Nông dân Long An thêm 'vị ngọt' cho đất phèn

Quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hữu cơ, VietGAP đang mở đường cho nhiều nông dân trên địa bàn huyện Đức Huệ, tỉnh Long An thích ứng biến đổi khí hậu, vươn lên thoát nghèo, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Đức Huệ là huyện vùng biên phía Đông Bắc tỉnh Long An, chất đất chủ yếu là phù sa cổ xen lẫn các vật liệu sinh phèn, nên gây không ít khó khăn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Để “biến nguy thành cơ”, nông dân địa phương đã chủ động phát triển những mô hình mới.

Hiệu quả sản xuất sạch

Một trong những mô hình mới giúp nông dân Đức Huệ gặt hái nhiều thành công nhất những năm gần đây là mô hình trồng hoa thiên lý theo hướng hữu cơ.

Đến nay, mô hình trồng hoa thiên lý đang liên tục được nhân lên trên địa bàn huyện Đức Huệ, với diện tích hiện đạt trên 40ha, hầu hết đều được triển khai theo hướng hữu cơ, VietGAP, thu hút hàng trăm lao động sản xuất, tập trung chủ yếu ở các xã Bình Hòa Bắc và Mỹ Thạnh Đông.

Nhiều nông dân ở Đức Huệ đang thoát nghèo, làm giàu từ hoa thiên lý (Ảnh: BLA).

Nhiều nông dân ở Đức Huệ đang thoát nghèo, làm giàu từ hoa thiên lý (Ảnh: BLA).

Anh Phùng Tiến Đức, thành viên Tổ hợp tác nông nghiệp xã Bình Hòa Bắc, một trong những hộ đầu tiên trồng hoa thiên lý tại địa phương, chia sẻ nếu chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, hoa thiên lý cho thu hoạch sau 4 tháng trồng. Hiện, nhờ nhu cầu cao, đầu ra sản phẩm khá ổn định, giá bán đạt 60 – 70 nghìn đồng/kg.

“Nhờ nắm vững kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh hiệu quả, hơn 4.000 m2 hoa thiên lý của gia đình tôi luôn xanh mướt, cho thu hoạch quanh năm. So với cây lúa, thiên lý cho thu nhập gấp 5 lần, tức khoảng 200-300 triệu đồng/ha/năm”, anh Đức phấn khởi tiết lộ.

Không chỉ giúp các hộ sản xuất nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác, mô hình trồng hoa thiên lý còn tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động địa phương, với mức thu nhập 4 - 6 triệu đồng/tháng.

Chị Nguyễn Thị Mỹ, xã Mỹ Thạnh Đông, bộc bạch: “Từ ngày huyện phát triển trồng hoa thiên lý, nhiều phụ nữ nhàn rỗi ở địa phương có việc làm và thu nhập ổn định. Đặc biệt, với những phụ nữ lớn tuổi, không thể xin vào làm việc ở các doanh nghiệp, công việc thu hoạch hoa giúp họ có thêm tiền công, lại gần nhà để chăm sóc gia đình”.

Hàng loạt mô hình điểm

Mô hình trồng hoa thiên lý chỉ là một trong rất nhiều mô hình sản xuất cho giá trị kinh tế vượt trội ở Đức Huệ. Hiệu quả của quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đang cho ra đời hàng loạt mô hình “đuổi nghèo, làm giàu” như trồng rau má, dưa hấu, chanh, khoai từ, chuối, khóm, nuôi cá...

Điển hình, mô hình trồng rau má của huyện đang có tổng diện tích khoảng 90ha, tập trung chủ yếu ở xã Bình Hòa Nam, Bình Hòa Hưng, Mỹ Thạnh Đông, Mỹ Thạnh Tây, Mỹ Quý Tây, cho lợi nhuận khoảng 600 triệu đồng/ha/năm; khoai từ khoảng 75ha, tập trung chủ yếu ở xã Bình Hòa Bắc, lợi nhuận đạt khoảng 200 triệu đồng/ha/năm; Mô hình nuôi cá của HTX Nông nghiệp Dịch vụ Thủy sản Mỹ Thạnh Tây (khoảng 6ha) cho lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/ha/vụ.

Mô hình trồng chanh cũng đang mang lại lợi nhuận cao cho không ít nông dân ở Đức Huệ. Đơn cử như trường hợp của anh Nguyễn Quốc Thắng, xã Bình Thành, là đại diện cho thế hệ trẻ đầy năng động, sáng tạo, không ngại đổi mới để theo đuổi thành công.

