Những hạt nhân nòng cốt trong bảo vệ biên cương Tổ quốc (Bài 1)

Cùng với lực lượng bộ đội biên phòng, những năm qua, hàng trăm người dân sinh sống trên tuyến biên giới của tỉnh Long An đã trở thành những hạt nhân nòng cốt, gắn bó với lực lượng biên phòng, chính quyền địa phương trong thực hiện phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Bài 1: Người cố cựu ấp Bình Bắc

Tháng 7/2015, sự kiện cột mốc 202, 203 xảy ra trên tuyến biên giới Long An, ông Trương Văn Rương (Năm Rương) ngày nào cũng có mặt trên tuyến biên giới, sát cánh với nhân dân, lực lượng biên phòng tham gia hòa giải, vận động người dân nước bạn để giữ vững mối quan hệ hữu nghị giữa chính quyền, nhân dân 2 nước. Đồn Biên phòng (ĐBP) Thạnh Trị (thị xã Kiến Tường) khẳng định ông là một trong những hạt nhân tích cực tham gia bảo vệ biên giới nhưng ông chỉ khẽ cười và nói mình là người cố cựu trên mảnh đất quê hương.

Sống, gắn bó với Bình Bắc

Cuối tháng 4, khi các cửa khẩu trên tuyến biên giới Long An được mở trở lại, khôi phục các hoạt động giao thương giữa nhân dân 2 nước, chúng tôi có dịp đi trên tuyến biên giới Long An. Câu chuyện ngắn ngủi trong cuộc điện thoại, Thiếu tá Vũ Duy Ngọc - Chính trị viên ĐBP Thạnh Trị, nhắn lại: “Các chú định viết bài, ghé đơn vị, anh dẫn đi gặp chú Năm Rương, ấp Bình Bắc. Chú cứ đến rồi biết”.

Ông Năm Rương gắn bó với biên giới, lực lượng biên phòng và nhân dân Campuchia

Ông Năm Rương gắn bó với biên giới, lực lượng biên phòng và nhân dân Campuchia

ĐBP Thạnh Trị nay đã khang trang, đường đi cũng dễ dàng hơn rất nhiều. Song, từ đồn đến ấp Bình Bắc dài gần 20km vẫn còn nhiều đoạn đường đất đỏ, sình lầy khi đón những cơn mưa đầu mùa. Có hẹn với ông Năm Rương, chúng tôi đến ngay Chốt kiểm soát biên phòng và phòng, chống dịch Covid-19 số 1, ĐBP Thạnh Trị được đặt trên đường tuần tra biên giới, sát với cột mốc 203. Căn chốt nhỏ được dựng khá khang trang ngay từ những ngày đầu chống dịch. Dọc đoạn đường biên giới do chốt phụ trách quản lý, cứ vài trăm mét lại có một căn chòi nhỏ đã được dựng cách nay hơn 7 năm. Có điều lạ, những căn chòi dù nhỏ nhưng được dựng rất chắc chắn, khác xa với rất nhiều điểm chốt khác trên tuyến biên giới chúng tôi từng đi qua.

Trò chuyện cùng mấy anh em biên phòng chừng vài phút, ông Năm Rương đã chạy xe tới. Nước da rám nắng, dáng người gầy nhưng giọng nói khỏe khắn và tiếng cười đầy hào sảng khiến ai cũng sẽ ấn tượng ngay từ lần gặp đầu tiên. Nhà ông Năm Rương cách cột mốc 203 gần 2km, có đất cặp đường biên nên hầu như ngày nào ông cũng có mặt trên tuyến biên giới vừa để sản xuất và “nhìn ngó” biên giới cùng lực lượng biên phòng. “Từ nhỏ, gia đình tôi sống ở đây nên gắn bó với biên phòng. Điện thoại của tôi trừ vài người thân, bạn bè thì đa số là của cán bộ biên phòng. Đó không chỉ là số của anh em trong đồn mà còn có nhiều số của những thế hệ đã từng công tác tại ĐBP Tà Lọt trước đây (nay là ĐBP Thạnh Trị)” - ông Năm Rương cho biết.

