Những ý kiến tâm huyết hướng về Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (Kỳ 10)

Tiếp theo kỳ trước

* Bà BÙI THỊ NGHĨA, nông dân thôn Hải Chữ, xã Trung Hải, huyện Gio Linh:

Hỗ trợ phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ đơn thân phát triển sinh kế

Tại các làng quê, người nông dân chủ yếu mưu sinh bằng nghề nông. Những nơi đất đai cằn khô, thiếu nước tưới thì mỗi năm chỉ trồng lúa một vụ. Thời gian còn lại trong năm, nông dân phải tìm những công việc thời vụ để cải thiện thu nhập. Ở xã Trung Hải, phụ nữ không có việc làm ổn định, thời gian nông nhàn chiếm số đông. Vì thế, tôi mong muốn cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, hỗ trợ phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ đơn thân, có hoàn cảnh khó khăn về nguồn vốn vay ưu đãi lãi suất thấp để đầu tư phát triển sinh kế, cải thiện cuộc sống.

Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên thời tiết thay đổi thất thường, mưa ít và thường xuyên xảy ra hạn hán, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành nông nghiệp. Tôi kỳ vọng nhiệm kỳ 2020 - 2025, cấp ủy, chính quyền các cấp sẽ có quyết sách đúng đắn, kịp thời để chủ động nguồn nước tưới cho nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực.

Thời gian qua, dịch tả lợn Châu Phi gây ra thiệt hại lớn cho nông dân. Hầu hết những gia đình chăn nuôi lợn đều thua lỗ, không có khả năng tái đàn. Tôi mong muốn cấp ủy, chính quyền quan tâm, hỗ trợ nông dân tái đàn lợn, phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững hơn.

* Anh CAO TẤT TUẤN, Bí thư Chi bộ thôn Rào Trường, xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh:

Cần quan tâm nhiều hơn đến đời sống người dân vùng sâu, vùng xa

Sau 16 năm xây dựng cuộc sống mới ở làng thanh niên lập nghiệp, đời sống người dân thôn Rào Trường cơ bản đã ổn định nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả. Hiện nay trường học ở trung tâm xã cách xa thôn Rào Trường hơn 7 km nên con em trong thôn đi học rất vất vả. Các công trình cơ sở hạ tầng trong thôn cũng còn thiếu nhiều. Mặc dù đã 16 năm sinh sống, lập nghiệp tại thôn Rào Trường nhưng nhiều gia đình thanh niên vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tôi mong muốn trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm nhiều hơn nữa đến đời sống người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, hỗ trợ thôn xây dựng điểm trường lẻ để con em đi học thuận tiện hơn, xây dựng các công trình thiết yếu để phục vụ đời sống tinh thần của Nhân dân; đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình thanh niên lập nghiệp để họ yên tâm sinh sống, sản xuất, góp phần xây dựng quê hương.

* Ông LÊ ĐỨC VĂN, công tác tại Nhà máy may Hòa Thọ Triệu Phong:

Đại hội cần ban hành chính sách phát triển công nghiệp sạch và tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, tỉnh Quảng Trị đã thực hiện đồng bộ các giải pháp về phát triển kinh tế- xã hội nên đời sống của người dân được nâng lên, cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm và mạng lưới khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp, làng nghề phát triển mạnh. Tuy nhiên, hiện các khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp tỉ lệ doanh nghiệp “lấp đầy” còn quá thấp. Đã vậy, có nhiều doanh nghiệp đi vào hoạt động khó tuyển dụng lao động, nhất là lao động có tay nghề cao, lao động đã qua đào tạo. Trong lúc đó, hiện tỉnh có một lực lượng lao động có tay nghề cao được đào tạo trong các trường đại học, cao đẳng, các trường dạy nghề nhưng lại tìm việc làm ở các tỉnh, thành phố khác nên trên địa bàn hiện đang thiếu hụt nguồn lao động và sẽ còn thiếu hụt lớn trong thời gian tới khi nhà đầu tư đến đầu tư mạnh tại Quảng Trị.

Do đó, tôi mong muốn Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII sẽ xây dựng được đội ngũ lãnh đạo là những cán bộ có tài, có tâm, có tầm, có năng lực thực tiễn để đưa ra những phương hướng, quyết sách, chính sách thích ứng, hiệu quả giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn để phát triển. Trong đó tỉnh cần có chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng sự phát triển của doanh nghiệp trong tình hình mới, đồng thời tăng cường thu hút nhà đầu tư có chất lượng, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng, điện tử, dệt may... đến với Quảng Trị. Cùng với công tác đào tạo nguồn nhân lực, tỉnh cần có chính sách thu hút lao động có tay nghề cao, có tâm huyết là con em của địa phương trở về lập nghiệp góp phần xây dựng quê hương.

