Những người cha tận tâm nơi biên giới

Hơn 5 tháng nay, không khí Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (BCH BĐBP Hà Giang) như rộn ràng hơn bởi 2 học sinh người dân tộc có hoàn cảnh khó khăn được nhận nuôi tại đồn. Mô hình 'Con nuôi đồn biên phòng' đang triển khai đã và đang thể hiện ý nghĩa thiết thực, 'chắp cánh' cho nhiều trẻ em nơi vùng cao biên giới.

Trung úy Hầu Duy Mạnh nhận nhiệm vụ chăm sóc, dạy bảo 2 HS.

Trung úy Hầu Duy Mạnh nhận nhiệm vụ chăm sóc, dạy bảo 2 HS.

Những mảnh đời thiếu may mắn

Thiếu tá Ngụy Tôn Tùng - Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy cho biết, 2 học sinh (HS) được đồn nhận làm con nuôi đều có hoàn cảnh sống khó khăn đặc biệt. Cháu Nguyễn Đức Quân - dân tộc Tày, nhà tại thôn Bản Hình (xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên) năm nay bước vào lớp 5 nhưng đã sớm thiệt thòi. Nhà nghèo, bệnh tật trước khi lấy đi cuộc sống của bố Quân còn để lại cho gia đình những khoản nợ lớn. Mẹ Quân mới ngoài 30 tuổi, một mình gánh trên vai nỗi lo 2 con nhỏ, phụng dưỡng cha mẹ hai bên. Việc học tập của Quân cũng đứng trước nguy cơ bỏ dở.

Dìm Trung Giáp, dân tộc Dao, nhà tại xã Thanh Đức huyện Vị Xuyên có hoàn cảnh éo le, thương tâm chẳng kém. Bố Giáp trở thành “gà trống” nuôi con gần một năm nay khi mẹ em mất trong một vụ tai nạn lao động. 8 tuổi và chuẩn bị bước vào lớp 3, Giáp chịu đựng nỗi đau, sự mất mát to lớn. Bố dù yêu thương Giáp đến mấy thì trong tâm hồn em vẫn là khoảng trống, nỗi nhớ khôn nguôi hơi ấm, tình thương, sự chăm sóc của người mẹ. Những mất mát thiệt thòi ấy cũng khiến Dìm Trung Giáp trầm tính, khó hòa đồng xung quanh hơn so với bạn bè cùng trang lứa.

Khi mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” được triển khai, lãnh đạo đồn cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy cùng UBND xã dựa vào các tiêu chí đã rà soát, chọn lựa kĩ nhận nuôi Nguyễn Đức Quân, Dìm Trung Giáp. Cả 2 gia đình Quân và Giáp đều mừng vui đống ý. Với họ, Quân và Giáp khi được lựa chọn không chỉ đơn giản là nuôi ăn học mà còn đặt niềm tin người lính biên phòng sẽ giúp những đứa trẻ sớm mồ côi cha mẹ có một tương lai tốt đẹp hơn ở phía trước.

“Ươm mầm” nơi biên cương

Thiếu tá Ngụy Tôn Tùng cho biết: Để bảo đảm cuộc sống, sinh hoạt cho 2 em, hàng loạt công việc đã được những “cha nuôi” của đồn chuẩn bị kỹ càng. Một phòng ở của chiến sĩ được sang sửa sạch sẽ, 2 giường đơn, tủ đựng quần áo, chăn màn mới được bố trí. Ngoài ra, các anh cũng không quên sắm bàn học, giá sách để các cháu có chỗ ngồi học thuận tiện… Đặc biệt, lãnh đạo đồn còn cử trung úy Hầu Duy Mạnh - Đội trưởng Đội vận động quần chúng đảm trách nhiệm vụ chăm sóc, dạy bảo học tập hàng ngày cho 2 em.

Chỉ thời gian ngắn sau khi được nuôi dạy tại đồn, Quân và Giáp đã quen với nếp sinh hoạt, giờ ăn ngủ, giải trí, học tập như những người lính. Mặt khác, để các cháu không thiếu hụt kỹ năng sống, nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới, hàng ngày trung úy Hầu Duy Mạnh dành thời gian để gần gũi, quan sát các cháu để hướng dẫn, trang bị từ kỹ năng đơn giản nhất (đánh răng, rửa mặt, tắm gội, gấp chăn màn).

