửa tri thức và thắp sáng niềm tin, hy vọng cho hàng vạn bệnh nhân và học trò.
Tôi chính thức bước chân qua cánh cổng 40 Tràng Thi của vào đầu tháng 9/1984 để bắt đầu cuộc đời của một bác sĩ nội trú ngoại. Khi cùng 4 người bạn đồng môn bước vào căn phòng nhỏ, chúng tôi nhìn các thầy của Bộ môn Ngoại mà trước đây khi còn là sinh viên năm thứ 3, thứ 4 đi lâm sàng chỉ dám nhìn từ xa. Nhưng có một người thầy dáng nhỏ bé, nhanh nhẹn, từ cử chỉ, lời nói tới ánh mắt, nụ cười đều toát lên vẻ hiền hậu và đức độ.
Sau này, tôi mới biết đó là Giáo sư Nguyễn Bửu Triều, thường gọi thầy Bửu Triều, Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại, Chủ nhiệm Khoa tiết niệu, người thầy của những người thầy.
Hồi ấy, thầy bắt đầu triển khai phẫu thuật nội soi tiết niệu tại bệnh viện. Mỗi lần thầy mổ là mọi người phải tấp nập chuẩn bị từ chiều hôm trước. Phải báo xuống phòng pha chế huyết thanh để chuẩn bị nhiều nước cất cho việc tưới rửa bàng quang trong khi mổ; đội ngũ gây mê hồi sức, dụng cụ viên luôn chăm chú vào công việc hết sức khẩn trương, không khí trong phòng mổ như đọng lại trong sự nghiêm trang và cẩn thận.
Các bác sĩ nội trú như tôi khi đi luân khoa đến Khoa tiết niệu đều háo hức mong đến ngày được phụ mổ cho thầy. Mỗi khi ca mổ thuận lợi, thầy cho nhìn vào ống kính phẫu thuật, mà chúng tôi cũng chỉ dám nhòm một chút là đã hạnh phúc và hãnh diện lắm rồi.
Mỗi ngày, khi kết thúc các ca mổ thì đã cuối buổi chiều, thầy bước ra khỏi phòng mổ, dáng vẻ khá mệt mỏi, với vạt áo mổ phía trước ướt sũng bởi dịch rửa bàng quang trào ra trong khi mổ, trong lòng tôi trào lên một tình cảm vừa thấy thương thầy, vừa đầy sự kính phục. Khi ấy, thầy đã là bậc cao niên, nhưng con người nhỏ bé ấy luôn có một sức làm việc và sáng tạo đến kinh ngạc.
Là người đứng đầu chuyên ngành tiết niệu, thầy không những tự thực hiện nhiều ca phẫu thuật phức tạp, phát triển nhiều kỹ thuật mới, khai sinh những chuyên ngành mới như chuyên khoa nam học, mà còn chủ trì giao ban, đi buồng giảng lâm sàng cho các bác sĩ trẻ, bác sĩ nội trú và sinh viên hằng ngày.
Giáo sư Nguyễn Bửu Triều sinh ngày 3/2/1923 tại thành phố Huế, trong một gia đình hoàng tộc danh giá; lớn lên trong sự rèn giũa nghiêm khắc nhưng đầy mẫu mực của người cha là một lương y. Thầy đến với ngành y không chỉ là một sự lựa chọn mà là một lý tưởng sống, mang theo lời dạy thiêng liêng của cha: “Y là lý - là nghề cẩn trọng và bao dung”.
Trong những năm 1942-1943, thầy đã là sinh viên nội trú tại Bệnh viện Bảo hộ (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức ngày nay). Trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, bác sĩ Nguyễn Bửu Triều cùng các đồng nghiệp đã tích cực tham gia cứu chữa thương bệnh binh, chăm lo sức khỏe cho bộ đội và nhân dân ở vùng kháng chiến...
Từ năm 1956, bác sĩ Nguyễn Bửu Triều làm việc tại Bệnh viện Việt Đức và giảng dạy tại Bộ môn Ngoại, Trường đại học Y Hà Nội. Được vài năm, thầy được cử đi làm chuyên gia ở nước ngoài, rồi lại tiếp tục trở về làm việc tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và làm giáo vụ Bộ môn Ngoại, Trường đại học Y Hà Nội.
