Những lo ngại xung quanh ngân sách bổ sung hơn 90 tỷ USD của Nhật Bản
Chính phủ Nhật Bản hôm 29/11 thông qua khoản ngân sách bổ sung, trị giá 13.900 tỷ yen (92,6 tỷ USD), hỗ trợ gói kinh tế mới nhằm giảm bớt áp lực tài chính do lạm phát gây ra cho các hộ gia đình.
Ngân sách bổ sung sẽ tập trung vào các biện pháp giảm giá năng lượng, hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, cải thiện cơ sở hạ tầng và đầu tư vào các ngành công nghiệp tương lai như trí tuệ nhân tạo (AI) và bán dẫn.
Đáng chú ý, khoảng 6.700 tỷ yen - tương đương một nửa ngân sách - sẽ được huy động từ việc phát hành trái phiếu mới. Thông tin này làm dấy lên lo ngại tình hình tài chính của Nhật Bản - vốn xấu nhất trong số các nền kinh tế phát triển, có thể u ám hơn nữa.
Tuy nhiên, việc đảng Dân chủ Tự do của Thủ tướng Shigeru Ishiba mất đa số tại Quốc hội có thể khiến tiến trình thông qua khoản ngân sách bổ sung này gặp nhiều khó khăn khi đảng đối lập đã phản đối với lập luận khoản ngân sách bổ sung này không thực sự cần thiết.
Lạm phát gia tăng do đồng yen yếu và giá năng lượng thế giới tăng cao đang đe dọa làm giảm sức mua của người dân và ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.
Trong ngày 29/11, đồng yen Nhật đã bất ngờ tăng vọt lên mức cao nhất trong 1 tháng qua so với đồng USD trong bối cảnh dữ liệu lạm phát cao hơn dự kiến đã thúc đẩy suy đoán rằng Ngân hàng Trung ương
Nhật Bản (BoJ) có thể tăng lãi suất vào tháng tới. Cụ thể, đồng yen Nhật Bản đã lần đầu tiên vượt qua mốc 150 yen/USD kể từ cuối tháng 10, sau khi nước này công bố Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi, không bao gồm giá thực phẩm dễ biến động, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước.