Những ngày làm hồ sơ 'Không gian văn hóa cồng chiêng'
Ngày 23-3-2004, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) ban hành quyết định về việc xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia 'Vùng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên' là di sản tiếp nối trình UNESCO công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.
Đến ngày 25-11-2005, Tổng Giám đốc UNESCO công bố “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” lọt vào danh sách 43 di sản phi vật thể của nhân loại được công nhận lần thứ 3. Để đạt được kết quả này, từ năm 2004, các tổ chức, cá nhân tham gia lập hồ sơ đã làm việc cật lực và hết sức khẩn trương, khoa học.
Theo tinh thần hội nghị giữa Viện Văn hóa-Thông tin (VHTT) với Giám đốc các sở VHTT 5 tỉnh Tây Nguyên vào ngày 9-4-2004, Gia Lai được giao nhiệm vụ chọn và chuẩn bị 2 lễ hội đại diện cho 2 dân tộc Jrai và Bahnar để Viện VHTT làm tư liệu cho bộ hồ sơ khoa học.
Vậy nên, từ giữa tháng 4-2004, tôi được Giám đốc Sở VHTT Vũ Ngọc Bình giao nhiệm vụ nghiên cứu, chọn lễ hội và địa bàn phù hợp; chuẩn bị tốt hiện trường cho các chuyên gia của Viện VHTT ghi hình, ghi tiếng, quay phim... phục vụ việc lập hồ sơ trong tháng 5-2004.
Mọi việc diễn ra gấp rút, khẩn trương vì thời gian không nhiều, Tây Nguyên lại sắp bước vào mùa mưa. Nếu không làm kịp trước mùa mưa, việc tổ chức lễ hội và ghi hình sẽ gặp nhiều trở ngại. Hơn nữa, khi có những cơn mưa đầu mùa cũng là lúc bà con tập trung cho mùa trồng tỉa, sẽ ở lại chòi rẫy không về làng nên việc tập hợp dân rất khó khăn.
Sau khi cán bộ chuyên môn nghiên cứu và báo cáo, lãnh đạo Sở VHTT nhất trí chọn lễ ăn trâu mừng chiến thắng của người Bahnar và lễ mừng lúa mới của người Jrai để ghi tư liệu, hình ảnh, âm thanh... cho hồ sơ di sản. Đây là những lễ hội lớn của người Jrai và Bahnar. Trong những lễ hội ấy, cồng chiêng đóng vai trò rất quan trọng.
Sau khi thống nhất được những lễ hội cần phục dựng để ghi hình, làm tư liệu, Giám đốc Sở VHTT trực tiếp giao việc chuẩn bị tổ chức lễ hội của người Bahnar cho lãnh đạo Phòng VHTT huyện Kbang và lễ hội của người Jrai cho lãnh đạo Phòng VHTT huyện Chư Păh.
Sau khi họp bàn với địa phương và cộng đồng, tỉnh Gia Lai đi đến thống nhất: lễ mừng lúa mới của người Jrai sẽ được tổ chức ở làng Mrông Yố (xã Ia Ka, huyện Chư Păh) vào ngày 17 và 18-5-2004; lễ ăn trâu mừng chiến thắng của người Bahnar sẽ được tổ chức tại làng Mơ Hra (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) vào ngày 3 và 4-6-2004.
Cả 2 điểm do chúng tôi lựa chọn đều có những thuận lợi và khó khăn nhất định. Địa điểm ở huyện Chư Păh tuy có một số vấn đề cần tính toán như: khung cảnh không còn giữ được hoàn toàn những nét văn hóa truyền thống, nhà rông nhỏ bé lại lợp tôn… nhưng thuận lợi cơ bản là có dàn nghệ nhân cồng chiêng xuất sắc, giao thông thuận lợi.
Còn làng Mơ Hra thì có không gian tuyệt vời với nhà rông đẹp, trang phục và trang sức của bà con hoàn toàn chưa bị pha tạp, cồng chiêng cổ nhiều, nghệ nhân hăng hái tham gia… nhưng đường vào lại khó khăn, nhất là 2 km đường từ xã đến làng. Đoạn đường này vừa hẹp, lầy lội, lại phải vượt qua một con suối. Đem những băn khoăn này bàn thảo, các đồng chí lãnh đạo huyện Kbang đã nhiệt tình ủng hộ bằng cách cho san gạt mặt đường.
Ngày các chuyên gia của Viện VHTT vào làm hồ sơ, mọi việc có vẻ “thuận buồm xuôi gió”. Trời khá đẹp nên các cảnh quay cũng như việc ghi âm tiến hành khá thuận lợi. Chỉ có một chuyện bây giờ đã như một kỷ niệm mà chúng tôi muốn kể để cùng rút kinh nghiệm.
Ngày 17 và 18-5-2004, đoàn vào thực hiện công việc ở làng Mrông Yố. Trong khi chúng tôi đang tất bật chuẩn bị cho nhóm quay phim ghi hình các già làng cúng tại nhà rông thì chuyên gia âm nhạc Bùi Trọng Hiền vào nói nhỏ: “Chị ơi, nếu Gia Lai chuẩn bị cho chúng em thế này thì e hồ sơ của ta đổ sớm mất thôi”. “Có gì trục trặc em?”. “Bà con đánh toàn chiêng cải tiến, với thang âm của Tây thì có gì là đặc sắc nữa!”.
Tôi ngạc nhiên vì tất cả những yêu cầu khắt khe về dàn cồng chiêng, bài chiêng, nghệ nhân… đều đã được quán triệt với địa phương. Hỏi chuyện thì tôi được biết, thấy khách từ xa vào, các nghệ nhân lấy bộ chiêng cải tiến ra trổ tài, còn bộ chiêng Aráp cổ thì vẫn để nguyên trong bao.
Sau những ngày ghi hình, ghi tiếng vất vả nhưng kết quả tương đối mỹ mãn, tiến đến bước hoàn thiện hồ sơ. Viện VHTT còn cử người vào Gia Lai 2 lần để bổ sung hồ sơ. Khoảng thời gian sau đó là những ngày chờ kết quả xét duyệt của UNESCO trong sự hồi hộp.
Từ cái tên ban đầu là “Cồng chiêng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên”, rồi tên trong quyết định lập hồ sơ của Bộ VHTT là “Vùng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” cho đến cuối cùng thì hồ sơ có tên là “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”, các nhà chuyên môn đã phải làm việc cật lực, khoa học, tỉ mỉ và công phu. Gia Lai tự hào là một trong những địa phương được đánh giá cao trong quá trình phối hợp với Viện VHTT để chuẩn bị và hoàn thiện hồ sơ 20 năm trước.