Nữ sinh NEU và hành trình chinh phục nghiên cứu khoa học: Điều quan trọng là không từ bỏ

Trần Thị Ngọc Hoài (sinh năm 2002) là sinh viên chuyên ngành Quản trị kinh doanh trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Không chỉ sở hữu bảng thành tích học tập 'khủng', năng nổ trong hoạt động ngoại khóa, Ngọc Hoài còn là tác giả của loạt bài bài nghiên cứu khoa học được đăng trên các hội thảo, tạp chí, báo quốc tế.

Bén duyên với việc làm nghiên cứu khoa học và viết những bài báo học thuật từ năm hai đại học, với Ngọc Hoài, nghiên cứu khoa học là niềm say mê của cô bạn từ rất sớm. Nữ sinh nhớ lại: “Nghiên cứu khoa học đã trở thành một niềm đam mê với mình từ khi mình còn học cấp ba. Ngay từ thời điểm đó, mình đã tò mò và bắt đầu tìm kiếm thông tin về những bước đi đầu tiên trong nghiên cứu khoa học. Mình còn nhớ, đề tài đầu tiên mà mình từng đọc và say mê nghiên cứu là về ảnh hưởng của giáo dục tiếng Trung trong việc giảm thiểu tình trạng buôn bán phụ nữ ở khu vực sát biên giới. Đề tài đó đã đánh thức trong mình mong muốn hiểu sâu hơn về những vấn đề xã hội và khơi nguồn cho đam mê nghiên cứu của mình”.

Nguyễn Thị Ngọc Hoài là sinh viên ngành Quản trị kinh doanh tại Đại học Kinh tế Quốc dân.

Nguyễn Thị Ngọc Hoài là sinh viên ngành Quản trị kinh doanh tại Đại học Kinh tế Quốc dân.

Thất bại là cơ hội để học hỏi

Thực hiện một nghiên cứu khoa học chưa bao giờ là việc dễ dàng. Con đường chinh phục nghiên cứu khoa học hay viết những bài báo học thuật của Ngọc Hoài cũng đã trải qua không ít những khó khăn. “Khi bắt đầu với nghiên cứu khoa học và viết báo, mình gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là trong giai đoạn đầu. Một trong những trở ngại lớn nhất là việc bị từ chối nhiều bài báo. Những bài báo khoa học mình gửi đi thường bị từ chối với lý do chưa đạt yêu cầu về cấu trúc, chưa thuyết phục được người đọc hoặc không đáp ứng được tiêu chuẩn của tạp chí. Hay khi viết nghiên cứu khoa học, những khó khăn trong việc thu thập số liệu, phân tích dữ liệu và xây dựng các bài báo đã khiến mình phải tạm ngừng làm nghiên cứu. Mình thực sự tiếc nuối khi phải bỏ cuộc”, nữ sinh chia sẻ.

Những bài báo bị từ chối, những khó khăn khi bắt tay vào làm nghiên cứu đã khiến Ngọc Hoài không ít lần hoài nghi về khả năng của chính mình. Thế nhưng, nhận thức về tầm quan trọng và giá trị mà nghiên cứu khoa học mang lại cùng lời động viên từ giảng viên hướng dẫn, Ngọc Hoài đã quay lại với nghiên cứu khoa học cũng như viết báo. Lần này, cô bạn đã có cái nhìn rõ ràng, sâu sắc hơn về những gì mình đang thực hiện cùng với sự kiên trì, mạnh mẽ hơn trước. “Mình vẫn nhớ mãi lời động viên từ giảng viên hướng dẫn của mình, “chấp nhận bài báo giống như chuyện ăn uống vậy, có người thích mặn, có người thích nhạt. Việc bị từ chối không có nghĩa là chất lượng bài viết của em không tốt”. Sự kiên nhẫn và động lực từ câu nói ấy đã giúp mình học được cách đối diện với những thất bại, không ngừng cải thiện và phát triển các kỹ năng nghiên cứu của mình. Giờ đây, nghiên cứu khoa học không chỉ là một công việc học thuật của mình mà đã trở thành đam mê, thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống”, Ngọc Hoài chia sẻ.

Ngọc Hoài tại lễ trao giải cuộc thi Nghiên cứu khoa học trường Đại học Kinh tế Quốc Dân năm 2023-2024.

