Nông dân Nam Sách thu lợi từ cấy máy

Việc áp dụng cơ giới trong sản xuất lúa, nhất là cấy máy đã giúp giảm chi phí, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế cho nông dân Nam Sách.

Năng suất lúa trong mô hình cấy máy trung bình đạt 65 tạ/ha, cao hơn 4 tạ/ha so với cấy thông thường

Năng suất lúa trong mô hình cấy máy trung bình đạt 65 tạ/ha, cao hơn 4 tạ/ha so với cấy thông thường

Năng suất cao

Thời điểm này, những cánh đồng lúa chín vàng ở xã Đồng Lạc đã bắt đầu cho thu hoạch. Anh Trần Minh Lâm ở thôn Tháp Phan, xã Đồng Lạc có 3 sào lúa TBR225 phấn khởi vì hiếm khi vụ mùa lại đạt năng suất cao như năm nay. "Đợt mưa lớn cuối tháng 9 vừa qua, trong khi nhiều diện tích lúa cấy tay bị đổ thì lúa cấy bằng máy cứng cây nên không bị ảnh hưởng. Lúa cấy máy đẻ nhánh khỏe, bông dài, hạt chắc nên năng suất cao hơn so với cấy tay và gieo vãi. Bên cạnh đó, máy cấy thưa nên ít sâu bệnh, số lần phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cũng giảm so với cấy thông thường", anh Lâm cho biết.

Vụ này, xã Nam Tân triển khai 1 mô hình sản xuất hàng hóa tập trung kết hợp lúa cấy bằng máy có diện tích hơn 5 ha với các giống Thiên ưu 8 và VNR20 tại thôn Quảng Tân. Đây cũng là vụ đầu tiên xã triển khai mô hình cấy máy. Năng suất lúa VNR 20 đạt 70,1 tạ/ha, Thiên ưu 8 đạt 69 tạ/ha, cao hơn từ 4 - 5 tạ/ha so với lúa ngoài mô hình khiến các hộ rất phấn khởi.

Ông Mạc Công Quân, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Nam Tân cho biết: "Ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất còn giúp giảm sức lao động, chi phí sản xuất, thuốc bảo vệ thực vật, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế so với cấy thông thường. Đây cũng là biện pháp tốt nhất để sản xuất vùng lúa hàng hóa tập trung, hạn chế nông dân bỏ ruộng; thuận lợi trong chỉ đạo và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Vụ tới, xã sẽ mở rộng diện tích cấy máy, phấn đấu mỗi thôn xây dựng 1 mô hình với diện tích từ 5 ha trở lên".

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Sách, năng suất lúa trung bình ở các mô hình cấy máy đạt 65 tạ/ha, cao hơn 4 tạ/ha so với cấy đại trà; một số mô hình đạt tới 70 tạ/ha. Mỗi sào lúa cấy tay, nông dân chi phí từ 250.000 - 300.000 đồng chưa kể mạ, trong khi cấy máy chỉ khoảng 150.000 đồng đã bao gồm mạ khay. Các chi phí khác như thuốc bảo vệ thực vật, phân bón cũng giảm một nửa so với cấy thủ công. Huyện còn hỗ trợ phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay nên giảm sức lao động cho nông dân.

Mở rộng ở các vụ tới

Vụ mùa này, huyện Nam Sách xây dựng 22 mô hình cấy bằng máy với tổng diện tích 219 ha ở 9 xã, tăng gần 100 ha so với vụ xuân trước đó. Đây là vụ thứ ba huyện hỗ trợ xây dựng mô hình này. Mỗi xã có từ 1 - 2 mô hình lúa cấy máy với quy mô từ 5 ha/vùng trở lên. Các hộ tham gia mô hình được UBND huyện hỗ trợ 1 triệu đồng/ha tiền giống, 135.000 đồng/sào máy cấy. Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ 100% công phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái. Các giống lúa được lựa chọn như Thiên ưu 8, TBR225 có gen kháng bạc lá, BC15... đều là những giống chất lượng cao cấy ở trà trung phù hợp với khung lịch thời vụ để trồng vụ đông.

Ông Mạc Văn Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Sách cho biết: "Tôi tin rằng từ những hỗ trợ ban đầu của huyện, nông dân ở các vùng sẽ dần thay đổi tập quán cấy tay, gieo vãi, thay vào đó là sử dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất. Áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm là mục tiêu mà ngành nông nghiệp huyện đang hướng tới".

Giai đoạn 2020 - 2025, Nam Sách phấn đấu trên 30% diện tích cấy lúa bằng máy, xây dựng 8-10 cơ sở sản xuất cung cấp mạ khay. Hằng năm, diện tích cấy lúa bằng máy đạt từ 250 - 300 ha và trên 90% diện tích thu hoạch bằng máy. Huyện duy trì 12 vùng sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao; xây dựng khoảng 1.000 ha lúa quy mô 5 - 10 ha/vùng trở lên gắn với bao tiêu sản phẩm. Các địa phương trong huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng đồng bộ cơ giới hóa, đưa giống mới vào sản xuất để tăng năng suất, giảm sức lao động.

TRẦN HIỀN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/kinh-te/nong-dan-nam-sach-thu-loi-tu-cay-may-182129