Những người ghép sắc màu trong Ngôi Nhà Bình Yên

Tôi đã nhìn thấy những gam màu thật rực rỡ ở Ngôi Nhà Bình Yên. Dẫu cho bản thân những người phụ nữ ở đây đang phải đối mặt với biết bao tổn thương, sóng gió...

Bà Dương Thị Ngọc Linh, Ngô Thị Tuyết Em, cùng tác giả bài viết và các cộng sự trong một chương trình Beijing+30 Bus Tour của Un Women.

Bà Dương Thị Ngọc Linh, Ngô Thị Tuyết Em, cùng tác giả bài viết và các cộng sự trong một chương trình Beijing+30 Bus Tour của Un Women.

Sắc màu của bình yên

Ánh nắng chiều hắt qua khung cửa của Ngôi Nhà Bình Yên Đồng Bằng Sông Cửu Long, rải màu vàng như mật xuống tấm vải rực rỡ sắc màu trong phòng lưu trú. Một người phụ nữ luống tuổi ngồi quay lưng ra cửa chính, cặm cụi ghép từng miếng vải vụn nhỏ. Nhẫn nại từng mũi kim, những bông hoa sắc màu dần hiện ra dưới bàn tay chị.

Không gian như ngưng đọng, cuộc sống tưởng chừng bình yên quá. Nhưng ẩn sâu trong sự yên bình ấy, “sóng gió” đang sẵn sàng bủa vây chị bên ngoài cánh cửa Ngôi Nhà Bình Yên.

Mảnh ghép sắc màu ở Ngôi Nhà Bình Yên

Mảnh ghép sắc màu ở Ngôi Nhà Bình Yên

Chị M (tên do PV tự đổi để bảo đảm giữ bí mật đời tư nhân vật) kể, chị vào đây từ tháng 7, sau khi con gái dự thi xong kỳ thi THPT QG. Hơn 18 năm nay, kể từ khi con bé được sinh ra, chị đã phải sống trong bạo lực từ chính chồng của mình.

Bạo hành cả thể chất và tinh thần, chị gần như không có chút quyền cá nhân nào. Mọi hành động của chị đều có thể khiến chồng nổi giận. Chị đã nhẫn nhịn vì con. Cho đến tận khi cô con gái tốt nghiệp lớp 12, dự thi xong kỳ thi THPT QG, chị mới dám tìm cho mình một cơ hội làm lại cuộc đời. Và chị đã tìm đến Ngôi Nhà Bình Yên, mang theo cả đứa con vừa trúng tuyển đại học.

H - cũng là một người phụ nữ chúng tôi gặp trong chuyến công tác tại Ngôi Nhà Bình Yên Đồng Bằng Sông Cửu Long. Dù luôn tự tin mình có thể tự bảo vệ được mình vì có võ, nhưng chị H cũng không thể tránh khỏi bạo lực.

Bạo lực đã khiến chị phải mang thai ngoài ý muốn. Bạo lực đã khiến chị đau đớn, rã rời thân xác ngay trong những tháng ngày còn như con cua bấy sau trận vượt cạn sinh tử. Và giờ đây, khi con bước vào lớp 1, chị nhất định phải chạy khỏi cuộc hôn nhân được khởi đầu bằng một hành vi bạo lực ấy.

Và có một điều lớn lao không kém, chị cần một chốn nương tựa, không chỉ giúp chị tránh khỏi bạo lực, mà còn hỗ trợ pháp lý để chị bảo vệ khối tài sản mà bố chị đã vất vả cả đời để lại.

"Tôi đã rất cố gắng trong cuộc hôn nhân này. Nhưng khi anh ta cưỡng ép tôi phải ký giấy để bán đất của bố tôi, thì tôi nhận ra rằng mình không thể chịu đựng được nữa."

Rất may cho H, Chat GPT đã giúp chị tìm đến được với Ngôi nhà Bình Yên...