Ngọc Hoài tại lễ trao giải cuộc thi Nghiên cứu khoa học trường Đại học Kinh tế Quốc Dân năm 2023-2024.

Với cô bạn sinh năm 2002, những khó khăn gặp phải trên hành trình chinh phục nghiên cứu khoa học cũng chính là cơ hội để trưởng thành hơn về tư duy, học hỏi từ những nhận xét và tối ưu hóa những điều bản thân đang làm. “Thay vì coi những thất bại là điểm dừng, mình coi đó là cơ hội để học hỏi. Với những bài báo bị từ chối, mình chỉnh sửa theo phản hồi của biên tập viên, nghiên cứu cấu trúc, nội dung của những bài báo thành công và trao đổi với thầy cô, đồng nghiệp để hiểu rõ hơn yêu cầu của từng tạp chí và hoàn thiện kỹ năng viết. Với nghiên cứu khoa học, qua những sai sót vì thiếu kinh nghiệm từ ban đầu, mình đã hiểu được tầm quan trọng của việc chuẩn bị kỹ lưỡng ngay giai đoạn bắt đầu, biết cách thực hiện từng quá trình của việc nghiên cứu sao cho hiệu quả và thu được kết quả như mình mong muốn", nữ sinh nhấn mạnh.

Chính sự kiên trì, nhẫn nại, nỗ lực và tinh thần không bỏ cuộc đã giúp Ngọc Hoài đạt được những thành công “đáng kể” trong việc làm nghiên cứu khoa học và viết báo. Được biết, cô bạn đã đạt giải Nhất cuộc thi nghiên cứu khoa học Đại học Kinh tế Quốc dân năm 2023-2024 và là tác giả của 04 bài báo được đăng trên tạp chí, hội thảo trong nước và quốc tế.

Một bài nghiên cứu tốt luôn là kết quả của nhiều lần sửa đổi

Nhớ lại về hành trình làm nghiên cứu khoa học và viết báo của bản thân, Ngọc Hoài kể: “Một kỷ niệm đáng nhớ của mình đó là khi chuẩn bị nộp bài nghiên cứu cho một hội thảo quan trọng. Khi thời hạn nộp bài đã đến gần, mình vẫn đang trong quá trình sửa chữa và hoàn thiện bản thảo. Trong đêm cuối trước hạn nộp, mình đã phải thức trắng để tiếp tục chỉnh sửa nội dung và chuẩn bị các giấy tờ cần thiết. Tuy nhiên, vào sáng sớm hôm sau, mình phát hiện ra rằng một số giấy tờ quan trọng còn thiếu. Mình đã phải chạy đi chạy lại giữa các phòng ban và làm việc với nhiều bộ phận để thu thập các tài liệu cần thiết”. Qua sự việc của bản thân, cô bạn cũng muốn nhắn nhủ tới các bạn sinh viên “hãy luôn chỉnh chu, đảm bảo những giấy tờ quan trọng luôn sẵn sàng để trong mọi tình huống, bạn đều sẽ xử lý được công việc một cách nhanh chóng”.

