Những cung bậc cảm xúc trong thơ tình yêu
Bao giờ cũng vậy, mùa xuân là mùa của tình yêu, tuổi trẻ và hi vọng. Mùa xuân đem đếm cho thi nhân cảm hứng sáng tạo, và tình yêu lứa đôi là địa hạt của thi ca. Là gương mặt xuất hiện dày đặc trên báo Sinh viên, Hoa học trò những năm 80 của thế kỷ trước, nhà thơ Đàm Huy Đông được giới trẻ rất yêu mến bởi thơ tình của anh gần gũi, giản dị.
Văn nghệ Công an có cuộc trò chuyện với nhà thơ Đàm Huy Đông về nội dung này.
- Tình yêu là địa hạt của văn chương nói chung và thơ ca nói riêng. Viết về tình yêu lứa đôi, các nhà thơ từ cổ chí kim ở thế giới cũng như nước ta luôn thể hiện những cung bậc cảm xúc dạt dào, mãnh liệt, để lại những tác phẩm tuyệt đẹp cho mọi thời. Có thể nhắc đến tác phẩm nổi tiếng “Tôi yêu em” của đại thi hào Puskin, tác phẩm “Chút tình đầu” của nhà thơ Đỗ Trung Quân, “Chiếc lá đầu tiên” của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, “Thơ duyên” của Xuân Diệu, “Tương tư” của Nguyễn Bính, “Sóng” của Xuân Quỳnh… Theo anh thì sự diễn tả về tình yêu đầu đời trong các bài thơ từ xưa đến nay thì có điểm gì giống nhau, có gì khác nhau?
+ Trước hết cho tôi nói vài lời về tình yêu đầu đời. Nhà thơ Thế Lữ viết: “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy/ Nghìn năm hồ dễ mấy ai quên”.Vâng, tôi cho rằng khó ai có thể quên được tình yêu đầu, dù sau này, trong cuộc đời ta có thể có rất nhiều mối tình nữa, cháy bỏng hơn, đẹp hơn, nhưng cái cảm giác của lần đầu tiên ấy sẽ không thể nào tìm lại được.
Mối tình đầu là tình yêu ngây thơ nhất mà chúng ta từng có, là lần đầu tiên bạn trải nghiệm sự gần gũi một người, là tình yêu của tuổi trẻ và tự do; là một tình yêu thuần khiết nhất, ở đó bạn chỉ cần biết con tim mình muốn gì. Tình yêu đầu đời cũng cho ta những cảm xúc mãnh liệt, cực đoan nhất, rất vui đấy, nhưng cũng lại rất buồn.
Và tình yêu đầu đời không chỉ là tình yêu đầu mà còn là rất nhiều cái đầu tiên. Tình đầu với những giận hờn vu vơ, tự ái để rồi mãi mãi xa nhau. Những cuộc chia tay không báo trước vì hoàn cảnh, cách trở. Hay chỉ là tình cảm đơn phương chôn chặt trong lòng chỉ mình ta biết với ta…
Vì lẽ đó có thể thấy những bài thơ viết về tình đầu có điểm chung là phản ánh cái sự trong sáng, xa xôi, rụt rè, mong manh và say đắm; nhiều lãng mạn, nhớ nhung và thường có chút thoáng buồn. Bởi như tôi nói ở trên thì những rung cảm đầu tiên đời nào cũng thế, không có nhiều sự khác nhau.
Từ Truyện Kiều “Tình trong như đã mặt ngoài còn e” đến Đỗ Trung Quân “Ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu/ Nên có một gã khờ/ Ngọng nghịu mãi thành câm” rồi “Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông/ Một người chín nhớ mười mong một người” với “Em biết không tất cả đã xa rồi/ Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ” đều thấy phong vị ấy.
Nói thế nhưng mà cũng phải thừa nhận một điều là, cũng có sự khác biệt, cũng dễ hiểu thôi, bởi xã hội ngày càng cởi mở hơn, bình đẳng hơn và chúng ta có nhiều cơ hội, nhiều cách tiếp cận, gặp gỡ nhau hơn, những thứ xưa kia là cấm kỵ muốn cũng chẳng dám nói thì nay có thể dễ dàng bày tỏ hơn. Thơ ca vì thế cũng thoát ra khỏi những khuôn thước, những ước lệ, mạnh mẽ hơn.
Ví dụ như một câu thơ rất hay, độc đáo, táo bạo của chị Vi Thùy Linh: “đại lộ dài như một cơn hôn”, có lẽ thời thơ mới ít nhà thơ nữ nào dám viết như thế.
- Nhắc đến Xuân Diệu – người được suy tôn là hoàng tử thơ tình trong thời kỳ Thơ Mới lãng mạn, chúng ta không thể không nhắc đến những tác phẩm “Thơ duyên”, “Giục giã”, “Vội vàng”, “Xa cách”… Đó là những cung bậc cảm xúc đắm say, cuồng nhiệt, gấp gáp, chạy đua cùng thời gian để tận hưởng yêu đương và tuổi trẻ. Còn Xuân Quỳnh thì không thể không nhắc đến bài thơ “Sóng” thể hiện sự mãnh liệt, cồn cào, đắm say nhưng rất nữ tính.
Anh nghĩ như thế nào về những cung bậc tình yêu đắm say, cuồng nhiệt đó?
+ Tôi thích những cung bậc tình yêu đắm say, cuồng nhiệt. Yêu mà không say đắm thì chán lắm, thì tẻ nhạt lắm. Yêu không say đắm thì không phải tình yêu, mà có chăng chỉ là sự gá ghép hai người lại vì lý do gì đó. Yêu mà không say đắm, cuồng nhiệt thì chẳng khác gì một trận bóng đá mà các cầu thủ chỉ đi dạo, vuốt tóc và ngắm trời. Nếu không say đắm cuồng nhiệt làm gì có Romeo và Juliet, cuộc đời làm gì có khúc Phượng hoàng cầu của Tư Mã Tương Như.
Thơ Xuân Diệu và thơ Xuân Quỳnh cùng đắm say, cuồng nhiệt nhưng có khác nhau. Bởi nói vui một chút thì: sóng của Xuân Diệu là sóng Anh, còn sóng của Xuân Quỳnh là sóng Em. Xuân Quỳnh đắm say nhưng nữ tính, ý nhị: “Con sóng dưới lòng sâu/ Con sóng trên mặt nước/ Ôi con sóng nhớ bờ/ Ngày đêm không ngủ được”. Xuân Diệu thì mạnh mẽ, mãnh liệt: “Anh xin làm sóng biếc/ Hôn mãi cát vàng em/ Hôn thật khẽ, thật êm/ Hôn êm đềm mãi mãi/ Đã hôn rồi, hôn lại/ Cho đến mãi muôn đời/ Đến tan cả đất trời/ Anh mới thôi dào dạt...”.
- Trong tình yêu không phải bao giờ cũng đong đầy cảm xúc yêu đương, nồng cháy, thiết tha mà đằng sau nỗi yêu thương, mong nhớ, gần gụi là sự biệt ly, chia cách. Có lẽ hai bài thơ “Từ biệt” của Lưu Quang Vũ và bài thơ “Từ biệt” của Đào Phong Lan đã phần nào diễn tả hết nỗi buồn ấy. Chúng ta hãy nghe sự thổn thức của Lưu Quang Vũ: “Thôi nhé, em đi/ Như một cánh chim bay mất/ Phòng anh chẳng có gì ăn được/ Chim bay về những mái nhà vui/ Nghĩa gì đâu kỷ niệm tháng năm dài/ Lời thương mến nhớ lại thành chua chát/ Lòng ta cạn hay tại đời quá hẹp/ Nghĩ cho cùng, nào dám trách chi em”. Và đây là nỗi xót xa của Đào Phong Lan: “Em về nhé/ Anh yêu/ Em về nhé/ Mai em đi về ấy chốn xa vời/ Chiều phố núi những hàng cây lặng lẽ/ Gió ngừng bay mà mây cũng ngừng trôi”. Cùng viết về từ biệt, chia tay, giữa hai người có gì khác nhau? Nhà thơ Đàm Huy Đông suy nghĩ thế nào về những đổ vỡ trong tình yêu? Và anh đã viết về những sự chia tay, từ biệt trong tình yêu thế nào?
