Những bản sáng vùng biên: 'Thắp sáng' bản vùng biên

Năm 2024, mô hình điểm 'Bản sáng vùng biên' được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, các đồn biên phòng (BP) khu vực biên giới đất liền phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền triển khai thực hiện với mong muốn góp phần trực tiếp giúp đỡ đồng bào xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới, củng cố cơ sở chính trị vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu vực biên giới.

Cán bộ Đồn BP Hiền Kiệt thăm gia đình thuộc hộ khó khăn bản Chiềng Căm xây dựng nhà ở.

Cán bộ Đồn BP Hiền Kiệt thăm gia đình thuộc hộ khó khăn bản Chiềng Căm xây dựng nhà ở.

Dấu chân của những người lính BP đã in dấu trên những cung đường tuần tra biên giới, “bám bản, bám dân” chung tay cùng đồng bào phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), xây dựng vùng biên tỉnh Thanh Hóa bình yên, vững mạnh. Mô hình điểm “Bản sáng vùng biên” thêm một lần nữa khẳng định vai trò của những người lính BP, góp sức cùng đồng bào xây dựng bản làng.

Xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh

Trước khi ngược ngàn vùng cao, chúng tôi được Đại tá Hoàng Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tỉnh Thanh Hóa, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện mô hình điểm “Bản sáng vùng biên”, chia sẻ: Thanh Hóa có 213,6km đường biên giới đất liền thuộc địa bàn 5 huyện, 16 xã, thị trấn, với 147 thôn, bản; chủ yếu có 6 dân tộc sinh sống gồm: Thái, Mường, Mông, Dao, Khơ Mú, Kinh. Đây là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh và đối ngoại. Những năm qua Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh và các ban, ngành đoàn thể các cấp luôn quan tâm, có nhiều chính sách ưu tiên, đầu tư nguồn lực vào khu vực biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển KT-XH, văn hóa. Nhờ đó khu vực miền núi nói chung và biên giới nói riêng đã có nhiều chuyển biến; niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước được củng cố vững chắc. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung trong toàn tỉnh, khu vực biên giới, miền núi vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Để tiếp tục cụ thể hóa các nội dung, chương trình phát triển KT-XH khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát huy sức mạnh tổng hợp, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng, ban hành Nghị quyết chuyên đề; Kế hoạch số 1332/KH-BCH, ngày 28/5/2024 về xây dựng mô hình “Bản sáng vùng biên” ở khu vực biên giới tỉnh Thanh Hóa. Ngày 30/7/2024, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Kết luận của Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa và quán triệt Kế hoạch xây dựng mô hình điểm “Bản sáng vùng biên”. Đồng thời phối hợp với cấp ủy, chính quyền của 5 huyện biên giới gồm: Thường Xuân, Lang Chánh, Quan Sơn, Quan Hóa và Mường Lát để thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo các đồn BP và các xã biên giới trên địa bàn khảo sát, đánh giá thực trạng, thống nhất lựa chọn 11 thôn, bản, khu phố (sau đây gọi tắt là bản) khó khăn nhất thuộc địa bàn 11 đồn BP để thực hiện mô hình điểm. Đồng thời xây dựng 4 nội dung chính triển khai thực hiện, thời gian thực hiện trong 3 năm (2024-2027), sau đó sẽ tổng kết, đánh giá mô hình điểm để nhân rộng.

Thông qua việc xây dựng mô hình điểm “Bản sáng vùng biên” tiếp tục khẳng định vai trò của BĐBP trong tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố cơ sở chính trị, giúp Nhân dân xóa đói, giảm nghèo.

Ngược ngàn Chiềng Căm

Điểm đầu tiên trên hành trình ngược ngàn vùng cao, biên giới của chúng tôi là Đồn BP Hiền Kiệt, huyện Quan Hóa. Nơi đây, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn BP Hiền Kiệt đang triển khai thực hiện mô hình điểm “Bản sáng vùng biên” tại bản Chiềng Căm. Đồn BP Hiền Kiệt cũng là đơn vị triển khai mô hình điểm sớm nhất trên toàn tuyến biên giới và nhận được sự quan tâm phối hợp của cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Quan Hóa.

