Những rủi ro pháp lý khi thị trường biến động

Ngày 27/6/2024, trong khuôn khổ chuỗi sự kiện VIAC SYMPOSIUM 2024, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức phiên nội dung với chủ đề 'Những khó khăn và rủi ro pháp lý trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng & phát triển bất động sản trong giai đoạn thị trường biến động'.

Xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển bất động sản

Ngày 27/6/2024, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức phiên nội dung với chủ đề “Những khó khăn và rủi ro pháp lý trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển bất động sản trong giai đoạn thị trường biến động” tại Hà Nội Ảnh: NS

Ngày 27/6/2024, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức phiên nội dung với chủ đề “Những khó khăn và rủi ro pháp lý trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển bất động sản trong giai đoạn thị trường biến động” tại Hà Nội Ảnh: NS

Lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng và bất động sản đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Mặc dù có những tín hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi của ngành xây dựng trong năm 2024 (theo kết quả khảo sát lãnh đạo DN tháng 1/2024 của Vietnam Report), mở ra tiềm năng cho một chu kỳ tăng trưởng mới trong mảng đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển bất động sản tư nhân, song kèm theo đó là sự gia tăng rủi ro pháp lý và nguy cơ phát sinh tranh chấp.

Các yếu tố biến động kinh tế kéo theo sự biến động của giá nguyên vật liệu và nguồn vốn đều có thể ảnh hưởng đến tiến độ và chi phí của các dự án xây dựng. Những thay đổi này không chỉ đặt ra những thách thức về tài chính và quản lý, mà còn là nguyên nhân dẫn đến các tranh chấp phát sinh không mong muốn giữa các bên liên quan, bao gồm chủ đầu tư, nhà thầu và các đối tác khác. Hơn nữa, khi thị trường xây dựng và bất động sản ngày càng hội nhập và phát triển, các vấn đề về tranh chấp và rủi ro pháp lý không chỉ giới hạn trong phạm vi Quốc gia mà còn mở rộng ra quốc tế. Các dự án hợp tác với đối tác nước ngoài, các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, hay việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế đều đòi hỏi các bên tham gia phải trang bị kiến thức vững vàng trong việc quản lý và giải quyết các tranh chấp xuyên biên giới.

Với mong muốn tạo ra một diễn đàn để các chuyên gia, DN trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về những giải pháp hiệu quả để vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội và phát triển bền vững trong bối cảnh thị trường biến động, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức phiên thảo luận với chủ đề “Những khó khăn và rủi ro trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển bất động sản trong giai đoạn thị trường biến động”.

TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, từ cuối năm 2022 đến năm 2023, kinh tế trong nước bắt đầu đi vào giai đoạn thực sự khó khăn, cộng dồn từ các ảnh hưởng hậu Covid cũng như tình hình khó khăn chung của kinh tế khu vực và thế giới. Thị trường bất động sản trong nước là một trong những lĩnh vực có biến động mạnh theo chiều hướng đi xuống kéo theo khó khăn trực tiếp tới ngành xây dựng. Áp lực trích lập dự phòng phải thu gia tăng, lợi nhuận sụt giảm trên mức nền so sánh thấp cùng kỳ năm trước, nợ vay và chi phí lãi vay cao… là câu chuyện chung của không ít DN trong ngành xây dựng trong thời gian 1-2 năm qua, đặc biệt là những nhà thầu lớn thực hiện cùng lúc nhiều dự án thuộc cả đầu tư công (trong các dự án cơ sở hạ tầng) và cả đầu tư tư nhân (trong dự án bất động sản).

Bối cảnh khó khăn kép trong 2 năm qua đối với các DN trong lĩnh vực xây dựng đến từ các khó khăn của các chủ đầu tư, trong khi đầu tư công, giải ngân công trong các dự án cơ sở hạ tầng lớn thì chưa đủ hỗ trợ, còn lãi suất ngân hàng thì luôn ở mức cao. Với sự quyết liệt điều hành, điều tiết của Chính phủ để tháo gỡ các khó khăn của ngành xây dựng, thị trường xây dựng đã bắt đầu thấy những dấu hiệu khả quan trở lại từ cuối 2023 đầu 2024 này.

Kết quả khảo sát lãnh đạo DN vào tháng 1/2024 của Vietnam Report cho thấy, nhóm DN ngành xây dựng đã lạc quan hơn về triển vọng chung của ngành. Phần đông số DN (52,6%) kỳ vọng năm 2024 sẽ đánh dấu những chuyển biến tích cực hơn. Trong khi đó, 36,9% số DN dự báo ngành xây dựng sẽ chưa có nhiều sự cải thiện, gần như giữ nguyên trạng thái trong năm qua và 10,5% số DN cho rằng tình hình thị trường có thể ảm đạm hơn. Trong nhận định về động lực cho DN xây dựng thì các chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN của Chính phủ, cùng với đà tăng của nguồn vốn đầu tư (cả vốn đầu tư Nhà nước và vốn đầu tư trục tiếp nước ngoài) đang được kỳ vọng là “rìu phá băng” đẩy nhanh quá trình phục hồi cho DN xây dựng.

Nhìn chung, việc trở lại quỹ đạo tăng trưởng chưa thể diễn ra chóng vánh và chưa thể khẳng định thị trường xây dựng sẽ đạt được các kết quả rực rỡ, tuy nhiên, các DN xây dựng kỳ vọng năm 2024 có thể là “viên gạch đầu tiên” xây nền móng cho sự phục hồi và ươm mầm một chu kỳ phát triển mới.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ngành xây dựng đóng vai trò quan trọng, xương sống trong việc phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia: cung cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu cho đất nước, tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ phát triển.

Ngô Sơn

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nhung-rui-ro-phap-ly-khi-thi-truong-bien-dong-385806.html