Nông dân khẩn trương thu hoạch nông sản 'chạy bão'

Trước diễn biến phức tạp của bão số 3 (Wipha), nông dân tại nhiều địa phương trong tỉnh đồng loạt ra đồng thu hoạch rau màu, cây ăn quả trong tâm thế khẩn trương, chạy đua với thời gian để hạn chế tối đa thiệt hại do mưa bão gây ra.

Nhiều diện tích cây leo giàn như mướp, đậu, đỗ, bí bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau trận mưa lớn kèm theo gió lốc vào chiều tối 19/7.

Nhiều diện tích cây leo giàn như mướp, đậu, đỗ, bí bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau trận mưa lớn kèm theo gió lốc vào chiều tối 19/7.

Chiều tối ngày 19/7, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã hứng chịu một trận mưa lớn kèm theo gió lốc, khiến không ít diện tích rau màu, đặc biệt là các loại cây leo giàn như mướp, đậu, đỗ, bí bị ảnh hưởng nghiêm trọng, từ gãy thân, rụng quả đến sập giàn. Trước dự báo bão số 3 tiếp tục gây mưa lớn trên diện rộng, người dân địa phương đã nhanh chóng chuyển sang trạng thái ứng phó khẩn cấp.

Tại xã Hoàn Long, một trong những vựa rau lớn của tỉnh, ngay từ tờ mờ sáng ngày 20/7, bà con đã tranh thủ từng giờ ra đồng thu hoạch nông sản với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Ông Lê Quang Đóa, thôn Mễ Hạ, xã Hoàn Long chia sẻ: Gia đình tôi trồng 6 sào rau theo kiểu gối vụ, nếu để thêm vài ngày nữa sẽ đạt trọng lượng tối ưu nhưng sợ gặp mưa bão sẽ mất trắng. Tôi thuê thêm người làm, gọi luôn thương lái vào tận ruộng mua để kịp thu gom.

Không chỉ rau ăn lá, nhiều hộ dân cũng đang khẩn trương thu hoạch sớm các loại rau củ quả như cà, bí, mướp… bởi nếu chờ thêm vài ngày để quả đạt kích cỡ tối ưu mà gặp mưa lớn, gió mạnh thì rất dễ dập nát, thối hỏng, thiệt hại sẽ nặng hơn.

Nông dân thôn Đào Đặng, phường Phố Hiến khẩn trương thu hoạch nông sản.

Nông dân thôn Đào Đặng, phường Phố Hiến khẩn trương thu hoạch nông sản.

Tại phường Phố Hiến, gia đình ông Vũ Đình Luận, thôn Đào Đặng, đang gấp rút thu hoạch 1,5 mẫu bí xanh. Rút kinh nghiệm từ thiệt hại nặng do bão Yagi năm 2024, khi bí đổ giàn, quả bị ngấm nước mưa lâu ngày dẫn đến thối hỏng, năm nay ông Luận chủ động ứng phó từ sớm. Ngay từ sáng 20/7, gia đình ông đã huy động toàn bộ nhân lực trong nhà, đồng thời thuê thêm 2 lao động thời vụ để khẩn trương thu gom nông sản. Ông Luận chia sẻ: Bí xanh gặp gió lớn rất dễ đổ giàn, lại thêm mưa kéo dài thì quả bị dập nát, hư hỏng nhanh. Thu sớm lúc trời còn ráo để giữ được sản lượng là lựa chọn tối ưu trong thời điểm này.

Nông dân xã Đức Hợp khẩn trương thu hoạch đậu, đỗ.

Nông dân xã Đức Hợp khẩn trương thu hoạch đậu, đỗ.

Không khí khẩn trương cũng bao trùm tại xã Văn Giang. Các thành viên của Hợp tác xã rau, củ, quả an toàn Văn Giang đã đồng loạt ra ruộng khơi thông rãnh thoát nước, thu hoạch rau và ổi trước nguy cơ bão tới gần. Theo ông Triệu Văn Sửu, thôn Phi Liệt, thành viên hợp tác xã: Ổi, cam mà gặp gió mạnh là rụng đầy gốc. Dù chưa đúng kỳ thu hoạch nhưng tôi vẫn phải thu sớm khoảng 2 tấn ổi trong hôm nay để hạn chế thiệt hại.

Nông dân xã Văn Giang tập trung thu hoạch ổi tránh bão.

Nông dân xã Văn Giang tập trung thu hoạch ổi tránh bão.

Tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hồng An, xã Lê Quý Đôn, nơi có tới 100 ha rau màu và 140 ha cây ăn quả như chuối, nhãn… bà con cũng đang tất bật thu hoạch những buồng chuối già quả, bởi đây là một trong những nông sản dễ tổn thất nặng nề nếu bị ngập úng hoặc đổ gãy. Bên cạnh đó, người dân cũng tích cực chằng chống cây trồng, gia cố giàn leo, nạo vét mương máng để tăng khả năng thoát nước, giảm nguy cơ ngập úng.

Theo ông Trần Tiến Phúc, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hồng An: Năm ngoái, bão số 3 Yagi đã khiến hợp tác xã thiệt hại nặng, nhiều diện tích chuối, rau màu hỏng hoàn toàn. Rút kinh nghiệm, năm nay chúng tôi huy động toàn bộ lực lượng ra đồng thu hoạch sớm, che chắn, gia cố cây trồng trước khi bão đổ bộ.

Những quả nhãn chín sớm được nông dân xã Tân Hưng thu hoạch để kịp đáp ứng nhu cầu đơn hàng, đồng thời hạn chế thiệt hại do mưa bão.

Những quả nhãn chín sớm được nông dân xã Tân Hưng thu hoạch để kịp đáp ứng nhu cầu đơn hàng, đồng thời hạn chế thiệt hại do mưa bão.

Tại Hợp tác xã cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng (xã Tân Hưng), bà con xã viên cũng đang tập trung thu hoạch những diện tích nhãn đã chín nhằm đáp ứng kịp các đơn hàng đã đặt từ trước, đồng thời tránh thiệt hại do mưa bão. Ông Trần Văn Pháp, thành viên Hợp tác xã cho biết, hiện nay nhiều lô nhãn đã đạt độ ngọt và mẫu mã đẹp, nếu để quá lâu gặp mưa lớn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng quả, giảm giá bán. Chúng tôi tổ chức thu hái sớm, ưu tiên những diện tích đã có thương lái đăng ký, vừa giữ uy tín, vừa tránh tình trạng nhãn bị úng nước, rụng quả do bão.

Theo dự báo từ Đài Khí tượng thủy văn Hưng Yên: Bão Wipha di chuyển nhanh, có khả năng gây mưa lớn kèm giông lốc, đặc biệt nguy cơ ngập úng ở vùng trũng thấp là rất cao. Do đó, sự chủ động, khẩn trương của bà con nông dân trong những ngày này không chỉ là hành động “chạy bão” mà còn là biểu hiện rõ nét của tinh thần thích ứng linh hoạt trước những biến động ngày càng cực đoan của thời tiết.

Hương Giang - Dương Miền

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/nong-dan-khan-truong-thu-hoach-nong-san-chay-bao-3182736.html