Những ngọn nến của thông thắp lửa trời cao

Nhà thơ Trần Hoàng Vũ Nguyên là nữ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng và cũng là nữ hội viên duy nhất cho đến thời điểm hiện nay. Cô hiện là biên tập viên, đạo diễn mảng văn nghệ của Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng.

Chúng tôi cùng ngồi ở quán Cà phê Mọt, quán cà phê "vỉa hè" với hàng ghế dài hướng mặt trông ra đường Hùng Vương, TP Đà Lạt. Thấy tôi "phàn nàn" về việc đi uống cà phê thôi mà cũng phải xuống dốc với lên dốc, Trần Hoàng Vũ Nguyên mỉm cười: "Thì Đà Lạt là thành phố của những con dốc mà anh". Nói rồi cô quay sang trái nhìn về hướng vòng xoay gần đó, nơi ấy có những con dốc lên dốc xuống. Rồi cô nhìn lên vòm lá của cây thông cổ thụ bên kia đường, ánh mắt ánh lên.

Đà Lạt sáng nay chợt có nắng sau chuỗi ngày chốc chốc lại mưa. Dưới ánh mặt trời, chiếc váy đỏ cô mặc trên người như đỏ tươi thêm. Trần Hoàng Vũ Nguyên khe khẽ đọc thơ "Kìa, những ngọn nến của thông thắp lửa trời cao/ ẩn mình trong sương sớm/ tiếng động khẽ của gió/ nhịp đập của tim/ khua vào/ thổn thức/ ký ức dội về". Cô bảo: "Bài thơ "Đồi thông kim" này là bài thơ đầu tiên của em được đăng báo, trên Tạp chí Langbian anh ạ".

Nhà thơ Trần Hoàng Vũ Nguyên.

Nhà thơ Trần Hoàng Vũ Nguyên.

Thực ra Trần Hoàng Vũ Nguyên làm thơ từ sớm và cô đã làm khá nhiều thơ nhưng "chẳng dám" khoe với ai, huống hồ là gửi đăng báo. Cho đến một ngày tháng 7, tức là khi cô vừa hoàn thành bài thơ thì nhà thơ Trần Ngọc Trác khi ấy là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Lâm Đồng gặp cô và bảo: "Em có bài thơ nào không?". Trần Hoàng Vũ Nguyên nghe nói thế thì e ngại nhưng được nhà thơ Trần Ngọc Trác động viên nên cô mạnh dạn gửi đi. "Bài thơ "Đồi thông kim" được in tháng 10/2007 anh ạ. Đúng vào ngày sinh nhật của em".

Món quà sinh nhật còn được nhân đôi khi ngay lập tức nhạc sĩ Dương Toàn Thiên đã phổ nhạc nâng cánh cho bài thơ. Ca khúc nhanh chóng được ghi hình và phát sóng trên Đài PT-TH Lâm Đồng. Một chi tiết thú vị nữa là bài thơ này cùng với những bài thơ khác đã được Báo Văn nghệ in thành chùm rất chững chạc ngay trong năm 2007. Tôi vui vẻ nói: "Không phải song hỷ lâm môn nữa mà là tam hỷ lâm môn luôn".

Sinh tháng 10 năm Mậu Ngọ (1978), Trần Hoàng Vũ Nguyên có ba mẹ đều quê gốc ở ngoài Bắc. Cô cho hay: "Ba em quê gốc ở Nam Định nhưng sinh ra ở Cần Thơ. Còn mẹ em quê gốc ở Hải Dương sinh ra ở Biên Hòa. Em lại được sinh ra ở Đồng Nai nên giờ em hơi bối rối mỗi khi có ai đó hỏi quê em anh ạ”. Tôi động viên: "Còn giờ thì em là người Đà Lạt thứ thiệt".

