Những mô hình quy hoạch đô thị có thể vận dụng cho Hà Nội

Bắt đầu từ những năm 30 của thế kỷ XX, một hướng đi mới trong quy hoạch xây dựng đô thị là lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông làm nền tảng, gọi tắt là TOD (Transit Oriented Development). Sau Thế chiến 2 có rất nhiều quốc gia đã phát triển thành phố theo hướng này như Nhật Bản, Thụy Điển, Pháp, Hà Lan, Đan Mạch… Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 cũng xác định, khu vực nội đô lịch sử và khu vực nội đô lịch sử mở rộng sẽ phát triển theo mô hình nói trên.

Đô thị phát triển theo mô hình TOD được thiết kế để tận dụng một cách tối đa các phương tiện giao thông công cộng, thúc đẩy sự phát triển của thành phố, đồng thời cân bằng được lợi ích của cộng đồng. Trung tâm của những khu vực này thường có ga tàu điện, trạm xe buýt... hệ thống các dịch vụ thương mại, công nghiệp, văn phòng được thiết lập chung quanh. Khu vực này thường có bán kính từ 400 - 1.000m, tương đương 10 - 15 phút đi bộ. Mục tiêu của TOD là phải đạt được sự thuận tiện với khách bộ hành, người đi làm hàng ngày, khách du lịch... Về cơ bản, sự phát triển đô thị theo thuyết TOD nhằm giải quyết những vấn đề liên quan tới tắc nghẽn giao thông và bảo vệ môi trường. Lợi ích mà nó mang lại là hiển nhiên, mang đến cho con người nhiều lựa chọn, làm tăng sự thân thiện với môi trường.

Thủ đô Seoul (Hàn Quốc) đã lập nên kỳ tích khi làm hồi sinh sông Hàn và định hướng phát triển kinh tế - xã hội ven sông

Thủ đô Seoul (Hàn Quốc) đã lập nên kỳ tích khi làm hồi sinh sông Hàn và định hướng phát triển kinh tế - xã hội ven sông

Trên thế giới có nhiều đô thị, thành phố áp dụng thành công mô hình TOD. Barcelona (Tây Ban Nha) gây ấn tượng bởi thành phố có cách tiếp cận sáng tạo để giải quyết vấn đề giao thông, giải phóng không gian công cộng, ưu tiên người đi bộ và khuyến khích xe đạp. Ở Tokyo (Nhật Bản), ga Tokyo là ga trung tâm, kết nối 4 tuyến đường sắt cao tốc Shinkansen và nhiều tuyến tàu điện ngầm. Mạng lưới đường sắt rộng khắp đã thúc đẩy hành khách từ bỏ phương tiện cá nhân để chuyển sang sử dụng các phương tiện công cộng tốc độ cao. Thủ đô Copenhagen (Đan Mạch) nổi tiếng bởi “quy hoạch bàn tay” được đưa ra vào năm 1947.

Theo đó, các không gian văn phòng có diện tích từ 1.500m2 trở lên được đặt trong phạm vi 600m tính từ ga xe lửa. Khu vực hỗn hợp quanh nhà ga hạn chế bãi đỗ xe để khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Vì thế, Copenhagen luôn xác định được khu vực cần ưu tiên phát triển và định hướng tăng trưởng dọc theo các hành lang mong muốn.

Tái thiết đô thị kết hợp với việc xây dựng các dự án lớn về giao thông đã đem lại những thành công lớn ở một số nước châu Á như Nhật Bản, Singapore. Không chỉ có giao thông mà đô thị và kinh tế - xã hội của các quốc gia này cũng có những bước tiến ngoạn mục. Tuy nhiên, không phải đô thị nào cũng thành công với TOD, điển hình như Bangkok (Thái Lan), Manila (Philippines). Ở đây mặc dù giao thông phát triển, nhưng đô thị không phát triển đồng bộ nên phát sinh nhiều vấn đề xã hội. Bởi vậy, Hà Nội cần phải tìm hiểu, nghiên cứu thấu đáo để nên áp dụng mô hình TOD như thế nào.

Thành phố Barcelona (Tây Ban Nha) được thiết kế gần như cứ mỗi 150m lại có một giao lộ

Thành phố Barcelona (Tây Ban Nha) được thiết kế gần như cứ mỗi 150m lại có một giao lộ

Xu thế phát triển đô thị ven sông là vấn đề không cần bàn cãi, nhưng quy hoạch đô thị như thế nào để vừa “đánh thức” tiềm năng dòng sông, vừa khai thác được mọi lợi thế để tạo sức bật cho đô thị cũng là bài toán đặt ra với quy hoạch Hà Nội những năm tiếp theo. Trên thế giới ngày nay, các đô thị lớn và văn minh đều được hình thành bên những dòng sông như thành phố New York (Mỹ) bên sông Hudson; Paris (Pháp) nằm bên bờ sông Seine; London (Anh) bên bờ sông Thames; Melbourn (Australia) hình thành ở hạ lưu sông Yarra; Seoul (Hàn Quốc) phát triển bên bờ sông Hàn…

Điều đó cho thấy, trong quy hoạch thì dòng sông luôn giữ một vị trí quan trọng. Điểm chung tạo nên thành công cho các đô thị ven sông ở các quốc gia đi trước là xác định sẵn từ khâu quy hoạch về việc hướng tới sự cân bằng giữa yếu tố nhân tạo và tự nhiên, đảm bảo nét hài hòa trong kiến trúc cũng như kết nối dòng sông với lợi ích chung của toàn xã hội. Những ví dụ trên để thấy rằng, nếu biết tận dụng hợp lý và có quy hoạch không gian bờ sông tốt, đó sẽ là cơ hội để phát triển đô thị văn minh, hiện đại và bền vững.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nhung-mo-hinh-quy-hoach-do-thi-co-the-van-dung-cho-ha-noi-post578281.antd