Mặt khác, sau thời gian làm quen với môi trường sống, nề nếp tác phong của những người lính, trung úy Hầu Duy Mạnh còn hướng các cháu tham gia thêm vào công tác vệ sinh đơn vị, tưới cây, giúp chiến sĩ tăng gia, nhặt rau… Đây là cách tạo nền tảng cần thiết để khi trưởng thành, bước vào cuộc sống, các em đã vững vàng. Dù sống ở đồn hay về nhà, các em đều có thể lao động giúp đỡ được gia đình những công việc cơ bản.

Trung úy Hầu Duy Mạnh chia sẻ: Chế độ ăn uống của 2 HS được đảm bảo như cán bộ chiến sĩ trong đồn. Chỉ sau 3 tháng về đồn, với chế độ dinh dưỡng đầy đủ, được tập luyện thể thao, tham gia lao động nên sức khỏe của 2 HS đều ổn định, chiều cao, cân nặng tăng lên đáng kể.

“Điều khó khăn nhất đối với tôi trong quá trình dạy bảo chăm sóc 2 cháu là kiến thức và phương pháp bởi có sự khác biệt ít nhiều. Hơn thế tôi không có những kỹ năng sư phạm như các thầy cô trên lớp nên việc dạy học chưa đạt hiệu quả như mong muốn…

Để đáp ứng được việc kèm cặp kiến thức hàng ngày cho 2 cháu, một đang học lớp 3, một đang học lớp 5 tôi phải tự nghiên cứu kiến thức, phương pháp dạy học qua mạng. Nhiều khi tôi phải hỏi GV của các cháu đang dạy trên lớp. Cái gì tôi chưa thạo, các thầy cô đều giúp đỡ, hướng dẫn để có thể dạy bảo, uốn nắn được các cháu. Dù nhiều hay ít việc, các buổi tối hàng ngày tôi phải dành thời gian để kiểm tra, ôn tập và giảng bài cho các cháu” - trung úy Hầu Duy Mạnh nói.

Anh cũng cho biết, với những kiến thức, kỹ năng, tâm lý phải ở lứa tuổi làm cha mẹ mới nắm rõ thì các anh, các chú trong đơn vị đã có gia đình sẽ giúp anh. Chính vì vậy, việc dạy 2 đứa trẻ 8 và 10 tuổi sau hơn 5 tháng tại đồn không quá khó khăn. Bản thân Nguyễn Đức Quân và Dìm Trung Giáp luôn coi trung úy Hầu Duy Mạnh như người cha thứ 2, coi đồn như mái ấm thứ 2 mà các em may mắn được sinh sống, nuôi dạy, giúp đỡ trong học tập…

Chị Nguyễn Thị Nhi – mẹ Nguyễn Đức Quân chia sẻ: Hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn. Sự hỗ trợ giúp đỡ của chiến sĩ biên phòng đồn cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy thực sự đã mở ra một tương lai tốt đẹp cho con trai tôi. Con mới xa nhà hơn 5 tháng mà đã có rất nhiều tiến bộ từ ý thức đến học tập, sức khỏe.

Trước khi thực hiện Mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy còn làm tốt chương trình “Nâng bước em đến trường” với sự hỗ trợ kinh phí 500.000 đồng/tháng/cháu cho 4 HS có hoàn cảnh khó khăn khác. Ngoài ra 8 HS của huyện Vị Xuyên cũng được đồn lựa chọn, triển khai theo chương trình “Nâng bước em đến trường” từ nguồn kinh phí của BTL - BĐBP.

Chương trình “Nâng bước em đến trường” và mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” là sự chung tay hỗ trợ của những người lính biên phòng với ngành Giáo dục nói riêng và xã hội nói chung. Qua đây cũng tăng cường tình đoàn kết gắn bó máu thịt giữa cán bộ, chiến sĩ BĐBP với đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững chắc.

Theo

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/nhan-ai/nhung-nguoi-cha-tan-tam-noi-bien-gioi-4067997-b.html