Phụ nữ bị bạo lực trên cơ sở giới rất cần một nơi tạm lánh trong những trường hợp khẩn cấp, đó không chỉ là chiếc phao cứu sinh khi họ đang chơi vơi giữa dòng nước mà còn là nơi hỗ trợ họ những kiến thức, kỹ năng giúp họ hiểu được quyền, giá trị của bản thân, trang bị những kỹ năng cần thiết để phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới và giúp họ hiểu được người gây ra bạo lực trên cơ sở giới phải chịu trách nhiệm 100% với những hành vi mình gây ra.

Chị M, chị H chỉ là 2 trong số hàng chục nghìn phụ nữ tới lánh nạn ở Ngôi nhà Bình Yên.

Từ năm 2007 đến nay, Ngôi Nhà Bình Yên đã tiếp nhận và hỗ trợ hơn 27000 phụ nữ và trẻ em đến từ khắp mọi miền đất nước. Mỗi người đến với Ngôi Nhà Bình Yên đều mang trong mình một câu chuyện riêng, một nỗi đau riêng. Có người bị chồng bạo hành thường xuyên, có người bị chính người thân trong gia đình xâm hại, có người phải chịu đựng cuộc sống địa ngục trong một thời gian dài...

Sau khi được sống những ngày tại Ngôi Nhà Bình Yên, họ đã được trở lại với cuộc đời khi mọi thứ xung quanh đã… bình yên.

Tuy nhiên, con đường đến với "bình yên" không phải lúc nào cũng bằng phẳng.

“Nhiều người phụ nữ bị bạo hành không dám lên tiếng và tìm kiếm sự giúp đỡ. Họ còn e ngại, xấu hổ, hoặc thậm chí cho rằng đó là chuyện riêng của gia đình. Nhiều người trong số họ vẫn chưa thực sự tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn. Họ cũng không muốn tiết lộ danh tính, hoặc đơn giản là họ chưa sẵn sàng để đối diện với quá khứ." – bà Dương Thị Ngọc Linh – UV ĐCT, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển nhận định.

Bà Dương Thị Ngọc Linh – UV ĐCT, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển

Bà Dương Thị Ngọc Linh – UV ĐCT, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển

Minh chứng cho sự ẩn mình này của những người phụ nữ bị bạo hành, bà Linh kể: Khi Trung tâm Phụ nữ và phát triển biên soạn cuốn sách "Đi về phía bình yên", trong số 27.000 người từng được Ngôi Nhà Bình Yên hỗ trợ, chỉ có 12 người đồng ý chia sẻ câu chuyện của mình.

"Họ sợ hãi, xấu hổ, hoặc cảm thấy tự ti khi phải kể về những gì mình đã trải qua. Có người lo lắng câu chuyện của mình sẽ ảnh hưởng đến gia đình, con cái. Cũng có người chỉ đơn giản là muốn quên đi quá khứ, bắt đầu một cuộc sống mới." bà Linh phân tích.

Thông cảm với những nỗi niềm ấy những người làm công tác trong Ngôi Nhà Bình Yên hiểu rằng, việc chia sẻ những tổn thương trong quá khứ không phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên, họ vẫn mong muốn những người phụ nữ bị bạo hành có thể cởi mở hơn, chia sẻ với những người có thể giúp đỡ mình, để từ đó vượt qua nỗi đau và tìm lại bình yên trong tâm hồn.

Sắc màu của sự hy sinh

"Làm công tác xã hội ở lĩnh vực này rất độc hại", bà Dương Thị Ngọc Linh – UV ĐCT, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển - trải lòng.

Độc hại bởi lẽ, hàng ngày, những người như bà phải đối mặt với những câu chuyện đau lòng, những vết thương tinh thần của những người phụ nữ, những bé gái bị bạo hành... Mỗi câu chuyện là một mảnh đời tan vỡ, là những nỗi đau chồng chất khó có thể lên lời.

Bà cho biết, bản thân công việc đòi hỏi người làm công tác xã hội không chỉ lắng nghe, đồng cảm, mà còn phải tư vấn, hướng dẫn cho các nạn nhân cách vượt qua khó khăn, tìm lại niềm tin vào cuộc sống. Và trong quá trình ấy, chính họ cũng phải đối mặt với những cảm xúc tiêu cực, những "vết sẹo" vô hình trong tâm hồn.