* Anh NGUYỄN MINH CHÂU, Phó Bí thư Huyện đoàn Gio Linh:

Phát huy tốt hơn vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội

Vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội như Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân… trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội thời gian qua đã được phát huy trên nhiều mặt, đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh Quảng Trị. Tuy vậy, thực tế cũng cho thấy, có lúc, có nơi hoạt động của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội còn mang tính hình thức, chưa tập hợp được đông đảo đoàn viên, hội viên tham gia, hiệu quả và tính bền vững của một số phong trào còn chưa cao…

Tôi có niềm tin sâu sắc vào Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và mong muốn đại hội lần này tập trung thảo luận, đưa ra những chủ trương, giải pháp sát thực và hiệu quả hơn để phát huy tốt vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Trong đó, cần quan tâm hơn việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, chuyên môn của đội ngũ cán bộ tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội các cấp. Có cơ chế, chính sách tốt hơn để các tổ chức đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh các phong trào, hoạt động về cơ sở, từng bước đáp ứng được nhu cầu, tâm tư và nguyện vọng của đoàn viên, hội viên cũng như thực hiện tốt hơn vai trò là cầu nối, trung tâm đoàn kết, phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, qua đó củng cố niềm tin vững chắc của đoàn viên, hội viên và Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.

* Ông PHAN VĂN QUANG, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Sản xuất - Dịch vụ nông nghiệp Đông Dương, xã Hải Dương, huyện Hải Lăng:

Cần quan tâm hơn nữa đến phát triển kinh tế vùng cát và giao thông nội đồng

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp ngành đã tạo điều kiện tốt để các địa phương khai thác và phát triển các mô hình kinh tế trên vùng cát ngày càng hiệu quả. Như ở HTX Sản xuất - Dịch vụ nông nghiệp Đông Dương, nhiều năm qua đã định hình và phát triển được 30 ha cây trồng chủ lực là cây ném và mướp đắng (20 ha ném, 10 ha mướp đắng). Hai loại cây trồng này đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Chúng tôi mong muốn thời gian tới, các ngành cấp trên cần quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ cho HTX tiến hành triển khai thực hiện một cơ sở chế biến sấy khô và làm trà túi lọc từ mướp đắng. Sản phẩm từ mướp đắng được chứng nhận điều trị hiệu quả bệnh tiểu đường, cao huyết áp, có thể chế biến khô hoặc dạng túi lọc. Bởi vậy, chúng tôi nhận thấy mô hình này sẽ đạt được hiệu quả kinh tế cao nếu được đầu tư. Nếu có cơ sở sản xuất, chúng tôi sẽ bao tiêu được một sản lượng lớn trong tổng số khoảng 160 tấn mướp đắng thu được hằng năm của người dân địa phương với giá hợp lý.

Nhà nước cũng cần quan tâm đầu tư cho HTX hệ thống kênh mương nội đồng của cánh đồng 50 ha bên kia sông để giúp dân sản xuất, vận chuyển nông sản thuận tiện, giảm chi phí để tăng lãi từ trồng lúa; hệ thống điện sản xuất trên vùng cát tuy đã có nhưng hiện vẫn cần được mở rộng lưới điện vì cách khá xa các vườn sản xuất của người dân… HTX hiện cạnh tranh yếu thế hơn tư thương trong hoạt động thu mua nông sản, bán vật tư nông nghiệp, phân bón… là một thực trạng đang diễn ra. Nguyên nhân có nhiều, nhưng trong đó dễ nhận thấy là do phần nhiều các HTX thiếu vốn, trong khi HTX khó có thể vay thế chấp được nguồn vốn ngân hàng để phục vụ kinh doanh. Vì vậy, chúng tôi mong muốn nhà nước cần quan tâm hỗ trợ một phần vốn hoặc vốn vay ưu đãi giúp các HTX tăng sức cạnh tranh trong sản xuất, kinh doanh…

* Anh TRẦN VĂN LAM, thôn Nam Tân, xã Gio Sơn, huyện Gio Linh:

Thanh niên mong muốn được hỗ trợ để lập thân, khởi nghiệp

Hiện nay nhiều thanh niên quyết tâm bám trụ, lập thân khởi nghiệp trên quê hương. Tuy nhiên, để khởi sự, phần lớn những người trẻ thường gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn, kinh nghiệm, kỹ thuật, đầu ra cho sản phẩm… Và chủ yếu những người trẻ tự thân vận động trong quá trình khởi nghiệp nên hiệu quả của các mô hình mang lại chưa cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Tôi mong muốn nhiệm kỳ 2020 - 2025, cấp ủy, chính quyền các cấp sẽ quan tâm, hỗ trợ người trẻ lập nghiệp với những chủ trương, chính sách kịp thời, đúng đắn. Để người trẻ tự tin lập thân, khởi nghiệp, có thể kể đến một số giải pháp như: Tạo điều kiện để thanh niên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, giúp tìm được nguồn cung cấp con giống, cây giống chất lượng. Cùng với đó, tôi kỳ vọng các cấp bộ đoàn, ban, ngành liên quan tích cực phối hợp, hỗ trợ chủ các mô hình sản xuất tìm kiếm thị trường, kết nối tiêu thụ sản phẩm; mở các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt để người dân nắm vững kiến thức, hạn chế rủi ro trong sản xuất từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

(Còn nữa)

TỔ PHÓNG VIÊN (lược ghi)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=152176