Nữ doanh nhân đầu tiên của Việt Nam sở hữu bằng lái máy bay tư nhân

Chị Hồ Thanh Hương là một trong số những người hiếm hoi học lái máy bay như một sở thích. Chị cũng được ghi nhận là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp khóa học lái máy bay tư nhân.

Ở tuổi không còn trẻ, nữ doanh nhân Hồ Thanh Hương - CEO Bluesky Airways - quyết định đăng ký khóa học lái máy bay tư nhân chỉ với một nỗi e ngại duy nhất là sức khỏe khi chị nhận thấy các bạn học của mình chủ yếu là các bạn trẻ, đang độ tuổi đôi mươi.

Học lái máy bay tư nhân là một khái niệm hoàn toàn mới mẻ ở Việt Nam. Học lái máy bay như một sở thích, không vì mục đích thương mại thì lại càng hiếm.

CEO Hồ Thanh Hương trong giờ thực hành. Ảnh NVCC

CEO Hồ Thanh Hương trong giờ thực hành. Ảnh NVCC

Cầm trong tay Chứng chỉ hoàn thành khóa huấn luyện phi công lái máy bay tư nhân (PPL) vào đầu tháng 7 năm nay, chị Hương được thỏa sức tận hưởng bầu trời với những chiếc máy bay một động cơ piston engine đăng ký tư nhân.

Đây vốn là một khóa học khá “căng thẳng” với dân không chuyên khi phải liên tục học lý thuyết trong vòng 1 tháng và học thực hành bay trong 13 tuần. Vì không có nhiều thời gian nên chị Hương chọn cách học gối đầu và hoàn thành khóa học trước hạn.

Chị vẫn còn nhớ lần đầu tiên được ngồi trong buồng lái chiếc máy bay huấn luyện. Mặc dù đã làm việc trong ngành hàng không hơn hai chục năm, không còn xa lạ với những chuyến bay trong và ngoài nước, nhưng cảm giác ngồi trong buồng lái thực sự khác biệt, chị tâm sự.

“Khi bạn ngồi trong một không gian hẹp, ngay trước mặt là cửa kính, mở ra không gian bao la của bầu trời, đó là một cảm giác vừa choáng ngợp vừa thích thú và đầy thách thức”.

Sau khi hoàn thành khóa lý thuyết và vượt qua bài thi sát hạch gắt gao, chị chuyển sang học thực hành bay với những đòi hỏi về sức khỏe và độ chính xác cao hơn.

CEO Hồ Thanh Hương kiểm tra động cơ và dầu máy trước khi bay. Ảnh NVCC

CEO Hồ Thanh Hương kiểm tra động cơ và dầu máy trước khi bay. Ảnh NVCC

Suốt hơn 3 tháng ăn ngủ trên chiếc máy bay huấn luyện, kỹ thuật mà chị Hương cảm thấy khó khăn nhất vẫn là hạ cánh. Vì là nữ nên tay lái chị yếu hơn các học viên nam, thực hành mãi vẫn không thể hạ cánh được.

“Tôi là người lập kỷ lục tập hạ cánh tới 19 lần trong vòng gần 2 giờ đồng hồ huấn luyện”. Nhưng với chị, bài học gây sợ hãi nhất vẫn là “stall recovery”, làm cho máy bay bị mất lực nâng và học viên phải lấy lại trạng thái cân bằng để thực hiện tiếp chuyến bay.

“Học bài này, thầy giáo sẽ hướng dẫn để mình thao tác cho tàu bay bị mất lực nâng rồi yêu cầu mình khôi phục. Lúc đó, tàu bay đã rớt mũi và chúi xuống đất. Trong trạng thái ấy, không thể nói là không rớt mất một nhịp tim. Và nếu người lái không khôi phục được, máy bay sẽ rơi tự do xuống đất từ độ cao hàng nghìn mét”.

Để hoàn thành khóa học trong hơn 3 tháng ở Rạch Giá (Kiên Giang) khi vẫn đang sống và làm việc ở Hà Nội, chị Hương phải bay đi bay lại liên tục giữa hai nơi. Giờ hành chính, chị dành để học bay, việc công ty chị làm vào sáng sớm trước khi lên lớp và tranh thủ nghỉ trưa hoặc nghỉ giữa giờ. Tối đến, chị lại cặm cụi ôn tập lý thuyết.

“Đến kỳ thi tôi phải học cả đêm là bình thường, không khác gì ngày xưa ôn thi đại học. Nhưng bù lại, các môn học để trở thành phi công rất thú vị. Nhiều môn trước kia mình chưa hề biết, như: khí động học, thời tiết, yếu tố con người trong khi bay…”.

Sau khi hoàn thành khóa học, chị vẫn đều đặn bay vào Rạch Giá để học nâng cao các kỹ năng mới. Được chinh phục bầu trời trên những chiếc máy bay tư nhân là ước mơ từ rất lâu của chị, đến bây giờ mới có thời gian và điều kiện để thực hiện. Vì thế, chị quyết tâm theo đuổi thú vui này lâu dài.

Trước giờ chuẩn bị cất cánh. Ảnh NVCC

Trước giờ chuẩn bị cất cánh. Ảnh NVCC

Khi được hỏi, nữ doanh nhân cười, nói rằng “chắc chắn con trai sẽ là người đầu tiên ngồi bên ghế phải trong những chuyến bay của tôi”.

Vốn là Amser đời đầu, sau khi học đại học trong nước và tốt nghiệp thạc sĩ ở Trường Đại học Nottingham (Vương quốc Anh), chị Hương như một hình mẫu của người phụ nữ thành đạt và hiện đại.

Khi được hỏi có quá nhiều áp lực hay không để trở thành phiên bản của hiện tại, nữ doanh nhân chia sẻ: “Hầu như những áp lực đều là do tôi tự đặt ra cho mình và với tôi, đó không phải là áp lực. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được làm những việc mình thích, được thử thách trước những khó khăn. Tất nhiên, trong cuộc sống vẫn có những điều không như ý ập đến mà mình chưa có sự chuẩn bị. Với tôi, như thế mới là áp lực. Nhưng rồi mình sẽ tìm cách vượt qua thôi”.

Mơ ước của chị là Việt Nam sẽ sớm có những câu lạc bộ bay, tạo sân chơi cho những người có chứng chỉ lái máy bay tư nhân giao lưu, học hỏi giống như các bộ môn thể thao khác.

Bích Đào

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nu-doanh-nhan-dau-tien-cua-viet-nam-so-huu-bang-lai-may-bay-tu-nhan-2325825.html