Trần Hoàng Vũ Nguyên khẽ lắc đầu, kiểu lắc đầu không phải "từ chối" mà là cái động tác của "người đẹp" trước một lời khen hay đại loại như vậy. Cô bảo: "Đúng là Đà Lạt quyến rũ đến mức không thể bỏ được, không thể quên được anh ạ".

Năm 1996, cô gái trẻ nhà ở miền núi trung du của tỉnh Đồng Nai lên thành phố ngàn hoa lần đầu, cô thực sự rất có cảm tình với thành phố "dốc lên dốc xuống" này. Nhất là sau đó cô thi đỗ vào Trường Đại học Đà Lạt. Sau 4 năm ngồi giảng đường đại học, cô về Đồng Nai dạy học.

Xa Đà Lạt, rời xa thành phố ngàn hoa, trong lòng cô giáo trẻ Trần Hoàng Vũ Nguyên luôn nhớ nhung da diết. Những đường phố dốc, quanh co bên những đồi thông khiến cô xao xuyến. Những bông hoa rực rỡ sắc màu khiến tâm trạng cô hoài những mến thương. Và thế là Trần Hoàng Vũ Nguyên rời bục giảng để quay lên Đà Lạt. Cô bảo: "Thực tình quyết định rồi mà em vẫn chưa biết mình sẽ làm việc gì để được gắn bó với Đà Lạt anh ạ".

Loanh quanh trên những đường phố loanh quanh, Trần Hoàng Vũ Nguyên gặp và rồi quen với nhà thơ Trần Ngọc Trác. Dạo đó ông Trác đang công tác ở phòng văn nghệ, Đài PT-TH Lâm Đồng. Biết cô gái trẻ mê văn chương và "biết" làm thơ, lại đang ấp ủ những hoài bão lớn nên ông nhà thơ người xứ Huế đã tận tình giúp đỡ. Qua sự giới thiệu của ông Trần Ngọc Trác cô gái trẻ Trần Hoàng Vũ Nguyên thử sức mình bằng những bài viết cộng tác với đài. Cô làm quen với công việc của một nhà báo bắt đầu từ cách đó, vừa viết vừa học, vừa làm việc vừa tiếp thu chuyên môn.

Trần Hoàng Vũ Nguyên cho hay: "Em tập việc như vậy từ cuối năm 2004 và tới đầu năm 2005 thì được tuyển chính thức vào Đài PT-TH Lâm Đồng. Phải nói rằng "công" của nhạc sĩ Dương Toàn Thiên, Trưởng phòng Văn nghệ và nhà thơ Trần Ngọc Trác, Phó phòng Văn nghệ, rất quý anh ạ. Nhờ các anh ấy dẫn dắt chỉ bảo cho nên bây giờ khi các anh ấy chuyển công tác khác hay nghỉ hưu thì em tiếp nhận công việc văn nghệ do các anh ấy để lại được tin tưởng".

Trần Hoàng Vũ Nguyên sau khi làm một ngụm cà phê thì tâm sự: "Hồi em còn là sinh viên Đại học Đà Lạt ấy, có những hôm trời mưa kiểu mưa như mấy hôm vừa rồi mà anh được chứng kiến ấy, em ngồi bên cửa sổ ký túc xá nhìn mưa cứ thấy buồn buồn. Lúc đó chỉ mong sớm ra trường để đi làm thôi anh ạ".

Bìa tập thơ “Ngựa núi” của nhà thơ Trần Hoàng Vũ Nguyên.

Bìa tập thơ “Ngựa núi” của nhà thơ Trần Hoàng Vũ Nguyên.

Rồi Trần Hoàng Vũ Nguyên lại đọc thơ cho chúng tôi nghe: "Đà Lạt chiều nay ngóng tri âm/ trong ngôi nhà gỗ chênh vênh triền đồi vắng/ em như mặt trời của núi tự giấu mình đi/ dù mỗi bình mình đều thắp lên nghìn ngọn nhớ/ đêm về lặng lẽ vầng trăng cong khuyết bóng em chờ". Cô bảo: "Bài thơ "Về Đà Lạt với em người ơi" em viết trong tâm trạng "tình yêu thuở ban đầu", nó đã từng cho em "những bài thơ cuồng dại".

