Trong những năm gần đây, TP.HCM chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực trồng rau sạch, rau thủy canh.
Bằng cách áp dụng công nghệ IoT vào canh tác thủy canh, HTX Tuấn Ngọc (TP.Thủ Đức, TP.HCM) không chỉ nâng cao năng suất mà còn đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu rau sạch cho người dân thành phố.
Anh Lâm Ngọc Tuấn – Giám đốc HTX Tuấn Ngọc chia sẻ, sự kết hợp giữa mô hình sản xuất bền vững và công nghệ hiện đại đã tạo nên một xu hướng, hứa hẹn mở ra tương lai tươi sáng cho nông nghiệp đô thị tại TP.HCM.
Theo anh Tuấn, mô hình trồng rau thủy canh, không sử dụng đất mà thay vào đó là dung dịch dinh dưỡng, đã giúp tiết kiệm diện tích và tài nguyên. Với sự hỗ trợ của công nghệ IoT, hợp tác xã Tuấn Ngọc đã đưa mô hình rau thủy canh chuyên vùng nóng lên một tầm cao mới.
Từ quy mô ban đầu là 1.000m2, anh và cộng sự đã nhân rộng lên 3.000m2 trải dài 3 tỉnh thành gồm Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM.
“IoT cho phép giám sát và điều khiển các yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, và nồng độ dinh dưỡng theo thời gian thực, giúp rau phát triển trong điều kiện tối ưu nhất”, anh Tuấn chia sẻ.
Giám đốc HTX Tuấn Ngọc cũng cho biết, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, anh có thể theo dõi toàn bộ hệ thống thủy canh trong nhà kính. Nếu có bất kỳ yếu tố nào vượt ngưỡng cho phép, hệ thống sẽ cảnh báo ngay lập tức để tôi kịp thời điều chỉnh. Điều này giúp hạn chế rủi ro và nâng cao chất lượng rau.
Với IoT, HTX rau thủy canh Tuấn Ngọc không chỉ cải thiện năng suất mà còn giảm được lượng tài nguyên tiêu thụ, từ đó tiết kiệm chi phí và giảm tác động đến môi trường.
“Mỗi nông trại 1.000m2 thì cho ra 100kg xà lách mỗi ngày và mỗi tháng với 3.000m2 thì cho ra 9 tấn rau. Toàn bộ số rau thủy canh sẽ cung cấp cho thị trường TP.HCM”, anh Ngọc Tuấn nói và cho biết, năng suất cao gấp khoảng 10 lần so với trồng rau trên đất.
Ngoài ra nhờ ứng dụng IoT trong việc trồng rau thủy canh chuyên vùng nóng, năng suất cũng tăng hơn so với trồng rau thủy canh hồi lưu. Trước đó năng suất trung bình từ 50-60kg rau/ngày, khi áp dụng IoT thì năng suất lên 80-100kg rau/ngày.
Nhờ theo dõi chính xác các thông số trong môi trường trồng, cây rau phát triển khỏe mạnh, đều đặn và ít bị sâu bệnh, giảm nhu cầu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Một trong những yếu tố quan trọng của mô hình trồng rau thủy canh kết hợp IoT là khả năng đảm bảo chất lượng sản phẩm. Dễ dàng kiểm soát mức dinh dưỡng, pH của dung dịch và độ an toàn của nguồn nước, giúp giảm thiểu rủi ro nhiễm khuẩn từ môi trường bên ngoài.
Quy trình sản xuất cũng được kiểm soát nghiêm ngặt, tuân theo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tạo ra nguồn rau sạch chất lượng cao và mang lại sự an tâm cho người tiêu dùng.
Mặc dù mang lại nhiều lợi ích, việc triển khai IoT trong sản xuất nông nghiệp vẫn đối mặt với một số thách thức, đặc biệt là chi phí đầu tư ban đầu và yêu cầu kỹ thuật cao. Đối với các hợp tác xã nhỏ và mới thành lập, chi phí để thiết lập một hệ thống IoT hoàn chỉnh có thể là một rào cản.
Tuy nhiên, HTX rau thủy canh Tuấn Ngọc sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng cho nông dân có ý định khởi nghiệp với trồng rau thủy canh chuyên vùng nóng như TP.HCM.
Việc ứng dụng công nghệ IoT trong trồng rau thủy canh đã cho thấy tiềm năng lớn trong việc xây dựng một nền nông nghiệp đô thị thông minh và bền vững. Đây là hướng đi phù hợp với sự phát triển của TP.HCM, một thành phố lớn với nhu cầu tiêu dùng rau sạch ngày càng cao.
Không những vậy, rau thủy canh với công nghệ IoT không chỉ là bước tiến quan trọng cho nông nghiệp thành phố mà còn là minh chứng cho sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giúp nông sản Việt Nam tiến xa và đạt đến tiêu chuẩn quốc tế.
Tứ Quý