Cái nắng gắt sau cơn mưa đêm trước khiến ông Năm Rương người đầy mồ hôi nhưng khi được hỏi về người dân ấp Bình Bắc với lực lượng biên phòng, ông rất tự hào. “Ấp Bình Bắc có bao nhiêu người thì từng ấy đều gắn bó với biên phòng. Khi người dân chúng tôi có việc cần thì lực lượng biên phòng không nề hà cho người xuống giúp. Cán bộ, chiến sĩ (CBCS), dù mới, dù cũ tôi cũng xem như con, cháu trong nhà. Tình cảm, gắn bó nên mỗi người dân chúng tôi cũng ý thức được trách nhiệm cùng tham gia bảo vệ biên giới quốc gia.

Năm 2015, khi sự kiện cột mốc 202, 203 xảy ra, người dân ấp Bình Bắc chúng tôi tự tay dựng 8 căn chòi nhỏ, nay là các điểm chốt và cùng với chính quyền, lực lượng biên phòng tham gia hòa giải, vận động giữ vững mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân 2 nước. Cột mốc 202, 203 cũng như là minh chứng cho nghĩa tình của người dân ấp Bình Bắc trên biên giới” - ông Năm Rương khẳng định. Cũng vì vậy, khi chúng tôi xin ông được chụp tấm hình, ông khẽ cười và nói: “Cho chú ra chụp bên cột mốc 203, đó là chủ quyền biên giới, đại diện cho tình hữu nghị giữa nhân dân 2 nước và cũng là một phần trong cuộc sống thường ngày của tôi”.

"Tôi là người hòa giải"

Năm 1966, khi Mỹ - ngụy ồ ạt đổ quân vào chiến trường Kiến Tường - Long An, chiến tranh trở nên khốc liệt, cha mẹ ông Năm Rương tham gia kháng chiến, 5 tuổi ông phải chạy giặc sang lánh nạn ở xã Tà Nốt. 10 năm trên đất bạn cho ông tình cảm gắn bó với nhân dân Campuchia. Hầu như phong tục, tập quán bên đó ông đều nắm trong lòng bàn tay. “Tôi nói chứ, hầu như người dân xã Tà Nốt ai cũng biết Năm Rương. Bạn bè bên đó cũng nhiều lắm, chỉ có điều 2 năm nay dịch bệnh tôi chưa qua được bên đó thôi” - ông Năm Rương nói.

Ông Năm Rương cùng lực lượng biên phòng bên cột mốc 203

Ông Năm Rương cùng lực lượng biên phòng bên cột mốc 203

Biết tiếng Campuchia, gắn bó với nước bạn lại có nhiều mối quan hệ, ông Năm Rương được xem là một trong những người có uy tín tại địa phương. Vì thế, mỗi dịp có sự kiện giao lưu, đối ngoại, ông như một phiên dịch viên của chính quyền và lực lượng biên phòng. “Năm 2015, khi xảy ra sự kiện liên quan đến cột mốc 202, 203, lực lượng biên phòng được huy động trên tuyến biên giới để bảo đảm an ninh, trật tự, tôi cùng tất cả người dân ấp Bình Bắc cũng tình nguyện tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Sẵn biết tiếng Campuchia, lại có nhiều bạn bè bên nước bạn nên tôi được ĐBP Tà Lọt nhờ tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân nước bạn cùng bảo vệ tình hữu nghị nơi biên giới. Như chiều ngày 04/7/2015, chúng tôi đang xịt thuốc, rải phân bón cho lúa thì phát hiện một nhóm nhỏ người dân từ xã Tà Nốt tiến về cột mốc 202. Ngay lập tức, chúng tôi thông báo cho lực lượng biên phòng và tham gia ngăn chặn. Hôm đó, tôi thức trắng đêm để cùng chính quyền, người dân 2 xã giải quyết kịp thời vụ việc. Rồi khi một số phần tử quá khích cố tình xâm lấn khu vực cột mốc 203, tôi và người dân ấp Bình Bắc thay nhau bám biên giới cùng lực lượng biên phòng giải quyết ổn thỏa tình hình” - ông Năm Rương cho biết.

