Nỗ lực 'về đích' xã nông thôn mới

Hiện tại, Hà Nội đã có 355/382 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới (trong đó có 2 xã đã hoàn thành các tiêu chí, đang chờ thành phố công nhận), chỉ còn 27 xã chưa hoàn thành. Các xã chưa 'về đích' đều có đặc thù riêng, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn… đòi hỏi phải nỗ lực và quyết tâm rất cao.

Đồng bào người Dao tại xã Ba Vì (huyện Ba Vì) sản xuất thuốc Nam. Ảnh: Viết Thành

Nhiều tiêu chí khó

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Đến hết năm 2019, toàn thành phố có 356/386 xã (chiếm 92,2%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Do sáp nhập địa giới hành chính một số xã và xã Thạch Hòa (huyện Thạch Thất) không xây dựng nông thôn mới (vì nằm trong quy hoạch đô thị Hòa Lạc) nên đến nay, Hà Nội có 353/382 xã (chiếm 92,4%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Trong số 29 xã chưa được công nhận đạt chuẩn, quý I-2020, thành phố đã thẩm định 2 xã đủ điều kiện, đang trình Chủ tịch UBND thành phố ra quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nên chỉ còn 27 xã chưa hoàn thành...

Thành phố đặt mục tiêu phấn đấu năm 2020 có 20 xã đạt chuẩn và đến năm 2021 sẽ hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở các xã còn lại. Tuy nhiên, theo đánh giá của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, mặc dù số xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới còn lại không nhiều (Ba Vì còn 12 xã; Mỹ Đức 7 xã; Ứng Hòa 4 xã, Chương Mỹ 2 xã, Mê Linh 2 xã) nhưng đây đều là những địa phương có nhiều khó khăn. Ví như, các xã của huyện Chương Mỹ, Ứng Hòa chủ yếu là thuần nông, thu nhập bình quân của người dân còn thấp; cơ sở hạ tầng còn thiếu… Các xã thuộc khu vực dân tộc, miền núi của huyện Ba Vì như: Ba Vì, Minh Quang, Khánh Thượng... hay An Phú (huyện Mỹ Đức), khó khăn càng nhiều hơn.

Khảo sát thực tế ở xã Vạn Kim (huyện Mỹ Đức) - xã chưa hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới, có thể thấy rõ những khó khăn đang đặt ra. Là địa phương đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2020 nhưng hiện tại xã mới có 12/19 tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới. Chủ tịch UBND xã Vạn Kim Nguyễn Văn Dũng cho biết: “Khó nhất là vốn đầu tư xây dựng công trình hạ tầng. Xã mới có 2/3 trường học đạt chuẩn; 2 thôn có nhà văn hóa nhưng đã cũ, diện tích nhỏ...”.

Xã Ba Vì (huyện Ba Vì) thuộc khu vực miền núi, dân số chiếm phần lớn là đồng bào dân tộc Dao, cơ sở hạ tầng cũng như đời sống của người dân vô cùng khó khăn. Chủ tịch UBND xã Ba Vì Dương Trung Liên cho biết, thu nhập bình quân mới đạt 25,4 triệu đồng/người/năm - chỉ bằng 1/2 so với bình quân thu nhập ở các khu vực nông thôn của Hà Nội; đến nay xã cũng mới có 12/19 tiêu chí đạt và cơ bản đạt... Vì thế, mục tiêu hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2021 của xã gặp nhiều khó khăn.

Tập trung tháo gỡ

Để giải quyết vấn đề nguồn vốn đầu tư trong xây dựng nông thôn mới, theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Văn Đức, trên cơ sở rà soát các tiêu chí còn thiếu, sắp xếp các hạng mục ưu tiên đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND thành phố bố trí đủ vốn cho địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng. Đồng thời, kết hợp huy động ngân sách địa phương và nguồn vốn xã hội hóa để các xã có đủ vốn xây dựng nông thôn mới.

Cùng với sự hỗ trợ của thành phố, nhiều địa phương đã vào cuộc tích cực, tập trung tháo gỡ khó khăn. Huyện Mê Linh còn 2 xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới là Tự Lập và Tam Đồng. Đến nay, huyện đã bố trí 80 tỷ đồng để hai xã này hoàn thành tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, giao thông, trường học... Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Bùi Xuân Quang, hiện tại Tự Lập và Tam Đồng đang hoàn tất thủ tục trình UBND thành phố thẩm tra, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Xã Ba Vì (huyện Ba Vì) cũng tích cực hướng dẫn nhân dân chuyển hướng phát triển kinh tế để hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Chủ tịch UBND xã Ba Vì Dương Trung Liên cho biết: Xã đã và đang vận động người dân trồng cây thuốc nam để nâng cao thu nhập. Ngoài thôn Yên Sơn, xã sẽ nhân rộng nghề thuốc nam ra các thôn Hợp Sơn và Hợp Nhất. Mong muốn của chính quyền và người dân nơi đây là được huyện và thành phố hỗ trợ về giống cây, kỹ thuật trồng, bào chế thuốc... để nghề thuốc nam phát triển một cách bài bản.

Còn theo Chủ tịch UBND xã Vạn Kim Nguyễn Văn Dũng, Vạn Kim rất cần huyện và thành phố hỗ trợ về nguồn vốn để khởi công các dự án đã được duyệt nhằm kịp tiến độ đánh giá, chấm điểm nông thôn mới vào cuối năm nay.

Ở thời điểm này, một số xã trên địa bàn Hà Nội còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên với những giải pháp tích cực, đồng bộ của thành phố và các địa phương, việc xây dựng nông thôn mới đang có những chuyển động tích cực. Điều này giúp Hà Nội tiến gần hơn mục tiêu hoàn thành xây dựng xã nông thôn mới trong năm 2021 để chuyển sang chặng đường tiếp theo, xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Nguyễn Mai

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/969869/no-luc-ve-dich-xa-nong-thon-moi