Những lưu ý để tránh gặp kẹt xe khi đi nghỉ lễ 2/9

Để có một kỳ nghỉ trọn vẹn, bạn cần tham khảo mật độ giao thông, khung giờ hợp lý để tránh việc gặp phải tình trạng kẹt xe khi di chuyển.

Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay kéo dài 4 ngày, từ ngày 1/9 đến ngày 4/9. Thời gian nghỉ lễ dài tạo điều kiện cho nhiều người có thời gian để lên lịch về quê hoặc đi chơi dịp lễ.

Zing gợi ý một số khung giờ, tuyến đường hợp lý, cũng như các bước chuẩn bị để bạn có thể có một chuyến đi trọn vẹn.

Khung giờ hợp lý để di chuyển ra khỏi TP.HCM

TP.HCM đón một lượng lớn người dân từ các tỉnh đến học tập và làm việc. Theo khảo sát của Zing, đa phần những người có kế hoạch về quê dịp lễ đều quyết định chạy thẳng về nhà sau khi kết thúc ngày làm việc cuối cùng trước khi nghỉ lễ, tức ngày 31/8.

“Công ty tôi tan làm vào 18 giờ hàng ngày, nên tôi quyết định soạn sửa đồ đạc, mang theo khi đi làm và tự chạy xe về quê. Tuy nhiên nếu cảm thấy lưu lượng phương tiện đông hoặc mệt mỏi sau khi tan làm, tôi sẽ cân nhắc đến phương án di chuyển vào sáng sớm hôm sau”, chị Lan Nhi, 24 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP.HCM cho biết.

 Lựa chọn khung giờ hợp lý sẽ giúp bạn không gặp tình trạng kẹt xe. Ảnh: Quỳnh Danh.

Lựa chọn khung giờ hợp lý sẽ giúp bạn không gặp tình trạng kẹt xe. Ảnh: Quỳnh Danh.

Di chuyển về quê sau khi tan làm cũng là tâm lý chung của nhiều người. Bạn có thể cân nhắc việc di chuyển về nhà nghỉ ngơi và khởi hành vào sáng 1/9. Điều này có thể giúp bạn hạn chế việc kẹt xe và đảm bảo sức khỏe khi di chuyển.

Về phần các chuyến du lịch, theo khảo sát của Zing, nhiều người sẽ chọn khởi hành vào 8 giờ sáng ngày 1/9. Thế nên nếu muốn tự di chuyển bằng xe cá nhân, bạn cũng nên lựa chọn khởi hành vào 4-5 giờ sáng ngày 1/9, qua đó lưu lượng xe chưa thực sự đông đúc và không khí mát mẻ hơn.

Các cung đường hợp lý để di chuyển đến các tỉnh lân cận

Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và cao tốc TP.HCM - Trung Lương là hai cung đường phổ biến để di chuyển từ TP.HCM đến các tỉnh lân cận. Điều này lại khiến hai cao tốc kể trên trở nên quá tải vào các dịp lễ.

Nếu di chuyển đến tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từ TP.HCM, bạn có thể lựa chọn tuyến đường đi qua phà Cát Lái ngoài tuyến cao tốc Long Thành - Dầu Giây. So với đi cao tốc, di chuyển bằng đường thủy giúp tiết kiệm chi phí hơn, giá vé dao động từ 4.000-23.000 đồng/lượt.

Nếu di chuyển đến các tỉnh miền Tây như Vĩnh Long, Tiền Giang…, ngoài cao tốc TP.HCM - Trung Lương, bạn có thể chọn tuyến đường QL 1A - Nguyễn Hữu Trí - QL 1A để di chuyển đến Thị trấn Bến Lức (tỉnh Long An) nhằm tránh được một đoạn kẹt xe khu vực giáp ranh TP.HCM và Long An.

 Đà Lạt được dự báo là điểm đến đông khách dịp lễ lần này. Ảnh: Duy Hiệu.

Đà Lạt được dự báo là điểm đến đông khách dịp lễ lần này. Ảnh: Duy Hiệu.

Một điểm đến được nhiều người lựa chọn trong dịp lễ này là Đà Lạt. Thông thường, QL 20 phải tiếp nhận một số lượng lớn phương tiện di chuyển lên Đà Lạt mỗi dịp lễ, bạn có thể cân nhắc các tuyến đường QL 1A - DT 766 - DT 713 - đèo Tà Pứa - QL 20 hoặc QL 1A - QL 55 - QL 20 để tránh trình trạng kẹt xe ở QL 20 đoạn đi qua tỉnh Đồng Nai.

Còn nếu muốn tránh tình trạng kẹt xe ở đèo Bảo Lộc, thuộc địa phận TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, bạn có thể di chuyển đến TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, sau đó chọn tuyến đường QL 1A - QL 28 - đèo Gia Bắc - QL 20 đến Thị trấn Di Linh. Tuy nhiên tuyến đường này yêu cầu kỹ năng cầm lái tốt vì đường đi có nhiều khúc cua tay áo, ổ gà, cũng như thưa thớt người dân qua lại.

Anh Xuân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-luu-y-de-tranh-gap-ket-xe-khi-di-nghi-le-29-post1350596.html