Những giọt nước mắt không khô trong cuộc hội ngộ 'thời hoa lửa'
Giữa thời bình, những người phụ nữ từng đi qua mưa bom, bão đạn nay ngồi lại bên nhau trong nước mắt, trong dòng ký ức chưa từng lành sẹo, bằng cả phần đời đã gửi lại chiến trường. 'Thời hoa lửa' tưởng đã lùi xa, nhưng trong tim họ, ngọn lửa ấy chưa bao giờ tắt.
Chiều 22.7, hội trường nơi diễn ra chương trình “Tri ân cựu thanh niên xung phong – Thời hoa lửa” lặng đi khi những người phụ nữ đã bước sang tuổi xế chiều ôm chầm lấy nhau mà khóc. Không có lời chào hỏi rôm rả, chỉ là những cái nắm tay run run, những ánh nhìn trìu mến, những tiếng gọi “chị ơi, o ơi” như vỡ ra từ ký ức – ký ức của một thời mà cái sống, cái chết chỉ cách nhau một tiếng còi báo động.
Bà Vương Thị Hoa, cựu thanh niên xung phong (TNXP) thuộc đơn vị C531-N53-P18, đến hội trường trên chiếc xe lăn. Ba tháng trước, tai nạn buộc bà phải cưa mất một bên chân. Nhưng trong đôi mắt người phụ nữ từng gùi đá vá đường giữa bom rơi đạn nổ ấy, vẫn ánh lên nét kiêu hãnh của một người đã từng đứng giữa ranh giới sinh tử vì Tổ quốc.

Nữ TNXP Vương Thị Hoa bật khóc, mừng tủi khi gặp lại đồng đội
“Ba tháng trước, tôi bị tai nạn phải cưa một bên chân. Hôm nay, gặp lại đồng đội bao tủi hờn, nước mắt tôi lại rơi…”, bà Hoa nghẹn ngào.
Không thể kìm lòng khi kể về những năm tháng chiến đấu nơi chiến trường Đồng Lộc, bà Lê Thị Nhị – người con gái Hà Tĩnh đã trốn nhà lúc nửa đêm vào năm 1967 để được cống hiến sức trẻ cho kháng chiến. Bà được đồng đội gọi bằng cái tên trìu mến “o Nhị”
“Có lần mẹ tìm lên đơn vị khi hay tin tôi đăng ký vào đội cảm tử. Vừa thấy tôi, bà òa khóc. Tôi ôm mẹ, thủ thỉ: Nếu con hy sinh, đó cũng là một vinh dự cho mẹ. Còn nếu con trở về, con sẽ dành cả phần đời còn lại để ở bên mẹ”, giọng o chùng xuống.

O Nhị xúc động hồi ức lại một thời hoa lửa
Với o Nhị, những tháng ngày ở tuyến lửa Ngã ba Đồng Lộc là ký ức dữ dội nhất đời. O từng xẻ đất mở đường, từng phá bom giữa tiếng ù ù của máy bay phản lực, từng vùi mình vào hốc đất né đạn, hay những lần chứng kiến đồng đội hi sinh ngay trước mặt.
Đặc biệt kỷ niệm một buổi tối đầy pháo sáng, giữa chiến tranh khốc liệt, o Nhị có cuộc gặp gỡ tình cờ với một “chú bộ đội” mà sau này, qua một bài thơ đó, cả nước biết đến hình ảnh của o như một biểu tượng đẹp của người con gái TNXP nơi tuyến lửa.
“Đêm hôm đó, trời rực pháo sáng, tiểu đội tôi ra san lấp hố bom, dựng hàng rào dẫn lối xe qua. Tôi mặc chiếc áo màu trắng xanh còn khá mới, đang lúi húi bên mép hố bom thì anh bộ đội bước từ xe xuống hỏi thăm. Anh ấy hỏi tôi quê ở mô, tôi cười đùa nói "em ở Thạch Nhọn". Các chị trong đội cười ồ lên, rồi có người bảo: ‘Thạch Kim đó anh’. Thế là anh quay lại trêu: ‘Răng em ở Thạch Kim mà lừa anh nói Thạch Nhọn?’. Tôi cũng cười, đáp liền: ‘Kim không nhọn thì răng nữa”, o Nhị kể lại.

Những hồi ức chiến tranh lắng đọng của o Nhị và nhạc sĩ Yến Thanh trong chương trình tri ân
Tưởng chừng câu nói đùa giữa chiến tranh, giữa đêm bom đạn để xua bớt căng thẳng, nhưng o Nhị không ngờ chú bộ đội đó lại là nhà thơ Phạm Tiến Duật. Một năm sau, o Nhị sững người khi Đài Tiếng nói Việt Nam phát bài thơ:
“Em ở Thạch Kim sao lại lừa anh nói là Thạch Nhọn
Đêm ranh mãnh ngăn cái nhìn đưa đón
Em đóng cọc rào quanh hố bom
Cái giọng em ngoa cho bạn cười giòn
Tiếng Hà Tĩnh nghe buồn cười đáo để…”.
Câu nói đùa trong đêm chiến tranh, tưởng đã lùi xa, hóa thành thơ – một biểu tượng bình dị, mà đẹp đến nao lòng về những nữ TNXP nơi tuyến lửa.
Sau hòa bình, o Nhị giữ đúng lời hứa, không lập gia đình, không sinh con, dành cả phần đời còn lại chăm sóc mẹ già nơi quê nhà Thạch Kim cho đến khi mẹ nhắm mắt xuôi tay.

Tại chương trình, nhiều suất quà ý nghĩa đã được ban tổ chức trao tặng cho các cựu thanh niên xung phong thay lời tri ân sâu sắc
Không chỉ có o Hoa, o Nhị, mà còn hàng trăm, hàng nghìn người phụ nữ như họ đã sống một thời thanh xuân giữa chiến trường khốc liệt. Họ hát giữa tiếng bom, cười giữa bùn đất và khóc trong những lần tiễn đồng đội ra đi không trở lại.
Nhạc sĩ Yến Thanh – cựu TNXP rưng rưng kể: “Tiếng hát át tiếng bom, chúng tôi đã hát để sống, để chiến đấu, để quên đi cái chết đang rình rập”.
Trong chương trình, cô đoàn viên trẻ Phương Nhi cúi đầu kính cẩn: “Các cô, các bác đã trao lại cho thế hệ chúng cháu ngọn đuốc thiêng liêng của lòng yêu nước. Chúng cháu hứa sẽ sống tử tế, phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ, sống có trách nhiệm với Tổ quốc này”.