Nối mạch cảm xúc về cảnh Việt trong văn chương

Hình hài và câu chuyện về những vùng đất trên khắp đất nước dù gần gũi hay xa xôi, từng hay chưa đặt chân đến đều trở nên gắn bó, quen thân bởi những câu thơ, áng văn đầy sinh động. Từ đấy, hội họa nối mạch cảm xúc về cảnh Việt, đưa đến hiệu ứng thị giác phong phú cho người đọc.

Phóng chiếu cảm xúc

Như thấy mình ngồi trên tảng đá rêu, dưới bóng râm Côn Sơn khi ngâm ngợi vần thơ Nguyễn Trãi, trầm trồ trước vẻ đẹp của miền đất Tây Tiến nhờ những câu thơ của Quang Dũng, ghi nhớ dáng hình của sông Đà qua ngòi bút Nguyễn Tuân... dẫu chưa một lần đặt chân tới. Hình hài và câu chuyện về những vùng đất trên khắp Việt Nam dù gần gũi hay xa xôi đều trở nên gắn bó, quen thân bởi những câu thơ, áng văn như thế… Văn học đã đưa chúng ta đi xa hơn những gì mình thấy hàng ngày. Và rồi, hội họa tiếp tục hành trình đó, cho người đọc cách nhìn và cảm nhận khác về những miền đất.

Tranh minh họa tác phẩm "Lặng lẽ Sa Pa" của họa sĩ Trương Văn Ngọc

Tranh minh họa tác phẩm "Lặng lẽ Sa Pa" của họa sĩ Trương Văn Ngọc

Giá trị vô hình ấy đã thôi thúc nhóm biên soạn của NXB Kim Đồng thực hiện cuốn sách Những miền lưu dấu - Cảnh Việt trong văn chương. Bắt đầu từ đoạn trích trong sách giáo khoa phổ thông đã quen thuộc với nhiều thế hệ, nhóm biên soạn đưa vào sách những vần thơ, áng văn viết về các nơi chốn khác. Sự song hành thơ văn và hội họa góp phần nhân lên cảm xúc trong các tác phẩm.

Biên tập viên Hoàng Kiều Nga, NXB Kim Đồng chia sẻ: “bạn của tôi là giáo viên cấp hai, khi anh tổ chức giảng dạy về tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa (Nguyễn Thành Long), anh yêu cầu mỗi học sinh vẽ bức tranh khung cảnh Sa Pa trước khi giờ học diễn ra. Kết quả là giờ học ấy hay hơn, sinh động hơn rất nhiều, vì mọi người không chỉ cảm nhận khung cảnh, câu chuyện thông qua lời văn mà còn được tiếp nhận thông qua phương thức nghệ thuật khác là tranh vẽ. Ý tưởng của tác phẩm cũng vậy, giống như đưa ra góc nhìn mới để chúng ta cùng cảm nhận cảnh đẹp của đất nước thông qua ngôn từ và tranh vẽ”.

TS. Ngữ văn Nguyễn Thị Ngọc Minh cho rằng khi kết hợp với tranh, việc đọc sẽ rất khác; quá trình đó xuất hiện 3 sự tham chiếu: ngôn từ của văn bản, tranh vẽ của họa sĩ và tưởng tượng của người đọc. Ba “tác phẩm” đặt cạnh nhau, lúc đó cảm hứng nghệ thuật bắt đầu phát triển, giác quan thẩm mỹ theo đó mà nhân lên.

“Thưởng thức tác phẩm hội họa song song việc đọc tác phẩm văn học thậm chí còn cần thiết. Hiện nay là thời đại của văn hóa nghe nhìn, chúng ta cảm nhận thế giới trước hết qua thị giác. Chúng ta phải đào luyện cho đôi mắt khả năng phân biệt cái đẹp và cái xấu, đào luyện khoái cảm thẩm mỹ, khả năng rung cảm trước cái đẹp. Thưởng thức một tác phẩm văn học bên cạnh bức tranh giúp mài sắc giác quan thẩm mỹ đó, làm cho đôi mắt tinh tường hơn, giúp chúng ta tinh tế, biết nhận ra cái đẹp, yêu cái đẹp. Đó là điều kiện của hạnh phúc, điều kiện làm nên tâm hồn phong phú”, TS. Nguyễn Thị Ngọc Minh nói.

Tiếng nói khác của tự nhiên

Theo họa sĩ Trương Văn Ngọc, minh họa cho một tác phẩm văn chương, họa sĩ không thể truyền tải đến người đọc hình ảnh một cách tuyệt đối theo ngôn từ. Chẳng hạn, cùng là Sa Pa, có người thích núi, có người thích suối, người khác lại liên tưởng về Sa Pa theo cách khác, họa sĩ chỉ có thể vẽ dựa trên cảm xúc độc lập từ những điều văn chương gợi nên. “Khi vẽ minh họa, tôi cộng hưởng ngôn từ trong tác phẩm văn học để người đọc cảm nhận rõ nhất về hình ảnh đó, đồng thời cố gắng tìm hiểu tâm lý của đối tượng đọc. Không quá xa rời tác phẩm văn chương, nhưng cũng không quá bám sát nội dung khiến hình ảnh bị khô cứng”.

Nối ý về cảnh Việt trong văn chương, nhà văn Nguyễn Trương Quý đặt vấn đề, lâu nay văn học trong nhà trường thường nhấn mạnh yếu tố khai phá, chinh phục thiên nhiên, áp đặt nền văn minh công nghiệp, hiện đại hóa lên khung cảnh. Một mặt điều này kích thích tinh thần lao động, kiến thiết đất nước, đồng thời làm cho phong cảnh ấy mang khía cạnh phản diện. “Gần đây, một số nơi trên thế giới xuất hiện trào lưu xét lại các ngữ liệu văn học, ngữ liệu giảng dạy, loại bỏ một số tác phẩm không còn phù hợp ra khỏi nhà trường. May mắn dữ liệu về phong cảnh có vẻ ôn hòa hơn, nhưng điều đó cũng đặt ra câu hỏi liệu rằng việc nhìn nhận lại các khái niệm quá khứ có diễn ra với ngữ liệu phong cảnh?”, nhà văn Nguyễn Trương Quý băn khoăn.

Theo TS. Nguyễn Thị Ngọc Minh, một thời trong văn học chiến tranh cách mạng có cách miêu tả thiên nhiên như đối tượng bị chinh phục hoặc là phương tiện bảo vệ, che trở con người. Đơn cử, trong Người lái đò sông Đà, sông Đà được miêu tả như quỷ quái, thạch trận để tôn lên vẻ dũng mãnh của con người. “Bây giờ người ta đang có cách nhìn khác là khôi phục tiếng nói, quyền lực của tự nhiên, nhìn thấy tự nhiên có sức sống mãnh liệt của nó chứ không phải nằm trong tay con người, bị con người chinh phục hay trấn át. Trong văn chương đang cất lên tiếng nói như thế - tiếng nói khác của tự nhiên, và trong văn học nhà trường, tranh minh họa giống như một đường dẫn để khơi gợi điều đó”.

Hải Đường

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/noi-mach-cam-xuc-ve-canh-viet-trong-van-chuong-i324922/