Anh Thắng vốn là cử nhân chuyên ngành đồ họa, có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, sau nhiều năm gắn bó với hoa lệ thành phố, anh khao khát về khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương. Nghĩ là làm, để có vốn làm ăn, anh quyết định bán đất mặt đường để mua 6 ha đất vườn.

Nông dân Đức Huệ đang phát triển thành công nhiều cây trồng thế mạnh, cho giá trị cao (Ảnh: BLA).

Nông dân Đức Huệ đang phát triển thành công nhiều cây trồng thế mạnh, cho giá trị cao (Ảnh: BLA).

Sau khi tìm hiểu, anh Thắng chọn giống chanh bông tím để canh tác. Theo anh Thắng, giống chanh này rất dễ trồng, có thể phát triển tốt trên vùng đất nhiều phèn như Đức Huệ hay các huyện thuộc vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh.

Có thiên thời, địa lợi, nhưng để đi đường dài, anh Thắng đã liên tục học hỏi, tích lũy kiến thức, tìm hiểu về khoa học kỹ thuật. 6 ha chanh của gia đình anh hiện đều được ứng dụng phương thức sản xuất sạch, đạt chuẩn hữu cơ, VietGAP.

“Nhờ sản xuất sạch, chanh bông tím của chúng tôi cho năng suất rất cao, với những cây trồng sau 12 tháng tuổi đạt 30-50 tấn/ha/năm. Cây trồng sau 2 năm tuổi đạt 80-100 tấn/ha/năm. So với giống chanh thường thì giống chanh bông tím cho năng suất cao gấp 3 lần. Hơn nữa, trái chanh bông tím có màu xanh, vỏ dày, đẹp, vận chuyển xa rất tốt”, anh Nguyễn Quốc Thắng chia sẻ.

Sau thành công của cây chanh bông tím, thời gian qua, anh Thắng tiếp tục mở rộng thêm 7ha để trồng chanh không hạt. Loại chanh này dù năng suất trái ít hơn chanh bông tím nhưng có giá bán cao hơn nhiều và có thị trường tiêu thụ tại châu Âu khá ổn định.

Khơi dậy những tiềm năng

Có thể thấy, quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Đức Huệ đang mở đường cho nhiều nông dân vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Không chỉ là những cánh chim lẻ, nhiều nông dân đã liên kết thành lập các HTX, tổ hợp tác để nâng cao nội lực sản xuất, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Để có được hiệu quả như trên, thời gian qua, huyện đã tập trung huy động nguồn lực từ nhiều nguồn vốn xây dựng hạ tầng kỹ thuật như nạo vét các tuyến kênh thủy lợi, phát triển lưới điện, trải đá nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn, hoàn thiện các đê bao khép kín cho các vùng sản xuất chuyên canh, trong đó có vùng chuyên canh cây chanh và lúa chất lượng cao.

Huyện cũng thường xuyên quan tâm củng cố, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, ưu tiên xây dựng mô hình tổ hợp tác, từng bước hình thành HTX phù hợp với quy mô sản xuất, tích cực liên kết các doanh nghiệp trong tiêu thụ nông sản.

Với những tiềm năng, lợi thế của huyện biên giới tiếp giáp nước bạn Campuchia và huyện trọng điểm kinh tế của tỉnh là Đức Hòa, thời gian tới Đức Huệ xác định đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tập trung tại địa bàn các xã: Bình Hòa Bắc, Bình Thành, Bình Hòa Hưng, Mỹ Bình và Mỹ Thạnh Tây.

Trong đó, lấy vị trí quy hoạch khu thương mại - dịch vụ (tâm linh, nghỉ dưỡng) Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh Long An tại địa bàn xã Bình Hòa Hưng làm "đòn bẩy" phát triển.

Phát triển tham quan du lịch nghỉ dưỡng gắn với quảng bá sản phẩm được nuôi trồng tại địa phương, tạo chuỗi liên kết với Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình, Hợp tác xã Dừa Xiêm Lục và các vườn nhân sâm, sầu riêng, măng cụt, sa bô chê, bơ, ổi,...

Để hiện thực hóa mục tiêu, huyện sẽ đẩy mạnh thực hiện chương trình OCOP, khuyến khích phát triển đa dạng các loại cây trồng khác như rau màu, cây kiểng, cây dược liệu và hình thành các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đồng thời, tiếp tục mời gọi đầu tư Trung tâm thương mại huyện, đưa sản phẩm hàng hóa của huyện tham gia vào hệ thống mua bán hiện đại như Saigon Co.op, Bách Hóa Xanh, Winmart,... qua đó ổn định thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản xuất, xóa nghèo, làm giàu cho nông dân.

Mỹ Chí

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/nong-dan-long-an-them-vi-ngot-cho-dat-phen-1102633.html