Nông dân Gio Quang chung tay xây dựng quê hương

Xác định nông dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, thời gian qua, Hội Nông dân xã Gio Quang, huyện Gio Linh đã phát huy vai trò cầu nối, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, thực hiện hiệu quả các phần việc trong phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao ở địa phương.

Công trình trồng 400 cây cau lùn tại tuyến đường kiểu mẫu thôn Quang Thượng, xã Gio Quang, huyện Gio Linh -Ảnh: T.T

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân xã Gio Quang đã xây dựng kế hoạch với những nội dung thực hiện cụ thể gắn với các phong trào thi đua của tổ chức hội và triển khai rộng rãi trong hội viên, nông dân.

Bà Hoàng Thị Nga, Chủ tịch Hội Nông dân xã Gio Quang cho biết, một trong những điểm nổi bật của Hội Nông dân xã là việc tham gia có hiệu quả tiêu chí về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn. Hội đã vận động hội viên đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Chỉ tính riêng năm 2022, toàn xã có 148 hộ sản xuất giỏi các cấp, trong đó có 2 hộ sản xuất giỏi cấp trung ương, 4 hộ sản xuất giỏi cấp tỉnh.

Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn như hộ anh Trần Văn Kinh ở Chi hội Quang Hạ đã thành lập tổ hợp tác khai thác vật liệu xây dựng, đầu tư mua sắm máy móc, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Hộ anh Nguyễn Văn Minh ở Quang Thượng chuyên trồng lúa, xay xát, có máy gặt đập liên hợp, mua sắm phương tiện vận tải để chuyên chở hàng hóa. Trong phát triển kinh tế trang trại tiêu biểu có hộ anh Nguyễn Đình Dũng ở Trúc Lâm; Trần Đăng Tài, Đỗ Tân Tuân ở Quang Hạ.

Trên lĩnh vực chế biến nông sản, mua sắm trang thiết bị cưa xẻ gỗ có anh Phan Hữu Kiên ở Tân Kỳ; lĩnh vực vận tải có anh Hoàng Đình Sinh. Mô hình kinh doanh phân bón, dịch vụ nông nghiệp của anh Hoàng Đình Hùng cho thu nhập hằng năm hàng trăm triệu đồng. Đến nay, toàn xã đã có 39 trang trại, gia trại, chủ yếu là chăn nuôi lợn có quy mô lớn, trong đó có 8 trang trại kết hợp như lợn - cá, cá - lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao, 2 trang trại đạt tiêu chí mới.

Các trang trại, gia trại đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 120 lao động. Nhiều mô hình sản xuất mới phát triển mang lại hiệu quả cao như mô hình trồng nấm ở Tân Kỳ; mô hình cánh đồng 20 ha lúa sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng, ứng phó với biến đổi khí hậu tại Hợp tác xã Quang Thượng; mô hình chưng cất dầu tràm. Đến cuối năm 2022, thu nhập bình quân của xã đã đạt trên 51 triệu đồng/người.

Phát huy vai trò cầu nối, Hội Nông dân xã đã phối hợp tốt với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT và Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc hỗ trợ vốn vay cho nông dân và hội viên với tổng số vốn hơn 24,2 tỉ đồng. Phối hợp với các hợp tác xã chỉ đạo nhân rộng mô hình lúa hữu cơ từ 10 ha lên hơn 45 ha. phối hợp với Hội Phụ nữ xã thành lập tổ hợp tác sản xuất và chế biến tinh dầu tràm gồm 7 thành viên. Hỗ trợ xây dựng, quảng bá thương hiệu gạo sạch Gio Quang để nâng cao giá trị hạt gạo, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Hỗ trợ 10 hội viên vay 500 triệu đồng qua Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh để thực hiện mô hình lúa hữu cơ và triển khai thực hiện dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam” với diện tích 10 ha. Dự án được triển khai qua 3 vụ với 3 kỹ thuật: tưới ướt khô xen kẽ, bón phân hợp lý, sử dụng rơm rạ đúng cách... Qua đó đã làm thay đổi nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân, góp phần chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp nhằm nâng cao thu nhập cho hội viên, nông dân.

Tham gia tiêu chí giao thông, Hội Nông dân xã đã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam xã và các đoàn thể tuyên truyền vận động Nhân dân hiến gần 3.600 m2 đất tại các trục đường chính của thôn Tân Kỳ, Trúc Lâm, Quang Thượng; phá bỏ hơn 670 cây các loại như mưng, tre, tràm…, huy động 280 ngày công để giải tỏa hành lang các tuyến đường.

Đặc biệt, có 9 hộ hội viên nông dân đã tự nguyện hiến hàng rào kiên cố, cổng nhà trị giá hàng trăm triệu đồng của gia đình mình để mở rộng hành lang tuyến đường. Qua đó, đã mở rộng được 4 tuyến đường trung tâm của 4 thôn rộng 7 m với tổng chiều dài 6 km. Trồng 400 cây cau lùn tại tuyến đường kiểu mẫu thôn Quang Thượng, trị giá 40 triệu đồng. Chỉ đạo Chi hội Trúc Lâm xây dựng công trình đường điện năng lượng mặt trời với kinh phí 47 triệu đồng.

Về tiêu chí môi trường, Hội Nông dân xã đã phối hợp với các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn xây dựng công trình “Bể thu gom rác thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng”. Đã tiến hành lắp đặt 78 bể chứa rác thải thuốc bảo vệ thực vật và 5 cụm pa nô tuyên truyền nông dân chung tay bảo vệ môi trường tại 5/5 hợp tác xã nông nghiệp với kinh phí 120 triệu đồng.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của đội thu gom rác thải sinh hoạt cho gần 720 hộ toàn xã, đạt 95,6% và 12 doanh nghiệp, đơn vị đóng trên địa bàn tham gia mô hình. Rác thải sinh hoạt được đội thu gom đến tận hộ gia đình, chuyển lên xử lý tại địa điểm chung của huyện, đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường.

Cụ thể hóa các phong trào thi đua bằng nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, các cấp Hội Nông dân xã Gio Quang đang phát huy tốt vai trò nông dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới; từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các hội viên, góp phần tích cực thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Trần Thúy

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/nong-dan-gio-quang-chung-tay-xay-dung-que-huong/176003.htm