Trong sự kiện cột mốc 202, 203 năm đó, biết có một số người bạn bên xã Tà Nốt đi theo đám đông tới cột mốc 203 nhưng sau này khi gặp lại ông không hề giận mà còn tận tình khuyên bảo. Ông kể: “Sau đó vài tháng, tôi có qua xã Tà Nốt, mấy người từng tham gia sự kiện đó có gặp hỏi tôi: Chúng tôi làm vậy, anh có giận không? Tôi chỉ khẽ cười nói: Mình làm ruộng, làm ăn thì lo làm ăn thôi chứ đừng có theo phe này, phe kia lại mất thời gian, công sức. Tôi nói xong, mấy bạn bên đó cười xòa, xin lỗi rồi cùng nói câu samaki”. Dù có nhiều đóng góp trong xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị nơi biên giới nhưng khi hỏi, ông chỉ tự nhận mình là một người cố cựu hay một người hòa giải trên ấp Bình Bắc.

Theo ông Năm Rương, để giữ chắc tình hữu nghị, đoàn kết, bao năm gắn bó với biên giới, lực lượng biên phòng và nhân dân Campuchia, trong những cuộc trò chuyện với bạn bè nước bạn, chưa bao giờ ông nói chuyện chính trị mà chỉ nói chuyện bạn bè, cuộc sống và trao đổi những kinh nghiệm trong sản xuất. “Người dân bên đó rất thương tôi” - ông Năm Rương cho biết thêm. Cũng vì thế, từ bao năm qua, người dân xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa với người dân xã Tà Nốt, huyện Kompong Ro, tỉnh Svay Rieng, Vương quốc Campuchia luôn gắn bó với nhau bền chặt, xây dựng biên giới hữu nghị, cùng phát triển.

Thiếu tá Vũ Duy Ngọc - Chính trị viên ĐBP Thạnh Trị, cho biết: “Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ngoài sự nỗ lực của mỗi CBCS, ĐBP Thạnh Trị còn nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của nhân dân. Ngoài tham gia tích cực trong phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, người dân biên giới xã Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường và xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa còn là những hạt nhân giúp đơn vị hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao mà chú Năm Rương là điển hình tiêu biểu”./.

Những ngày dịch Covid-19 bùng phát, CBCS ĐBP Thạnh Trị được huy động tối đa trên tuyến biên giới để thực hiện nhiệm vụ. Song, từ sự giúp đỡ của nhân dân, chính quyền, các chốt kiểm soát lần lượt được lập trên tuyến biên giới. Trung úy Đỗ Công Quân - Chốt trưởng Chốt số 1, cho biết: “Đơn vị thành lập Chốt số 1 trên ấp Bình Bắc có nhiều thuận lợi khi người dân trong ấp có truyền thống giúp đỡ bộ đội biên phòng. Nhiều người dân sẵn sàng cho mượn đất để chúng tôi lập chốt. Như anh Trương Văn Điệp (con chú Năm Rương) cho mượn đất dựng chốt chính, bà Đặng Thị Dứng cho mượn đất dựng chốt phụ. Những ngày dịch căng thẳng, chúng tôi cũng nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của người dân. Từ đó, giúp đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.

(còn tiếp)

Kiên Định - Văn Đát

Bài 2: Nghĩa tình bà tám Dương

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nhung-hat-nhan-nong-cot-trong-bao-ve-bien-cuong-to-quoc-a135582.html