Ninh Thuận tập trung giải quyết dứt điểm các dự án du lịch chậm tiến độ
Đến với Ninh Thuận đầu tư được nhận nhiều ưu đãi, song theo lý giải của các doanh nghiệp, nguyên nhân chậm tiến độ đối với các dự án đang triển khai thi công là do nguồn vốn đầu tư.
Để khơi thông “điểm nghẽn” cho các dự án du lịch, thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận tạo điều kiện thuận lợi, đồng thời có nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc có liên quan.
Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp dù đã triển khai dự án nhưng lại thiếu quyết tâm thực hiện như cam kết, có doanh nghiệp thiếu năng lực… dẫn đến nhiều dự án chậm tiến độ kéo dài, nhất là dự án trọng điểm, gây mất lòng tin với tỉnh, người dân.
Theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, không chỉ với các dự án du lịch, hầu hết dự án khi đến đầu tư tại tỉnh đều được tạo mọi điều kiện theo quy định.
Tỉnh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp từ lúc sơ khai dự án đến khi hoàn thành, thậm chí gia hạn thời gian sử dụng đất do nguyên nhân khách quan.
Đơn cử, Dự án Sunbay Park Hotel & Resort do Công ty Cổ phần SunBay Ninh Thuận làm chủ đầu tư, được Ủy ban Nhân dân tỉnh cấp Quyết định chủ trương đầu tư số 278/QĐ-UBND ngày 17/7/2019 và Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư số 87/QĐ-UBND ngày 7/2/2024, với khoảng 36.550m2, tổng vốn đầu tư 4.779 tỷ đồng.
Dự án có quy mô gồm 3 tòa tháp công trình chính với các hạng mục: Khách sạn kết hợp căn hộ nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch, căn hộ du lịch kết hợp dịch vụ thương mại; nhà hàng biển; bar cà phê; các khu thương mại dịch vụ khác.
Mặc dù Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư trong khuôn khổ pháp luật quy định, song đến nay, Dự án Sunbay Park Hotel & Resort vẫn chậm tiến độ so với cam kết khi thực hiện, ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-trật tự, gây lãng phí nguồn lực đất đai, nguồn lực đầu tư...
Liên quan đến dự án trên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam đề nghị Công ty cổ phần SunBay Ninh Thuận có giải pháp hiệu quả, khả thi, thể hiện quyết tâm cao nhất, khẩn trương hoàn thành hạng mục của dự án.
Đồng thời, sở, ngành có liên quan nghiên cứu, tham vấn quy định của pháp luật tiếp tục hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khẩn trương thi công dự án.
Các sở, ngành liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, hậu kiểm đối với các nội dung liên quan đến dự án; tăng cường thanh, kiểm tra, kiên quyết xử lý dự án chậm tiến độ do nhà đầu tư thiếu quyết tâm, thiếu năng lực triển khai theo đúng quy định của Luật Đầu tư.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận sớm ban hành kế hoạch kiểm tra tiến độ đầu tư, sử dụng đất các dự án. Trên cơ sở đó xác định khó khăn, vướng mắc về giá đất, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng… để tiếp tục có giải pháp tháo gỡ, đôn đốc triển khai dự án.
Theo ý kiến của doanh nghiệp đang thi công dự án du lịch tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, du lịch được tỉnh Ninh Thuận xác định là ngành kinh tế mũi nhọn đến năm 2025, các doanh nghiệp thấy được tiềm năng, lợi thế của địa phương về phát triển ngành công nghiệp không khói này, đặc biệt sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh trong đẩy mạnh phát triển ngành Du lịch.
Tuy nhiên bối cảnh chung đã tác động không nhỏ đến yếu tố đầu tư, doanh nghiệp rất khó khăn.
Đến với Ninh Thuận đầu tư được nhận nhiều ưu đãi, song theo lý giải của các doanh nghiệp, nguyên nhân chậm tiến độ đối với các dự án đang triển khai thi công là nguồn vốn đầu tư.
Dù doanh nghiệp cố gắng tạo nguồn từ vốn vay ở các ngân hàng nhưng việc tiếp cận khó hơn trước do vấn đề siết chặt vốn vay tín dụng. Dự án bắt đầu có quyết định chủ trương đầu tư lại vướng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, nhất là giá đất đối với dự án không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất.
Từ đó dẫn đến thủ tục giải quyết vòng lòng, làm dự án khó thi công đúng như tiến độ cam kết.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, đến nay, tại tỉnh có 55 dự án du lịch được cấp Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (còn hiệu lực), với vốn đăng ký trên 50.600 tỷ đồng.
Trong số đó có 27 dự án đã đưa vào hoạt động với vốn đăng ký trên 4.000 tỷ đồng, 18 dự án đang thi công với vốn đăng ký gần 40.000 tỷ đồng và 10 dự án đang hoàn tất thủ tục pháp lý thi công với tổng vốn đăng ký 6.669 tỷ đồng./.