Những lỗ hổng quốc phòng nghiêm trọng của châu Âu nếu giảm sự phụ thuộc vào Mỹ

Có 4 lỗ hổng chính mà châu Âu cần lấp đầy nếu họ thực sự muốn giảm sự phụ thuộc vào Mỹ để đảm bảo quốc phòng cho chính mình.

Binh sĩ NATO tham gia tập trận chung Ba Lan-Litva ở Alytus (Litva) ngày 26/4/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Binh sĩ NATO tham gia tập trận chung Ba Lan-Litva ở Alytus (Litva) ngày 26/4/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Châu Âu đang xem xét cách xây dựng quân đội của họ không phụ thuộc vào Mỹ, tờ New York Times mới đây đưa tin.

Cụ thể, các quan chức và nhà phân tích NATO cho biết châu Âu cần phải làm nhiều hơn nữa để bớt phụ thuộc vào Mỹ. Điều đó bao gồm cam kết chi nhiều tiền hơn cho quốc phòng, xây dựng năng lực sản xuất vũ khí và phối hợp mua các hệ thống vũ khí có thể thay thế những hệ thống hiện chỉ do Mỹ cung cấp.

Tuy nhiên, New York Times cho rằng sẽ có 4 lỗ hổng chính mà châu Âu cần lấp đầy nếu họ thực sự muốn giảm sự phụ thuộc vào Mỹ để đảm bảo quốc phòng cho chính mình.

Thứ nhất là vấn đề tài chính: Mười năm sau khi các thành viên NATO cam kết chi 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng, hai phần ba thành viên sẽ đạt được mục tiêu như vậy vào cuối năm nay. Nhưng một phần ba trong số các nước NATO sẽ không làm như vậy.

Thứ hai là về quân số: Vấn đề không chỉ nằm ở số lượng binh sĩ, mà còn cả ở sự mất cân bằng giữa quân chiến đấu và “bộ phận hậu cần” của quân đội châu Âu, dẫn đến tình trạng thiếu hụt binh sĩ có kỹ năng về chiến tranh công nghệ cao.

Thứ ba là các yếu tố chiến lược: Bao gồm phòng không và tên lửa tích hợp, pháo binh và tên lửa chính xác tầm xa, máy bay tiếp nhiên liệu trên không, máy bay vận tải chở quân và thiết bị hạng nặng như xe tăng, máy bay giám sát trên không, thiết bị bay không người lái hiện đại và vệ tinh tình báo.

Thứ tư là "chiếc ô" hạt nhân: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nói rằng lợi ích của nước này có "chiều hướng châu Âu". Nhưng học thuyết hạt nhân của Pháp hoàn toàn mang tính quốc gia, và hiện tại Pháp không tham gia vào các kế hoạch hạt nhân của NATO. Liệu Pháp có sẵn sàng đưa các tài sản hạt nhân ra khỏi nước Pháp không? Tương tự như Anh, nước chỉ sở hữu một lực lượng răn đe hạt nhân trên tàu ngầm và đang gặp khó khăn trong việc tài trợ cho quá trình hiện đại hóa.

Vũ Thanh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/quan-su/nhung-lo-hong-quoc-phong-nghiem-trong-cua-chau-au-neu-giam-su-phu-thuoc-vao-my-20240718203438151.htm