Với cương vị Chủ nhiệm Khoa Ngoại Tiết niệu của bệnh viện, thầy đã nghiên cứu và điều trị thành công nhiều bệnh của tuyến thượng thận, bệnh sỏi đường tiết niệu, bệnh của hệ sinh dục... Thầy là người đầu tiên áp dụng thành công phương pháp mổ nội soi khối u tuyến tiền liệt, đồng thời trực tiếp đào tạo được một số bác sĩ mổ thành thạo theo phương pháp này.
Đến nay, trên cả nước đã có hàng trăm bác sĩ thực hiện được phương pháp mổ nội soi khối u tuyến tiền liệt và hàng chục nghìn người bệnh u xơ tuyến tiền liệt tuyến được chữa khỏi không để lại sẹo mổ, ít đau đớn và ít chảy máu.
Giáo sư Nguyễn Bửu Triều là niềm tự hào của cộng đồng y học Việt Nam. Thầy là một trong những người đặt nền móng vững chắc cho chuyên ngành Phẫu thuật Tiết niệu và Nam học hiện đại tại Việt Nam. Thầy luôn là chỗ dựa tinh thần cho rất nhiều thế hệ y bác sĩ trẻ.
Với vai trò chủ nhiệm Bộ môn Ngoại của , thầy chủ trì xây dựng bộ giáo trình chuyên ngành ngoại khoa, chủ trì các đề tài nghiên cứu, hướng dẫn luận án, chủ trì các hội đồng khoa học. Đôi khi, tôi tự hỏi, trong con người thầy làm sao có thể tích tụ một khối năng lượng dồi dào đến vậy.
Thời gian thấm thoắt trôi đi, tôi đã tốt nghiệp bác sĩ nội trú và chính thức trở thành một bác sĩ phẫu thuật của bệnh viện. Tuy không làm cùng chuyên khoa, nhưng hằng ngày đi giao ban vẫn gặp thầy, vẫn dáng người nhỏ bé, vẫn nụ cười hiền hậu và sự khiêm nhường toát ra từ ánh mắt đến từng cử chỉ.
Khi đã trưởng thành, trở thành lãnh đạo của bệnh viện, tôi vẫn luôn nhận được sự quan tâm, động viên của thầy. Mỗi khi gặp, từ xa thầy đã tươi cười cùng những lời động viên ân cần, và bao giờ câu cuối cũng là “anh cố gắng nhé”. Sau này, tuổi cao và về nghỉ ngơi, nhưng mỗi dịp có sự kiện lớn của bệnh viện, thầy vẫn đến dự, hết sức chỉn chu và đúng giờ.
Tôi có một kỷ niệm rất riêng là khi thầy bị viêm ruột thừa ở tuổi 98. Đến hội chẩn, thầy đề nghị tôi là bác sĩ mổ. Thầy nắm tay tôi và bảo “anh mổ thì tôi yên tâm rồi”. Ơn giời ca mổ nội soi diễn ra suôn sẻ, hôm sau lên thăm lại thì thầy đã ngồi dậy bắt tay tôi. Các bác sĩ và điều dưỡng chăm sóc cho biết thầy tự chịu đựng, không hề tỏ ra đau đớn hay cáu gắt gì với các cháu mà luôn nở nụ cười hiền khi mọi người đến làm công tác chuyên môn hay thăm.
Thầy đã sống trọn tuổi trời một cách xứng đáng và trọn vẹn. Nhưng tin thầy mất vẫn thật là một tin rất buồn. Con xin thắp một nén hương lòng tiễn biệt thầy đi gặp các bậc tiền bối.
Là một người thầy lớn, đào tạo ra lớp lớp thế hệ bác sĩ ngoại khoa ngày nay đang làm việc tại mọi miền của Tổ quốc, thầy Bửu Triều sẽ còn mãi trong ký ức của những người được học, được làm việc với thầy.