+ Nếu tôi nhớ không nhầm thì chị Đào Phong Lan có một bài “Từ biệt” nữa, trong bài thơ ấy của Đào Phong Lan, chàng trai nói với người mình yêu: “Em về đi đừng nhìn lại phía sau/ Anh sẽ vừa đi vừa huýt sáo/ Dẫu trái tim ngập tràn giông bão/ Anh đã quen vui những lúc rất buồn”. Thường thì những người đàn ông, những gã trai ở những cuộc chia tay trong thơ ca luôn cố tỏ ra mình cứng cỏi, mạnh mẽ: anh không trách em, anh không buồn, anh nhận hết bão giông về mình, mong em hạnh phúc này kia. Người con gái thì sống thật với mình hơn. Bởi vì họ có quyền được khóc.
Tôi cũng từng gặp không ít những đổ vỡ trong tình yêu. Thời sinh viên tôi từng viết .“Thế là hết chẳng yêu nhau được nữa. Đàn chim bay đi mỏ cắp theo mùa. Dùng dằng lá giữa hai phiến gió. Trong mắt chiều ngấn ướt một cơn mưa”; sau này tôi bình tâm hơn. “Em đừng khóc chiếc bình pha lê vỡ/ Vừa có thêm bao mảnh thủy tinh/ sắc nhọn/ tự do/ một mình một dáng/ Đừng khóc/ gió vẫn ngang qua ô cửa từng đêm/ Gió ầu ơ/ ru vũ trụ vừa sinh từ vụ nổ/ những mảnh vỡ dạy ta yêu/ dạy ta biết vỡ”.
- Nhắc đến những cung bậc trong tình yêu, không thể quên tình cảm vợ chồng. Nguyễn Duy có bài “Mời vợ uống rượu”, Hồng Thanh Quang có bài “Bái vợ”. Anh có bài thơ tặng vợ nào không?
+ Tôi cũng từng viết một bài thơ tặng vợ, nhưng từ hồi chưa cưới. Như thế có được tính không ạ? Thì ít nhất cũng là bài thơ “tán vợ”. Đại loại có câu là “Anh chẳng mong mình như đại dương/ Của ngày xưa em dào dạt sóng/ Nhưng dẫu khiêm nhường anh cũng xin làm muối trắng/ Cho mặn mòi lại giấc mơ em”.
- Dẫu phải trải qua những cung bậc tình cảm khác nhau của tình yêu. Có khi phải đổ vỡ, biệt ly nhưng cuối cùng, điều đọng lại trong tình yêu mỗi người chính là niềm tin, hi vọng. Chúng ta vẫn luôn phải hướng về hy vọng, khát khao hạnh phúc lứa đôi bởi tình yêu là món quà đẹp nhất mà thượng đế ban tặng cho nhân loại. Anh có nghĩ vậy không?
+ Vâng, đúng thế! “Nếu thế giới này không còn tình yêu nữa. Thì biết đâu trái đất đã tan rồi” nhà thơ Trần Đăng Khoa đã viết như thế trong bài thơ Matxcova mùa đông 90. Và tôi muốn nhắc thêm lời của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn "Khi bạn hát một bản tình ca là bạn đang muốn hát về cuộc tình của mình. Hãy hát đi đừng e ngại. Dù hạnh phúc hay dở dang thì cuộc tình ấy cũng là một phần máu thịt của bạn rồi".
- Xin cảm ơn nhà thơ Đàm Huy Đông về cuộc trò chuyện.