Bà Ngô Thị Tuyết Em - Giám đốc Trung tâm phát triển phụ nữ Đồng Bằng Sông Cửu Long - Ngôi Nhà Bình Yên Đồng Bằng Sông Cửu Long cũng chung tâm trạng. Bà khẳng định: "Chúng tôi đến với ngôi nhà này như một duyên nghiệp của cuộc đời. Phải thực sự yêu nghề lắm mới bám trụ lại được. Mỗi số phận đến với Nhà Bình Yên là một bi kịch. Muốn giúp đỡ được các thân chủ, cán bộ Nhà Bình Yên phải thấu hiểu những tâm tư, khổ đau của họ, có vậy mới có thể tham vấn, chia sẻ... sau mỗi cuộc tìm hiểu, tham vấn, cán bộ của ngôi nhà như phải "sống" cuộc đời thân chủ với bao ẩn ức, buồn tủi..."

Bà Ngô Thị Tuyết Em - Giám đốc Trung tâm phát triển phụ nữ Đồng Bằng Sông Cửu Long

Bà Ngô Thị Tuyết Em - Giám đốc Trung tâm phát triển phụ nữ Đồng Bằng Sông Cửu Long

"Không ai biết ngoài việc tham vấn cho thân chủ, chúng tôi còn phải tự tham vấn cho nhau, tự chữa lành cho đồng nghiệp và cho bản thân mình, để vượt qua những ám ảnh tâm lý" - bà Linh chia sẻ.

Cùng với những gánh nặng tinh thần đó, những cán bộ của Ngôi nhà Bình Yên còn phải đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống thực. "Có lần, đúng chiều 30 Tết, một thân chủ được đưa đến nhà tạm lánh. Vậy là cả Tết đó, chúng tôi phải thay nhau ăn tết với thân chủ." - bà Tuyết Em kể.

Bà Ngọc Linh cũng chia sẻ thêm: "Chúng tôi thường xuyên phải đối mặt với sự nguy hiểm, uy hiếp tinh thần thậm chí cả tính mạng. Có ông chồng sau khi đánh vợ, biết vợ đến Nhà Bình Yên, nên xông vào phòng làm việc của chúng tôi, rồi trực chờ đe dọa..."

Trong muôn vàn những nhọc nhằn đó, như một "thiên thần" mang trong mình sứ mệnh cao cả, những người cán bộ của Ngôi Nhà Bình Yên vẫn nỗ lực ngày đêm để sẻ chia xoa dịu những tổn thương, như những người "giữ lửa", tô sắc màu an lành cho mái ấm Bình Yên.

Cùng tô màu bình yên cho cuộc sống

Hệ thống Ngôi Nhà Bình yên thuộc Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam hiện có cơ sở tại Hà Nội và Cần Thơ (Khu vực đồng bằng sông Cửu Long) dự kiến mở rộng tại khu vực Bắc Trung Bộ (Quảng Bình).

Dịch vụ hỗ trợ của các mô hình hiện nay tiệm cận với dịch vụ theo quy định quốc tế, đặc biệt mô hình Ngôi nhà Bình yên hỗ trợ trên nguyên tắc lấy nạn nhân làm tâm, cung cấp dịch vụ hỗ trợ toàn diện từ nơi ăn ở an toàn đến các hoạt động tâm lý, pháp lý, y tế, giáo dục, nghề nghiệp, kỹ năng sống đảm bảo hồi gia an toàn và bền vững.

Không thể phủ nhận những tác dụng to lớn của Ngôi nhà Bình yên tới những người phụ nữ là nạn nhân của buôn bán và bạo lực.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của bà Tuyết Em, Ngôi Nhà Bình yên vẫn còn gặp khó khăn và thách thức trong quá trình hỗ trợ nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới do nguồn lực còn hạn chế cả về nhân lực và tài chính. Đội ngũ cán bộ đòi hỏi có chuyên môn, chịu được áp lực công việc. Nguồn ngân sách trong hỗ trợ nạn nhân chưa thể đảm bảo cung cấp dịch vụ đầy đủ và toàn diện, cần thêm nguồn từ các hoạt động xã hội hóa.

