Những ngôi nhà 'ổ chuột' giữa lòng thành phố

Ngay giữa lòng TP Hải Dương vẫn tồn tại những ngôi nhà 'ổ chuột'. Không có tiền xây sửa, chuyển đổi sang nơi khác, người dân phải sống trong điều kiện dưới mức tối thiểu.

Nhà ông Thực chỉ cao khoảng 1,7 m, diện tích sử dụng hơn 10 m2, là tầng hầm của nhà băng từ thời Pháp

Nhà ông Thực chỉ cao khoảng 1,7 m, diện tích sử dụng hơn 10 m2, là tầng hầm của nhà băng từ thời Pháp

Ông Nguyễn Ngọc Thực (85 tuổi) đang sống một mình trong căn nhà nhỏ bé, vỡ nát loang lổ ở ngõ số 1 phố Tuy Hòa, phường Trần Phú. Dù tay chân run run nhưng ông vẫn tất bật rót nước, nhiệt tình mời khách. Nói chuyện với ông chúng tôi gần như phải hét lên vì tai ông rất kém. Sau khi lập gia đình, năm 1966 ông nhập ngũ, chiến đấu tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An... Năm 1971, khi ông Thực vẫn còn trong quân ngũ, do hoàn cảnh quá khó khăn, gia đình ông chuyển về căn nhà này ở cho đến tận bây giờ. Gọi là nhà nhưng thực chất đây là tầng hầm nhà băng cũ thời Pháp thuộc. Ở phía trên nhà ông Thực có một hộ khác sinh sống.

Trước đây ông Thực ở cùng cháu nội, từ tháng 10 năm ngoái, cháu nội đi cai nghiện, chỉ còn một mình ông quanh quẩn. Căn nhà chỉ cao khoảng 1,7 m, tổng diện tích sử dụng hơn 10 m2 với hai phòng ngủ ngăn cách nhau bởi bức tường dày gần nửa mét. Hàng chục năm trước mỗi lần mưa to, căn nhà thường bị ngập đến đầu gối. Những năm gần đây khi mưa to nước tràn vào nhà nhưng chỉ ngập đến mắt cá chân. Những tấm nhựa ốp tường, trần nhà đã cũ nát, thủng vỡ nhiều chỗ, để lộ từng mảng gạch vỡ loang lổ. Căn nhà chỉ vỏn vẹn có hai chiếc giường, một số chăn, đệm, chiếc ti vi và vài vật dụng khác. Những tấm bằng khen, Huy chương Chiến sĩ vẻ vang, Huy chương Kháng chiến hạng nhất được ông đóng khung, treo trang trọng phía trên chiếc ti vi đặt ở nơi thoáng nhất của căn nhà.

Ngồi nói chuyện với ông được một lúc, mùi khói đốt than tổ ong từ các hộ xung quanh tràn vào khiến ai nấy đều ngộp thở. Không có cửa sổ, không có gì để thông khí nên mùi khói cứ quanh quẩn mãi trong nhà. Cạnh nhà là căn bếp và nhà tắm rộng chỉ vài m2 mái lợp ngói xi măng. Muốn đi vệ sinh, ông Thực phải đi qua một nhà khác cùng ngõ, lối vào nhà vệ sinh chỉ rộng khoảng nửa mét. Nhà vệ sinh cũng được xây từ cách đây hàng chục năm đã cũ nát.

Ngôi nhà của bà Huyền nứt vỡ nhiều chỗ

Ngôi nhà của bà Huyền nứt vỡ nhiều chỗ

Rời nhà ông Thực, tôi đến thăm bà Đỗ Thị Thắng (tên thường gọi là Lê), 56 tuổi, ở khu 5 phường Phạm Ngũ Lão. Nhà bà Thắng nằm ngay cổng sau đền Mẫu Đông Giang. Hiện bà Thắng ở cùng con là chị Đỗ Thị Vân (30 tuổi) và con trai chị Vân mới khoảng 5 tháng tuổi. Trước đây, mẹ của bà Thắng thần kinh không bình thường, kiếm sống bằng cách mót gạo ở các cửa hàng xay xát. Bà Thắng và chị Vân sức khỏe đều yếu không làm được việc gì để kiếm sống, không biết chữ. Cả ba thế hệ nhà bà Thắng ở trong căn nhà lợp mái ngói xi măng có tuổi đời còn hơn cả bà Thắng. Căn nhà chỉ rộng khoảng 10m2, có 1 chiếc giường, vài chiếc tủ và nhiều đồ đạc không có giá trị khác. Mái ngói xi măng đã thủng nhiều chỗ, các bức tường cũng ẩm thấp, mốc meo phải che lại bằng bạt. Căn nhà có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Cạnh nhà là phòng tắm kết hợp nhà kho không có cửa phải che màn để sử dụng. Căn phòng lợp mái xi măng đã lộ thiên một nửa. Không biết chữ nên mọi giấy tờ, thủ tục về đất đai, nhà cửa mẹ con bà Thắng đều không biết. Ông Quảng Đình Thành, thủ nhang đền Mẫu Đông Giang chia sẻ: “Mảnh đất mẹ con bà Thắng đang ở chưa làm thủ tục chứng nhận quyền sử dụng đất. Nếu chính quyền địa phương hỗ trợ gia đình bà Thắng tháo gỡ khó khăn về thủ tục này, Hội Từ thiện đền Mẫu Đông Giang sẽ kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ bà Thắng xây nhà mới”.

Ở khu 2, phường Nhị Châu, ngôi nhà của bà Trần Thị Huyền, 61 tuổi cũng có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Bà Huyền ở căn nhà này cùng với hai con gái và cháu trai 4 tuổi. Bệnh tật nhiều năm, bà nặng chưa tới 40 kg, vóc dáng gầy nhỏ. Vợ chồng bà ly hôn cách đây nhiều năm, một mình bà nuôi các con ăn học. Sau khi chị Phạm Thị Hương (30 tuổi), con gái lớn của bà Huyền lấy chồng, vợ chồng chị cũng ly hôn, chị và con trai lại ở cùng mẹ. Chồng chị Hương không chu cấp cho con nên cuộc sống gia đình bà Huyền ngày càng chật vật. Nguồn sống của cả nhà phụ thuộc vào vườn rau của bà Huyền và mức thu nhập công nhân điện tử ít ỏi của chị Hương.

May mắn hơn những trường hợp nêu trên, căn nhà của bà Huyền rộng rãi hơn với khoảng 50 m2 nhưng cũng được xây dựng hàng chục năm nay. Ngôi nhà có 3 gian, 2 gian lợp mái ngói, 1 gian lợp ngói xi măng đã vỡ nhiều chỗ. Nhiều đoạn tường nứt từ trên mái xuống dưới nền nhà. Anh Trần Thế Hùng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Nhị Châu cho biết trước đây hội đã đề nghị cấp trên xây nhà mới cho gia đình bà Huyền nhưng đến nay vẫn chưa được hỗ trợ. “Tôi chỉ mong các nhà hảo tâm hỗ trợ bà cháu tôi tiền sửa chữa để được sống trong căn nhà an toàn, không lo đổ sập mỗi mùa gió bão”, bà Huyền trải lòng.

VIỆT QUỲNH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/doi-song/nhung-ngoi-nha-o-chuot-giua-long-thanh-pho-148498