Nơi khởi đầu mùa xuân

Không có đôi mắt sáng, người khiếm thị dễ rơi vào bóng tối của sự mặc cảm, tự ti và khó vượt qua đói nghèo. Nhờ nỗ lực bản thân cùng sự tiếp sức của Hội Người mù tỉnh, nên có nhiều người khiếm thị đã tìm thấy điểm khởi đầu, mang mùa xuân đến với chính cuộc đời mình.

Vợ chồng anh Công Khoa luôn tin tưởng vào ngày mai tươi sáng - Ảnh: NVCC

Vợ chồng anh Công Khoa luôn tin tưởng vào ngày mai tươi sáng - Ảnh: NVCC

Thoát nghèo về tư duy

Tết này, tết đầu tiên anh Hoàng Công Khoa và chị Trần Thị Quỳnh Ly cùng đón giờ phút giao thừa chung một mái nhà. Tháng 4/2023, chuyện tình đẹp kéo dài 3 năm của anh chị khép lại bằng một đám cưới viên mãn. Dẫu biết khó khăn vẫn đang chờ phía trước nhưng anh Khoa và chị Ly vẫn tin tưởng vào ngày mai. Trước kia, cuộc đời cả hai anh chị đều mang nhiều nỗi buồn. Một người không có, còn một người đã mất đi đôi mắt sáng. Để đi đến hôm nay, họ đã trải qua một hành trình dài với nhiều nỗ lực.

Từ trước khi lập gia đình đến lúc về sống chung một mái nhà, Công Khoa và Quỳnh Ly đều hiếm khi trông chờ, ỷ lại vào người khác. Cả hai cũng không mong được xếp vào diện hộ nghèo để được hưởng chế độ, chính sách.

Nói về điều này, Công Khoa chia sẻ: “Đều không thấy ánh sáng, cuộc sống của vợ chồng em gặp khá nhiều khó khăn. Thế nhưng, chúng em tin mình sẽ vượt qua bằng chính sức mạnh, sự nỗ lực của bản thân. Vợ chồng em không muốn mình “nghèo” từ trong suy nghĩ. Hiện tại, hai chúng em đã mở một cơ sở xoa bóp, bấm huyệt nằm trên đường Lê Lợi, TP. Đông Hà để tạo việc làm cho cả hai vợ chồng”.

Cũng giống như vợ chồng anh Công Khoa, anh Trương Khắc Vinh, hội viên Hội Người mù tỉnh từ lâu đã thoát nghèo trong suy nghĩ, nhận thức. Bản thân là người khiếm thị, vợ chưa có việc làm ổn định nhưng anh Vinh luôn nghĩ về những điều tích cực. Anh tin, hai vợ chồng sẽ vượt qua mọi khó khăn bằng sự chịu khó học tập, trau dồi và tình yêu lao động.

Niềm tin ấy sớm mang về niềm vui. Sau nhiều nỗ lực, hiện tại, anh Vinh đang là chủ cơ sở xoa bóp bấm huyệt người mù mang tên “Nhân ái” ở Phường 2, TP. Đông Hà. Ngày ngày, anh đang tạo việc làm ổn định cho 4 người khiếm thị với mức thu nhập ổn định.

“Trước đây, một số người hỏi tôi tại sao không xin vào diện hộ nghèo để được hưởng chế độ, chính sách? Thay vì chạy theo điều đó, vợ chồng tôi quyết tâm vươn lên bằng chính sức mình. Chúng tôi hạnh phúc khi có cơ hội tiếp sức cho những người đồng cảnh vượt khó, thắng nghèo”, anh Vinh chia sẻ.

Hội viên Hội Người mù tỉnh sản xuất tăm tre - Ảnh: T.L

Hội viên Hội Người mù tỉnh sản xuất tăm tre - Ảnh: T.L

Câu chuyện của anh Trương Khắc Vinh và vợ chồng anh Hoàng Công Khoa chỉ là hai trong số rất nhiều minh chứng sinh động trong sự thay đổi tư duy của người khiếm thị trên địa bàn tỉnh. So với mặt bằng chung, người khiếm thị là đối tượng yếu thế nhất trong những người yếu thế. Thiếu đôi mắt sáng, việc vươn lên bằng bàn tay, khối óc cũng trở nên gian nan hơn đối với họ.

Vì vậy, các gia đình có người lao động chính bị khiếm thị thường được tạo điều kiện xếp vào diện hộ nghèo, cận nghèo. Thế nhưng, việc trở thành hộ nghèo không phải là mục tiêu mà mọi người khiếm thị hướng tới. Ngày có càng nhiều gia đình cán bộ, hội viên Hội Người mù tỉnh nhường cơ hội được tiếp sức lại cho những hoàn cảnh khác. Phần lớn các trường hợp này đều là các hội viên trẻ tuổi. Họ có trình độ, học vấn; được đào tạo nghề, dạy chữ Brai, vi tính; tích cực tham gia các hoạt động, phong trào...

