Những người không nên ăn đậu rồng
Đậu rồng là loại rau tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng có thể ăn được, dưới đây là những người không nên ăn đậu rồng.
Tác dụng của đậu rồng với sức khỏe
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, nhờ sở hữu thành phần dưỡng chất phong phú mà đậu rồng trở thành vị thuốc hiệu quả trong việc điều trị nhiều bệnh lý khác nhau, cụ thể:
Tốt cho sức khỏe thai phụ
Nguồn vitamin và khoáng chất dồi dào trong đậu rồng rất cần thiết cho sự phát triển của thai nhi, tăng khả năng nhận thức và phát triển của não bộ, phòng ngừa nguy cơ dị tật bẩm sinh.
Trong 100g quả đậu rồng có thể chứa 16,5% nhu cầu folate mỗi ngày, đây là chất tham gia vào quá trình phân bào và tổng hợp ADN của thai nhi. Protein do đậu rồng cung cấp còn giúp trẻ sinh ra sẽ được thừa hưởng nguồn sữa mẹ chất lượng hơn.
Làm chậm quá trình lão hóa, tăng cường miễn dịch
Trong đậu rồng là một hàm lượng chất chống oxy hóa cực kỳ lớn, nhất là vitamin C - thành phần không thể thiếu tham gia vào quá trình hình thành collagen, tái tạo các mô liên kết giúp da luôn căng mịn, đàn hồi. Ngoài ra vitamin C còn giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể để chống lại các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài.
Phù hợp với người đang giảm cân, ngừa táo bón
Theo các nghiên cứu, đậu rồng cũng là loại rau có ít calo và nhiều chất xơ. Khi chúng ta dung nạp chất này vào cơ thể sẽ có tác dụng làm chậm lại sự hấp thu chất béo và chất đường, từ đó giúp ổn định đường huyết, phù hợp với những bệnh nhân đang bị thừa cân, rối loạn mỡ máu và bị tiểu đường.
Bên cạnh đó vì chất xơ không hòa tan được nên bạn sẽ có cảm giác no lâu, giảm cảm giác thèm ăn, kích thích hệ tiêu hóa và nhu động ruột hoạt động năng suất hơn, hạn chế tình trạng táo bón.
Lựa chọn hoàn hảo thay thế cho đạm động vật
Tương tự như đậu tương, đậu nành, và các loại thực vật họ đậu khác, hàm lượng protein chứa trong đậu rồng đủ để cung cấp cho cơ thể, là một sự lựa chọn hoàn hảo cho những người ăn chay muốn bổ sung protein không phải từ động vật.
Hỗ trợ điều trị bệnh hen suyễn
Những bệnh nhân bị bệnh hen suyễn mạn tính cần phải được bổ sung magie thường xuyên để kiểm soát triệu chứng bệnh. Có điều đặc biệt là đậu rồng chứa khá nhiều magie, khi người bị hen suyễn ăn đậu rồng sẽ giúp giảm các cơn hen cấp, cơ phế quản được thư giãn và điều hòa nhịp độ của hơi thở.
Tốt cho người bị cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch
Kali chứa trong đậu rồng giúp ổn định nhịp tim, hạn chế oxy hóa thành mạch, giảm thiểu cholesterol xấu, kiểm soát huyết áp, bảo vệ tim mạch trước nguy cơ đột quỵ, thiếu máu cơ tim, điều tiết insulin, hỗ trợ chuyển hóa glucose và cân bằng lượng đường trong máu.
Trong Đông y, loại rau này được đánh giá là có tính mát, vị ngọt, bổ dưỡng, giảm triệu chứng khó tiêu, đầy chướng bụng.
Những người không nên ăn đậu rồng
Tuy đậu rồng rất tốt cho sức khỏe nhưng cũng như bất kỳ loại thực phẩm hay vị thuốc nào khác bạn không nên quá lạm dụng. Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời BS Vũ Duy Thành cho biết những người dưới đây không nên sử dụng đậu rồng:
- Người bị sỏi đường tiết niệu do oxalate không được dùng vì sỏi phát triển mạnh hơn.
- Người có tiền sử dị ứng với cây đậu rồng không được dùng.
- Người bị gout không dùng đậu rồng, khi dùng bệnh trở nặng.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nhung-nguoi-khong-nen-an-dau-rong-ar911157.html