Nơi khai sinh trò 'Bách nghệ trình làng'

PTĐT - 'Bách nghệ trình làng' hay 'Bách gia chi nghiệp' là một tích trò cổ xưa có nguồn gốc từ thời Hùng Vương dựng nước. Trải qua thăng trầm của lịch sử, trò 'Bách nghệ trình làng' tưởng chừng như đã bị mai một. Sau bao nỗ lực phục dựng, 'Bách nghệ trình làng' một lần nữa được hồi sinh ngay trên chính mảnh đất đã sinh ra.

Phân cảnh thầy đồ cùng tiểu đồng...

Phân cảnh thầy đồ cùng tiểu đồng...

PTĐT - “Bách nghệ trình làng” hay “Bách gia chi nghiệp” là một tích trò cổ xưa có nguồn gốc từ thời Hùng Vương dựng nước. Trải qua thăng trầm của lịch sử, trò “Bách nghệ trình làng” tưởng chừng như đã bị mai một. Sau bao nỗ lực phục dựng, “Bách nghệ trình làng” một lần nữa được hồi sinh ngay trên chính mảnh đất đã sinh ra.Xã Dị Nậu, huyện Tam Nông là một trong những làng Việt cổ có niên đại hàng nghìn năm. Đây cũng là vùng đất có nhiều di sản văn hóa dân gian đặc sắc. Sánh bước cùng với những công trình lịch sử có tuổi đời nhiều thế kỷ, trò “Bách nghệ trình làng” đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của cộng đồng làng xã nơi đây.

Phân cảnh thợ cắt tóc...

Phân cảnh thợ cắt tóc...

Về xã Dị Nậu vào những ngày cận Tết Nguyên đán, chúng tôi được xem các diễn viên quần chúng tập dượt trò “Bách nghệ trình làng” đễ diễn xướng trong lễ hội đền Quốc tế kéo dài từ mùng 4 đến mùng 6 tháng Giêng. Những nghệ nhân chủ yếu đều đã ngoài 40 tuổi, hăng hái tập luyện. Tích trò bao gồm nhiều nhân vật, trong đó không thể thiếu vai hề trò, chủ trò, người đi bừa, người thợ cấy, ông lão đánh cá, thợ cắt sơn, thợ mộc, thợ cắt tóc, thầy đồ, sĩ tử và tiểu đồng. Xem nghệ nhân diễn tấu trên dân khấu, người xem như được sống lại trong không gian văn hóa làng xã xưa kia.

Phân cảnh thợ cắt sơn...

Phân cảnh thợ cắt sơn...

Chỉ cần nghe tiếng hề trò dõng dạc hô to: “Loa loa loa loa/ Kính mời tất cả già trẻ gái trai/ Chòm Chua, Chòm Hạ, Chòm Đông/ Chòm trên, Chòm trưởng lại thông Chòm vồi/ Chòm Trò, Chòm Vắp bồi hồi/ Chòm Nam, Chòm Dộc đứng ngồi không yên/ Bốn giáp chung một nỗi niềm/ Nhanh chân để đến sân đình làng ta/ Trình nghề tích cổ ông cha/ Loa loa loa loa... là dân làng nô nức trẩy hội. Lối kể chuyện bằng thơ súc tích, gợi hình, giàu cảm xúc đã lay động trái tim người nghe, gợi ra nhiều câu chuyện cười mà cũng giàu ý nghĩa răn đời. Cô thợ cấy đầu chít khăn mỏ quạ, mặc áo tứ thân, gánh đôi quang gánh đựng đầy mạ chiêm nhún nhẩy hát: “ Thấp thoáng là bóng cây si/ Tháng công ngày việc anh đi tìm nàng/ Khen ai khéo gẩy cung đàn/ Vợ chồng trọn đạo ngày càng thắm duyên”.Là người đầu tiên có công sưu tầm, ghi chép và phục dựng lại tích trò “Bách nghệ trình làng”, nhà giáo Tạ Đình Hạp không khỏi vui mừng khi tích trò “Bách nghệ trình làng” được trình diễn trước công chúng sau nhiều chục năm bị lãng quên. Thực hiện chủ trương của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc lựa chọn một làng Việt cổ để phục dựng lễ hội truyền thống có giá trị, nhằm lưu trữ vào hệ thống dữ liệu của Trung tâm dữ liệu Di sản văn hóa, làng Dị Nậu, huyện Tam Nông đã được tỉnh Phú Thọ lựa chọn để phục dựng lễ hội truyền thống. Ông Hạp đã tìm gặp các cao niên trong làng để ghi lại từng câu thoại, từng nội dung của tích trò. Ông chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất là các bậc cao niên đều đã tuổi cao, trí nhớ kém nên nội dung có đoạn bị đứt gãy. Nhưng sau bao nhiêu nỗ lực cố gắng, vào Tết Bính thân năm 2016, tích trò đã được hồi sinh trong sự xúc động của dân làng Dị Nậu”

Phân cảnh thợ cấy lúa trong tích trò “Bách nghệ trình làng”

Phân cảnh thợ cấy lúa trong tích trò “Bách nghệ trình làng”

Để thực hiện tốt chương trình này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo tổ chức phục dựng lễ hội. Thông qua lễ hội, các giá trị văn hóa tốt đẹp mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc được phát huy, các yếu tố văn hóa mới tiến bộ được lồng ghép nhằm tăng cường giao lưu quảng bá, giới thiệu, phù hợp với nhu cầu hưởng thụ văn hóa của đồng bào các dân tộc. Hoạt động này cũng góp phần thúc đẩy phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, loại bỏ yếu tố lạc hậu, hủ tục không phù hợp trong đời sống cộng đồng.

Thùy Trang

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/dat-nguoi-phu-tho/202102/noi-khai-sinh-tro-bach-nghe-trinh-lang-175354