Những nội dung cơ bản của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo

Quy định tách bạch, phân định rõ chức sắc, chức việc; việc phong phẩm hoặc suy cử làm chức sắc và bổ nhiệm, bầu cử, suy cử làm chức việc

Luật TN, TG đã có quy định tách bạch, phân định rõ chức sắc, chức việc. Luật cũng quy định cách thức thực hiện đối với việc phong phẩm hoặc suy cử làm chức sắc (Điều 33) khác với bổ nhiệm, bầu cử, suy cử làm chức việc (Điều 34).

Như vậy, Luật TN, TG đã tách bạch, phân định rõ ràng thế nào là chức sắc, chức việc; trách nhiệm, vai trò của chức sắc, chức việc trong tổ chức tôn giáo cũng như trong mối quan hệ với tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Điều đó vừa tạo thuận lợi để chức sắc, chức việc thực hiện đúng chức phận trong hoạt động tôn giáo, vừa tạo cơ sở pháp lý trong quản lý Nhà nước đối với các hoạt động này của chức sắc, chức việc, bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền và nghĩa vụ của tín đồ, chức sắc tôn giáo.

Tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Điều 8, Luật TN, TG quy định về quyền tự do TN, TG của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam: được Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo hộ quyền tự do TN, TG với các quyền cụ thể: sinh hoạt tôn giáo, tham gia hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo; sử dụng địa điểm hợp pháp để sinh hoạt tôn giáo tập trung; mời chức sắc, chức việc, nhà tu hành là người Việt Nam thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo; mời chức sắc, nhà tu hành là người nước ngoài giảng đạo; vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng về tôn giáo của tổ chức tôn giáo ở Việt Nam; mang theo xuất bản ấn phẩm, đồ dùng tôn giáo để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tôn giáo... Đối với chức sắc, nhà tu hành là người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được giảng đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác ở Việt Nam.

Trên cơ sở các quy định mang tính nguyên tắc này, Luật TN, TG đã dành 1 mục với 7 điều quy định về hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài, trong đó, tạo điều kiện cho nhóm người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam có nhu cầu sinh hoạt tôn giáo tập trung, có thể thuê, mượn địa điểm để sinh hoạt tôn giáo; người nước ngoài có thể được tổ chức tôn giáo ở Việt Nam phong phẩm hoặc suy cử phẩm vị...

Người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được đề nghị phong phẩm hoặc suy cử phẩm vị khi đáp ứng các điều kiện sau: Thứ nhất, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực TN, TG; không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự. Thứ hai, được đào tạo tôn giáo tại cơ sở đào tạo tôn giáo ở Việt Nam. Thứ ba, tuân thủ pháp luật Việt Nam.

(Còn nữa)

Minh Phượng (TH)

(Sở Tư pháp)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/217/167665/nhung-noi-dung-co-ban-cua-luat-tin-nguong,-ton-giao.htm