Ninh Bình: Ngừng ngay hoạt động tham quan khi thời tiết xấu

Liên quan đến sự cố tắc đò ở Khu du lịch Tam Cốc (tỉnh Ninh Bình) vào ngày 19-7 khi cơn giông lốc lớn xảy ra, ngày 20-7, lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh cho biết, ngay sau khi xảy ra sự việc Sở đã chỉ đạo Ban quản lý khu du lịch thực hiện công tác cứu hộ, đưa toàn bộ người và thuyền về bến an toàn, không có du khách nào bị thương.

Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cũng có văn bản đề nghị các khu, điểm du lịch chủ động triển khai phương án phòng chống bão. Ảnh: M.H

Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cũng có văn bản đề nghị các khu, điểm du lịch chủ động triển khai phương án phòng chống bão. Ảnh: M.H

Theo lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, Ban quản lý khu du lịch đã huy động 3 thuyền máy để cứu hộ khoảng 90 hành khách. Tuy nhiên, do quãng đường từ thuyền bị mắc kẹt đến bến khoảng 3km nên phải đi nhiều lần. Đội cứu hộ cũng ưu tiên đưa những du khách cao tuổi, trẻ em và khách quốc tế vào trong trước, chính vì vậy, một số hành khách cứu hộ sau đã không khỏi bức xúc. Đây là sự cố đầu tiên xảy ra tại Khu du lịch Tam Cốc do ảnh hưởng bất ngờ của thời tiết.

Trước đó, trên một số trang mạng xuất hiện thông tin có một nhóm du khách bị mắc kẹt do mưa lớn, gió to trong quá trình tham quan tại Khu du lịch Tam Cốc. Lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình khẳng định, các thông tin về việc du khách bị mắc kẹt khi tham quan Khu du lịch Tam Cốc bằng thuyền vào chiều 19-7 là không chính xác. Chiều cùng ngày, toàn bộ các du khách đã trở về bến và lên bờ an toàn.

Cho đến sáng 20-7, các hoạt động tham quan của du khách vẫn diễn ra bình thường. Để chủ động ứng phó với bão số 3 (Wipha), Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cũng có văn bản đề nghị các khu, điểm du lịch chủ động triển khai phương án phòng chống bão, mưa lũ kịp thời, hiệu quả, đặt an toàn tính mạng du khách lên hàng đầu, tuyệt đối không chủ quan. Khi thời tiết xấu, ngừng ngay hoạt động tham quan và thông báo kịp thời cho du khách, đơn vị lữ hành và cơ quan chức năng.

Các đơn vị bố trí lực lượng, phương tiện cứu hộ tại các điểm trọng yếu; công khai số điện thoại đường dây nóng; lắp đặt đầy đủ biển chỉ dẫn, cảnh báo nguy hiểm; tổ chức tập huấn kỹ năng sơ cứu, xử lý tình huống khẩn cấp cho nhân viên và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong mọi tình huống.

Các khách sạn, nhà hàng du lịch, các cơ sở dịch vụ khác chủ động theo dõi tình hình thời tiết, xây dựng và triển khai phương án phòng chống bão phù hợp.

Các cơ sở phải kiểm tra, gia cố hạ tầng, bảo đảm an toàn cho du khách và nhân viên; chuẩn bị nhu yếu phẩm, bố trí nhân lực trực 24/24 trong thời gian bão. Đồng thời, cần thông tin kịp thời cho khách về tình hình thời tiết, hướng dẫn các biện pháp an toàn, công khai số điện thoại liên lạc và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để xử lý sự cố khi cần thiết.

Hoàng Lân

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ninh-binh-ngung-ngay-hoat-dong-tham-quan-khi-thoi-tiet-xau-709743.html