Bà Ngô Thị Tuyết Em cho rằng trong quá trình vận hành mô hình Ngôi Nhà Bình yên, chính việc điều chỉnh hệ thống chính sách pháp luật và cụ thể hóa các chương trình chiến lược về phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới đã thu hút sự vào cuộc của tất cả các ban ngành liên quan trong việc hỗ trợ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ.

"Hiện nay, chúng tôi tham gia vào mạng lưới kết nối hỗ trợ nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới của các ban ngành liên quan. Hầu hết thân chủ đến tạm lánh tại Ngôi Nhà Bình đều được giới thiệu chuyển tuyến từ các tổ chức, ban ngành như Công An, Hội LHPN, Sở LĐTB&XH,… Từ đó công tác hỗ trợ từ giáo dục, các vấn đề pháp lý, giải quyết bạo lực tại địa phương đều khá thuận lợi. Qua đó thể hiện sự cam kết, chung tay bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ giữa các đơn vị tại địa phương tạo điều kiện cho phụ nữ được tái hòa nhập an toàn và bền vững. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức như Un women, Vietnam Airlines.. cũng đã hỗ trợ, đồng hành với chúng tôi." - Bà cho biết.

Khi được hỏi về sự thay đổi của vai trò người phụ nữ trong xã hội trong 5 năm trở lại đây, bà Dương Thị Ngọc Linh nhận định:

"Tôi thấy vai trò của người phụ nữ đã có sự thay đổi rất rõ nét. Phụ nữ ngày nay đã tự tin hơn, hiểu biết hơn về quyền lợi của bản thân, dám lên tiếng và đấu tranh cho những gì mình xứng đáng được hưởng. Họ có thu nhập riêng, có tiếng nói riêng, và không còn phụ thuộc hoàn toàn vào nam giới."

Bà cho rằng, sự thay đổi này đến từ nhiều yếu tố, trong đó có sự phát triển của kinh tế - xã hội, sự tiếp cận thông tin dễ dàng hơn, và những nỗ lực trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới.

Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh rằng, bên cạnh những tiến bộ đáng khích lệ, vẫn còn nhiều thách thức phải vượt qua để phụ nữ thực sự có được vị thế bình đẳng trong xã hội.

Trăn trở trước thực trạng bạo lực gia đình vẫn còn tồn tại, và nhiều phụ nữ vẫn còn e ngại lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình, bà mong muốn những người phụ nữ đang chịu đựng bạo lực hãy lên tiếng, đừng im lặng. “Đừng để nỗi đau ám ảnh cuộc đời bạn. Hãy mạnh mẽ vượt qua và tìm lại cuộc sống bình yên.” - Dương Thị Ngọc Linh nhắn nhủ!

Gửi thông điệp tới những người phụ nữ còn chưa hạnh phúc, bà Tuyết em nhắn nhủ: "Nhà Bình Yên luôn muốn nâng cao vị thế của người phụ nữ. Phụ nữ phải luôn được yêu thương, luôn được chia sẻ, không có lý do gì mà mình bị bạo lực."

Kết ngắn

Có lẽ khi những bài viết này lên trang, những mảnh ghép sắc màu của người phụ nữ ở Ngôi Nhà Bình Yên đã thành hình hài một sản phẩm hữu ích cho cuộc sống. Và có thể, dù những mảnh ghép ấy chỉ là những mảnh ghép, nhưng theo chia sẻ của bà giám đốc Ngôi Nhà Bình Yên, việc ngồi khâu những mảnh vải sắc màu ấy cũng chính là một bài trị liệu tâm lý, để dằn lại những cơn sóng dữ trong lòng những người phụ nữ vừa trải qua những cơn giông bão của cuộc đời.

Vân Tùng

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nhung-nguoi-ghep-sac-mau-trong-ngoi-nha-binh-yen-post532538.html