Cô nói xong lại đọc tiếp: "Về Đà Lạt với em người ơi/ Thành phố ban mai lãng đãng khói sương, trưa nở rộ những cánh đồng hoa rực rỡ, chiều thơm thông reo giữa nắng vàng, đêm lạnh trầm mặc thiết tha tay nắm lấy bàn tay, nơi có mắt em say, tim em cháy, môi em chờ… và đang thì thầm: Cuộc đời này chỉ yêu anh!".

Đã biết cô nói "Cuộc đời này chỉ yêu anh thôi" là cô nói về Đà Lạt nhưng không hiểu sao tôi vẫn ghen tỵ bởi vì Trần Hoàng Vũ Nguyên đã dành hết, dành trọn tình yêu của mình, tình cảm của mình cho Đà Lạt. Và cũng bởi như vậy thơ của Trần Hoàng Vũ Nguyên viết nhiều về Đà Lạt. Còn bài báo và phim tài liệu truyền hình thì khỏi phải nói, đã là thường xuyên rồi.

Trần Hoàng Vũ Nguyên cho hay: "Rất nhiều năm ở tỉnh Lâm Đồng dù có nhiều người tích cực viết và viết cũng rất thành công nhưng vẫn còn ít người được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Em cũng chẳng hiểu là sao nữa". Có lẽ chính vì lý do đó mà đơn xin vào Hội Nhà văn Việt Nam của Trần Hoàng Vũ Nguyên lại do hai nhà thơ ở mãi tỉnh Tiền Giang là nhà thơ Trương Trọng Nghĩa và nhà thơ, nhà lý luận phê bình Võ Tấn Cường ký giới thiệu. Trần Hoàng Vũ Nguyên thật thà: "Bảo viết đơn vào hội em cũng ngại lắm. Vì ở Lâm Đồng em có nhiều anh chị nhà văn, nhà thơ rất xứng đáng vào trước. Nhưng Nghĩa với anh Cường cứ động viên mãi. Bọn em quen nhau qua thơ, và thân với nhau. Thân với nhau nên hiểu và quý thơ của nhau anh ạ".

Nắng vẫn chan hòa tỏa ánh sáng trên thành phố ngàn hoa. Trên nền trời xanh, lởn vởn những đám mây trắng lững lờ trôi ngang vòm lá thông. Trần Hoàng Vũ Nguyên chợt một phút suy tư. Cô mơ màng như đã tìm được một tứ thơ nào đấy. Rồi cô bảo: "Ngoài thơ đã in 2 tập, là tập "Ngựa núi", NXB Hội Nhà văn, 2009 và tập "Hồi chuông chát", NXB Hội Nhà văn, năm 2011, ra em đang dự định tập hợp những bài ký, bài ghi chép để in thành tập anh ạ. Những bài báo đó cũng có thể coi là những gì mà em đã hiểu và đã yêu Đà Lạt".

Nghe cô tâm tình thế tôi chợt nhớ đến đoạn kết của bài thơ "Tạ ơn người" của cô, cô đã viết: "Nhưng vẫn xin đời tạ ơn nhau/ tạ ơn người cho ta vui lại đôi ngày ấm/ tạ ơn ta sống rất chân thành từ tâm/ tạ ơn người đã đến cho nghìn trùng mãi xa / tạ ơn người đã tặng ta: Nụ cười hun hút đại ngàn khi biết rằng một lần nữa trái tim mình vẫn còn biết đau". Tôi hiểu rằng: Tận trong sâu thẳm tâm hồn mình, Trần Hoàng Vũ Nguyên luôn biết ơn cuộc đời này, cuộc đời cho cô đồng hành cùng thơ.

Nguyễn Trọng Văn

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/nhung-ngon-nen-cua-thong-thap-lua-troi-cao-i745401/