Ngọc Hoài tại buổi sinh hoạt công dân đầu khóa trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Ngọc Hoài tại buổi sinh hoạt công dân đầu khóa trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Khi được hỏi về lời khuyên dành cho các bạn sinh viên đang tìm hiểu về nghiên cứu khoa học hay viết báo đăng các tạp chí, hội thảo học thuật, cô bạn chia sẻ: “Đầu tiên, các bạn nên chọn một đề tài mà mình thực sự đam mê và có kiến thức cơ bản về nó. Đam mê sẽ là động lực giúp các bạn vượt qua những khó khăn, còn kiến thức nền tảng giúp các bạn tự tin trong quá trình nghiên cứu. Mình muốn nhấn mạnh rằng, nghiên cứu khoa học đòi hỏi sự kỹ lưỡng và kiên trì. Đừng vội vàng viết ngay khi chưa hiểu rõ về vấn đề mình đang nghiên cứu, hãy dành thời gian để đọc và tìm hiểu tài liệu thật cẩn thận. Bên cạnh đó, mình nghĩ rằng tư duy phản biện là yếu tố quan trọng trong quá trình nghiên cứu. Sự hoài nghi đúng chỗ sẽ dẫn các bạn đến những khám phá mới, giúp phát triển các ý tưởng sáng tạo và độc đáo. Về phần viết, một điều quan trọng không thể bỏ qua là cách trình bày rõ ràng và logic. Dù nội dung của các bạn có phong phú và sáng tạo đến đâu, nếu không được trình bày mạch lạc, bài viết sẽ khó thuyết phục người đọc. Mình khuyên các bạn nên tập trung vào việc viết sao cho dễ hiểu, tránh sử dụng quá nhiều thuật ngữ chuyên ngành nếu không cần thiết. Ngoài ra, đừng bao giờ ngại nhận phản hồi từ người khác. Việc nhận được góp ý, dù là tích cực hay tiêu cực, đều là cơ hội để các bạn cải thiện bài viết của mình. Một bài nghiên cứu tốt luôn là kết quả của nhiều lần sửa đổi. Điều cuối cùng mình muốn chia sẻ là sự kiên trì. Nghiên cứu khoa học có thể không mang lại kết quả ngay lập tức và đôi khi sẽ gặp phải những khó khăn, thậm chí là thất bại. Nhưng quan trọng là các bạn không từ bỏ. Hãy kiên trì theo đuổi mục tiêu và không ngừng học hỏi từ những người đi trước, từ đó các bạn sẽ dần dần tiến bộ và có thể đạt được những thành công xứng đáng trong hành trình nghiên cứu của mình”.

Ngọc Hoài tại buổi sinh hoạt công dân đầu khóa trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Ngọc Hoài tại buổi sinh hoạt công dân đầu khóa trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Ngọc Hoài cũng chia sẻ thêm: “Mình khuyến khích các bạn nên bắt đầu tham gia vào nghiên cứu khoa học càng sớm càng tốt. Việc tham gia nghiên cứu từ sớm không chỉ giúp các bạn làm quen với quy trình nghiên cứu, mà còn giúp các bạn xây dựng nền tảng kiến thức và kỹ năng cần thiết cho công việc trong tương lai. Khi đã bắt tay vào thực hiện một đề tài nào đó, dành phần lớn thời gian để nghiên cứu về nó là rất quan trọng. Khi các bạn dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu, các bạn sẽ có cơ hội để khám phá sâu hơn về đề tài, cải thiện kỹ năng phân tích và viết bài, và cuối cùng là tạo ra những kết quả có giá trị cao. Ngoài ra, kỷ luật cũng là yếu tố then chốt trong việc làm nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu không phải lúc nào cũng suôn sẻ và thường xuyên đòi hỏi các bạn phải làm việc với cường độ cao và theo đúng kế hoạch. Việc áp dụng kỷ luật cá nhân, bao gồm việc thiết lập mục tiêu rõ ràng, lên kế hoạch chi tiết và theo dõi tiến độ công việc, sẽ giúp các bạn duy trì động lực và đạt được kết quả tốt hơn. Với mình, việc bắt đầu nghiên cứu sớm, dành nhiều thời gian cho nó và duy trì kỷ luật là những yếu tố quan trọng giúp các bạn thành công trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học”.

Một số thành tích tiêu biểu của Ngọc Hoài trong việc làm nghiên cứu khoa học:

Giải Nhất nghiên cứu khoa học trường Đại học Kinh tế Quốc dân năm 2023-2024

Tác giả của báo quốc tế: Digital Literacy, Online Security Behaviors And E-Payment Intention. Journal of Open Innovation: Technology, Market, and Complexity

Tác giả của bài hội thảo: Hội thảo khoa học Quốc tế: Việt Nam trong mối quan hệ đối tác với các quốc gia lớn: cơ hội và thách thức (Vietnam in partnership with giants: opportunities and challenges)

Tác giả của bài báo trên tạp chí Kinh tế và kinh doanh UEB: How Digital Literacy Affects Easy Of Use, Usefullness, And Shapes Consumer Retention In Financial Electronic Payment Methods

(Ảnh: NVCC)

Thu Trang

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/nu-sinh-neu-va-hanh-trinh-chinh-phuc-nghien-cuu-khoa-hoc-dieu-quan-trong-la-khong-tu-bo-post1676556.tpo