Những người giữ hồn cho ghe ngo

Nghề đóng và vẽ hoa văn cho ghe ngo kén thợ. Để ghe ngo đẹp, có hồn, người thợ không chỉ có năng khiếu, tay nghề cao mà cần có duyên với nghề. Đây không chỉ là nghề mưu sinh mà còn góp phần duy trì truyền thống, bản sắc văn hóa Khmer.

4 ĐỜI ĐÓNG GHE NGO

Là truyền nhân đời thứ tư của gia đình làm nghề đóng ghe ngo, anh Danh Tùng, ngụ xã Ngọc Chúc, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) có hơn 20 năm kinh nghiệm với nghề.

Anh Tùng cho biết: “Tiếp nối truyền thống của gia đình, tôi theo cha học nghề đóng ghe ngo, sau đó tôi theo hai anh đi nhiều nơi làm nghề. Đến năm 2020, tôi nhận ghe đóng. Nhiều ghe ngo tôi đóng đạt thứ hạng cao tại các giải đấu trong và ngoài tỉnh, từ đó tôi có nhiều nơi mời đóng ghe ngo”.

Nhiều vị sư, người dân biết gia đình anh Danh Tùng với truyền thống đóng ghe ngo điêu luyện. Đại đức Danh Hiền - phó trụ trì chùa Cà Nhung, huyện Gò Quao (Kiên Giang) chia sẻ: “Gia đình anh Tùng nổi tiếng với nghề đóng ghe ngo, ghe ngo gia đình anh đóng đẹp, lướt nhanh. Anh Tùng có thâm niên trong nghề, làm việc có tâm và khéo tay nên chùa mời anh đóng ghe ngo để tham gia lễ hội Ok Om Bok năm nay”.

Nhà anh Tùng có ba anh em trai đều theo nghề đóng ghe ngo, mỗi năm, các anh đóng gần 20 chiếc với tiền công khoảng 100 triệu đồng/chiếc. Với nhóm từ 3-5 thợ lành nghề, thời gian hoàn thành chiếc ghe ngo từ 29-31 mét khoảng 1 tháng.

Anh Tùng chia sẻ: “Tôi đóng ghe ngo quanh năm, không chỉ đóng ghe ở trong tỉnh mà tôi còn đóng cho các tỉnh như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh. Đối với tôi, ghe ngo mang giá trị tinh thần lớn, không chỉ duy trì truyền thống của gia đình mà còn góp phần giữ gìn bản sắc của dân tộc”.

Ông Danh Ngọc Thành vẽ hoa văn cho chiếc ghe ngo mới của chùa Sóc Ven Mới, huyện Gò Quao.

Ông Danh Ngọc Thành vẽ hoa văn cho chiếc ghe ngo mới của chùa Sóc Ven Mới, huyện Gò Quao.

Theo anh Danh Tùng, nghề đóng ghe ngo khó, không phải ai cũng làm được, phải là thợ mộc có tay nghề, kỹ thuật mới đóng được.

“Đóng ghe ngo lướt nhanh khó. Nhiều chiếc thả xuống nước là muốn phóng lên trước, có chiếc lại nằm lì không muốn đi. Đối với vỏ máy hay ghe bình thường chỉ cần đóng hoàn thành là được nhưng với ghe ngo, người thợ cần có tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm và có duyên với nghề mới đóng được”, anh Tùng nói.

GIỮ GÌN BẢN SẮC DÂN TỘC

Với đam mê vẽ từ nhỏ, năm 2007, ông Danh Ngọc Thành, ngụ xã Ngọc Chúc theo thầy học vẽ hoa văn Khmer. Sau đó, ông trang trí hoa văn cho một số chùa trong, ngoài tỉnh. Đến năm 2019, với mong muốn thổi hồn cho ghe ngo, ông Thành bắt đầu nhận vẽ hoa văn cho ghe.

Ông Thành chia sẻ: “Với tay nghề sẵn có, khi vẽ hoa văn cho ghe ngo tôi không gặp khó khăn. Những hoa văn trên ghe ngo là hoa văn đặc trưng của đồng bào dân tộc Khmer, tạo thêm sinh khí cho chiếc ghe, góp phần làm lễ hội thêm rực rỡ và giữ gìn bản sắc Khmer”.

Theo ông Thành, ghe ngo được trang trí biểu tượng hình rồng, rắn, hổ. Tùy vào cách vẽ đơn giản hay phức tạp mà thời gian trang trí cho ghe ngo khác nhau. Trung bình để hoàn thành một chiếc ghe ngo, ông Thành phối màu, vẽ khung, sau đó vẽ chi tiết khoảng 1 tuần.

Nghề vẽ hoa văn cho ghe ngo đòi hỏi thợ vẽ phải có đam mê, năng khiếu, sự tỉ mỉ, kiên nhẫn, chịu khó và am hiểu hoa văn Khmer. Đặc biệt, người vẽ phải suy nghĩ ra nét vẽ đẹp, cân đối, khác lạ với những ghe ngo trước, tạo sự sinh động cho ghe.

“Mỗi năm, tôi vẽ khoảng 3-4 chiếc ghe ngo. Thù lao khi trang trí một chiếc từ 6-15 triệu đồng. Khi nhìn chiếc ghe ngo mình trang trí băng băng trên đường đua như một con rồng, con rắn đang lướt sóng, tôi vui, hạnh phúc và có động lực để gắn bó với nghề. Tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm hay dạy nghề cho những ai yêu thích công việc này”, ông Thành nói.

Nói về lý do chọn ông Thành tô điểm cho ghe ngo của chùa, ông Danh Bền - phó trụ trì chùa Sóc Ven Mới, huyện Gò Quao cho biết: “Ông Thành nổi tiếng với khiếu thẩm mỹ và kỹ năng vẽ điêu luyện nên chùa chọn ông trang trí cho ghe ngo mới đóng. Mỗi chiếc ghe ông vẽ có họa tiết khác nhau, sống động, ai nhìn cũng thích”.

Bài và ảnh: BẢO TRÂN

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//van-hoa-the-thao/nhung-nguoi-giu-hon-cho-ghe-ngo-11328.html