Trung tá Lê Hồng Thắng, Đồn trưởng Đồn BP Hiền Kiệt cho biết: Sau khi Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tổ chức hội nghị triển khai thực hiện mô hình điểm, cuối tháng 8/2024, đơn vị triển khai thực hiện, tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân bản Chiềng Căm đồng tình, tích cực tự giác, chủ động cùng với chính quyền, các lực lượng triển khai thực hiện tốt nội dung xây dựng mô hình điểm “Bản sáng vùng biên”. Chiềng Căm được lựa chọn xây dựng điểm là bởi từ năm 2009-2011 đây là bản thí điểm mô hình trồng cây lúa nước thẳng hàng. Năm 2023, Chiềng Căm đăng ký XDNTM nhưng vẫn còn khó khăn nên chưa thể về đích. Việc lựa chọn xây dựng mô hình điểm “Bản sáng vùng biên” là cơ sở để huy động nguồn lực, tạo động lực, chung tay cùng bà con xây dựng thành công bản NTM năm 2024. Phấn đấu đến năm 2026 tổng kết mô hình điểm sớm hơn so với kế hoạch tỉnh giao.

Đồng chí Hà Văn Thủy, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quan Hóa cho biết: Để có nguồn lực thực hiện mô hình điểm “Bản sáng vùng biên” ở bản Chiềng Căm, xã Hiền Kiệt, Thường trực Huyện ủy Quan Hóa giao cho Đồn BP Hiền Kiệt phối hợp với các ban, ngành, đơn vị liên quan vận động quyên góp, ủng hộ, tham gia đóng góp ngày công lao động; trao tặng cây con giống; tổ chức, hướng dẫn Nhân dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật phát triển kinh tế; giao UBND huyện chỉ đạo phòng chuyên môn đảm bảo nguồn kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội để triển khai thực hiện; Ban Dân vận Huyện ủy, Ủy ban MTTQ huyện phối hợp với các ban, ngành, đơn vị liên quan vận động doanh nghiệp, cá nhân, nhà hảo tâm, các tầng lớp Nhân dân triển khai trực tiếp xây dựng các công trình như: Cổng chào, tủ sách, điểm trường, nhà văn hóa, khu đổ rác công cộng, đường giao thông, đèn điện chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời; hoàn thành việc xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách, người có công, đồng thời phấn đấu xây dựng bản Chiềng Căm đạt chuẩn NTM năm 2024. Với sự vào cuộc của các cấp, ngành từ huyện đến cơ sở, huyện Quan Hóa quyết tâm xây dựng Chiềng Căm trở thành bản sáng vùng biên, hướng tới mục tiêu nhân rộng mô hình điểm trên địa bàn huyện.

Về Chiềng Căm, trong nắng chiều, những ngôi nhà sàn bình yên, xinh xắn dựa lưng vào núi rừng. Chiềng Căm có 118 hộ, 576 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Xây dựng “Bản sáng vùng biên” bà con nơi đây bắt đầu từ những việc làm nhỏ. Dọc con đường vào bản, trên sân nhà văn hóa, những cây cột đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời cũng vừa dựng xong; những cây chè mạn làm hàng rào xanh được trồng tại nhà văn hóa; những mảnh vườn nhỏ đã được trồng thành từng luống rau xanh mướt. Vào những ngày cuối tuần, bà con trong bản tích cực vệ sinh đường, ngõ xóm. Tại nhà văn hóa bản, tủ sách pháp luật với nhiều đầu sách hữu ích, các thiết chế văn hóa được cán bộ Đồn BP Hiền Kiệt kêu gọi, mua sắm. Để thành công cho mô hình, không chỉ là sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành mà chính là phát huy được nội lực, tiềm năng của chính người dân trong bản. Từ mô hình điểm “Bản sáng vùng biên” gắn với XDNTM sẽ tạo động lực, niềm tin cho bà con Chiềng Căm tích cực thi đua lao động sản xuất, các cháu trong độ tuổi đi học được đến trường, xây dựng bản ngày một ấm no, phát triển.

Bài và ảnh: Ngọc Huấn

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/nhung-ban-sang-vung-bien-nbsp-thap-sang-ban-vung-bien-34042.htm