Những vật dụng thường ngày đang 'bóp nghẹt' hành tinh
Các loại vật dụng làm từ nhựa được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới nhờ tính tiện lợi nhưng cũng chính là nguyên nhân khiến tình trạng ô nhiễm nhựa ngày càng trầm trọng.
Các loại gói nhựa
Gói nhựa (loại dùng một lần) được sử dụng để chứa lượng nhỏ nhiều loại hàng hóa cơ bản, từ dầu gội, chất tẩy rửa, cho đến các đồ uống phổ biến như trà hoặc cà phê và thậm chí cả đồ ăn. Loại gói này đã trở nên đặc biệt thông dụng khắp châu Á từ những năm 1980 sau khi một số thương hiệu đưa vào sử dụng để bán thực phẩm và các sản phẩm vệ sinh với số lượng nhỏ cùng giá thành thấp.
Tại Indonesia, gói nhựa xuất hiện ở khắp mọi nơi, với số lượng bán ra lên đến 5,5 triệu gói mỗi ngày chỉ để đựng chất tẩy rửa. Tính theo đầu người, mỗi người dân tại quốc gia này thải ra 4kg loại gói này mỗi năm, theo phong trào phi lợi nhuận Plastic Diet.
Về mặt cấu trúc, gói nhựa gồm nhiều lớp nhựa và kim loại nên việc tái chế là gần như không thể. Trong khi đó, tình trạng quá tải tại các hệ thống xử lý chất thải khiến loại gói này bị rò rỉ ra môi trường bên ngoài. Một số thậm chí được sử dụng làm nhiên liệu đốt, thải nhiều loại hóa chất độc vào không khí.
Quần áo polyester
Nhiều loại quần áo khi bị vứt bỏ đã góp phần gây ra ô nhiễm nhựa do khoảng 60 đến 70% được sản xuất từ sợi tổng hợp polyester. Điều này trở thành vấn đề khi chúng xuất hiện tại các bãi chôn lấp không được quản lý ở một số quốc gia kém phát triển như Ghana và Kenya - hai quốc gia chấp nhận quần áo cũ hoặc tồn kho từ Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh.
Một cuộc điều tra của Quỹ Changing Market (Hà Lan) cho thấy, nửa số quần áo này tại Kenya bị vứt bỏ vì không thể sử dụng. Tại các bãi rác lộ thiên, quần áo dần phân hủy và gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Urška Trunk, Giám đốc Chiến dịch cấp cao tại Changing Markets, nhận định rằng, hoạt động buôn bán quần áo cũ ở một mức độ lớn chính là xuất khẩu rác thải nhựa.
Chai nhựa
Chai nhựa đựng đồ uống là vật dụng được thu gom nhiều nhất trong Chương trình Dọn dẹp bờ biển quốc tế (ICC) do Tổ chức phi lợi nhuận Ocean Conservancy (Mỹ) triển khai hằng năm.
Chỉ riêng ở vùng Caribe, 1/5 trong ước tính khoảng 2.000 đồ nhựa thải ra trên mỗi ki lô mét là các loại chai nhựa. Dữ liệu từ ICC cho thấy, các tình nguyện viên ở Trinidad và Tobago đã thu gom được 86.410 chai nhựa, chiếm gần một nửa tổng số rác thải nhựa tại khu vực này trong các năm 2022 và 2023.
Các mô hình tiêu dùng, kết hợp với sự thay đổi từ chai thủy tinh có thể tái sử dụng sang vật đựng dùng một lần vào những năm 1980, có thể giải thích quy mô của tình trạng ô nhiễm ở Caribe.
Khăn ướt
Anh mỗi năm thải ra 11 tỷ khăn ướt, với nhiều loại được làm từ sợi tổng hợp polyester vốn cần nhiều năm mới có thể phân hủy. Khi được xả xuống cống, loại khăn này sẽ tích tụ lại, gây ra tình trạng tắc nghẽn đường ống. Năm 2023, Hiệp hội Bảo tồn Biển (MCS) đã thu gom 21.000 khăn ướt trên các bãi biển ở Vương quốc Anh và Quần đảo Channel.
Trong năm 2024, Chính phủ Anh đã thông qua luật cấm khăn ướt chứa nhựa, yêu cầu các nhà sản xuất áp dụng thay đổi đối với các sản phẩm trong thời hạn 18 tháng. Trước động thái của nhà chức trách, nhiều nhà sản xuất đã chuyển sang vật liệu không chứa nhựa. Tuy nhiên, Anh vẫn tiếp tục cho phép sản xuất khăn lau chứa nhựa để xuất khẩu sang những quốc gia có quy định lỏng lẻo hơn.