Tiếp sức để nhân lên niềm vui

Chuyện trò về ý thức thoát nghèo của hội viên, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Nguyễn Tăng Mùi vui mừng cho biết, hiện nay, toàn hội có 2.582 hội viên, đang sinh hoạt tại 115 hội, chi hội. Trước kia, số cán bộ, hội viên khiếm thị thuộc diện hộ nghèo trên địa bàn khá đông. Tuy nhiên, những năm gần đây, con số ấy giảm xuống đáng kể. Tỉ lệ hộ nghèo trong toàn hội viên Hội Người mù tỉnh hiện chỉ còn khoảng 16,1%.

Theo ông Nguyễn Tăng Mùi, tín hiệu đáng mừng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, quan trọng là tinh thần không cam phận nghèo của hội viên đã và đang phát triển mạnh mẽ. Nhiều người nhường cơ hội được xét vào diện hộ nghèo cho các hoàn cảnh khác. Bên cạnh đó, không ít người tình nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo, cận nghèo.

“Chúng tôi biết, trong số các hội viên này, cuộc sống của một số người còn khó khăn. Thế nhưng, họ vẫn quyết tâm tự vươn lên. Điều đó cho thấy ý thức, trách nhiệm và quyết tâm của người khiếm thị là rất cao”, ông Mùi khẳng định.

Hội Người mù tỉnh tổ chức hội thi xoa bóp, bấm huyệt để giúp người khiếm thị nâng cao tay nghề - Ảnh: T.L

Hội Người mù tỉnh tổ chức hội thi xoa bóp, bấm huyệt để giúp người khiếm thị nâng cao tay nghề - Ảnh: T.L

Tuy nhiên, những tín hiệu đáng mừng ấy không làm cán bộ Hội Người mù tỉnh tự hài lòng. Để tiếp thêm sức mạnh cho hội viên, thời gian qua, hội đã triển khai nhiều hoạt động hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững như dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vay vốn...

Trung bình mỗi năm, Hội Người mù tỉnh tổ chức 5 lớp dạy nghề xoa bóp, tin học, làm hương, chổi đót... cho hàng trăm người mù. Sau đào tạo nghề, 90% hội viên, người mù có việc làm ổn định. Để giải quyết khó khăn về nguồn vốn cho người khiếm thị, Hội Người mù tỉnh đã tìm kiếm sự phối hợp với cơ quan, đơn vị trung ương và địa phương.

Vừa qua, hội triển khai 72 dự án vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm với tổng số vốn luân chuyển là hơn 2,7 tỉ đồng nhằm giúp hội viên phát triển kinh tế. Không dừng lại ở đó, Hội Người mù tỉnh còn thường xuyên mở các lớp dạy chữ Brai, vi tính... và tạo điều kiện thuận lợi để hội viên nâng cao trình độ, nhận thức cũng như đời sống tinh thần.

Những nỗ lực ấy đã sớm mang lại kết quả. Trong 5 năm qua, có 174 hội viên Hội Người mù tỉnh đã thoát khỏi diện hộ nghèo. Không còn phải lo miếng cơm, manh áo, đời sống tinh thần của nhiều hội viên đã được nâng lên. Một số người mở các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tạo việc làm cho nhiều lao động. Câu chuyện về sự vươn lên của họ đã trở thành nguồn cảm hứng, tấm gương cho những người khiếm thị khác noi theo.

Cuộc chuyện trò giữa chúng tôi với Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Nguyễn Tăng Mùi và các hội viên tiêu biểu diễn ra vào một ngày giá rét cuối năm. Bầu không khí dường như trở nên ấm áp hơn khi chúng tôi được nghe câu chuyện về những con người không cam phận nghèo, quyết tâm vươn lên bằng nội lực...

Ông Mùi trải lòng: “Qua những ngày rét mướt, chúng ta sẽ đón mùa xuân yên vui và hạnh phúc. Đối với người khiếm thị, mùa xuân cuộc đời đến khi họ hình thành, nêu cao ý thức vươn lên từ nội lực, quyết tâm thoát nghèo. Hội Người mù tỉnh đã, đang và sẽ mãi là người bạn đồng hành với người khiếm thị, giúp họ vượt khó, thắng nghèo”.

Quang Hiệp

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/noi-khoi-dau-mua-xuan/183346.htm