Nữ tiến sĩ giúp AMD lật đổ Intel
Từng chỉ là lựa chọn giá rẻ cho những người không thể hoặc không muốn mua sản phẩm của Intel, dưới thời CEO Lisa Su, AMD đã vươn mình trở thành một thế lực trong ngành bán dẫn.
Một thập kỷ trước, bối cảnh thị trường kiến trúc x86 không hề cạnh tranh gay gắt như bây giờ. Thời điểm đó, AMD cũng không phải là thế lực thực sự trong thị trường bộ xử lý như ngày nay.
Đến đầu năm 2014, với Rory Read nắm quyền lãnh đạo, AMD đã nhiều năm ở vị thế "hạng hai". Lần cuối cùng công ty thực sự đe dọa Intel là vào đầu những năm 2000 với bộ xử lý Athlon 64.
Tuy nhiên, Athlon 64 cũng là mốc son chói lọi trước khi công ty dần dần trượt vào vị thế là lựa chọn thay thế giá rẻ cho những người dùng không đủ khả năng chi trả hoặc đơn giản là không thích mua chip của Intel.
"Nữ tướng" thay đổi cuộc chơi
Năm 2014, AMD dành tâm huyết cho kiến trúc lõi chip máy tính để bàn có tên mã là Piledriver, một sản phẩm kế nhiệm sau thất bại của Bulldozer.
Tuy nhiên, điều duy nhất khiến cả Piledriver và Bulldozer thực sự được nhớ đến là ngốn điện và hiệu suất kém. The Register thậm chí từng nhận xét dùa cợt rằng cả hai kiến trúc chip này hoạt động như máy sưởi không gian di động.
Trong khi đó, Intel lại thắng lớn với chip Sandy Bridge và Ivy Bridge khi duy trì sự thống trị trên toàn bộ thị trường vi xử lý x86 mà không tốn chút công sức nào.
Sản phẩm kinh doanh thất bại dẫn đến doanh thu của AMD cũng không như mong đợi. Thị phần của AMD trong thị trường chip cho PC ngày càng bị thu hẹp và điều đó có nghĩa là hãng sẽ phải nỗ lực rất nhiều nếu muốn quay trở lại cuộc chơi.
Không ai biết rõ điều này trong ngành hơn tiến sĩ Lisa Su. Năm 2012, AMD quyết tâm đưa bà về công ty trong vai trò lạnh đạo đội ngũ bán hàng và tiếp thị.
Đến năm 2014, bà Su nhậm chức CEO AMD trong bối cảnh công ty như một con tàu đắm. Theo lời Patrick Moorhead, cựu Phó chủ tịch của AMD, hoàn cảnh của ông lớn ngành bán dẫn khi ấy còn "khổ hơn cả cái chết".
AMD lúc đó nợ 2,2 tỷ USD, dẫn đến đợt tái cấu trúc lớn khiến 1/4 nhân viên mất việc và giá mỗi cổ phiếu chỉ dao động ở mức 2 USD.
Để trở lại cuộc chơi, AMD cần xây dựng lại kiến trúc cốt lõi của mình từ đầu để có hy vọng giành lại thị phần.
Bà Su đã không lãng phí bất kỳ thời gian nào khi đảm nhiệm vị trí CEO vào năm 2014. Ngay sau khi nhậm chức, Bulldozer - kiến trúc CPU mà hãng này đặt nhiều hy vọng lập tức bị khai tử.
Thay vào đó, AMD dưới thời bà Su tập trung vào lộ trình mới với nền tảng kỹ thuật vững chắc hơn. Kết quả của tất cả điều này là Zen, mà ngày nay được biết đến là dòng Ryzen của AMD.
Bước ngoặc mang tên Zen
Kiến trúc vi mô Zen ban đầu được ra mắt vào năm 2017. Thay vì tập trung vào số lượng lõi như định hướng với Bulldozer, Zen được thiết kế lại hoàn toàn để tập trung vào hiệu suất, hiệu quả và khả năng mở rộng.
Không chỉ đưa chip AMD trở lại những cỗ máy PC chơi game, Zen sau này cũng trở thành nền tảng cho các bộ vi xử lý chính trên tất cả phân khúc sản phẩm chính của hãng.
Năm 2018, AMD tiếp tục giới thiệu kiến trúc vi mô Zen+ với dòng Ryzen 2000. Con chip này sử dụng quy trình 12 nm và mang lại tốc độ xung nhịp tăng nhẹ cùng độ trễ bộ nhớ và bộ nhớ đệm giảm.
Đến năm 2019, AMD tiếp tục ra mắt Zen 2 và cung cấp dòng Ryzen 3000 tiếp theo trên quy trình 7 nm mới hơn. Điều này cũng đánh dấu sự thay đổi về mặt kiến trúc đối với thiết kế dựa trên chiplet mới của AMD, cho phép số lượng lõi cao hơn và hiệu suất tổng thể cũng như hiệu quả năng lượng tốt vượt trội.
Mặc dù vậy, bước ngoặt thật sự phải kể đến năm 2020 khi Zen 3 đã đưa dòng Ryzen 5000 ra thị trường với sự gia tăng đáng kể về IPC, giúp AMD cuối cùng đã đánh bại Intel về hiệu suất luồng đơn.
Đây là bước ngoặt lớn đối với AMD, không chỉ khiến mọi thứ trở nên cạnh tranh hơn mà còn buộc Intel phải lùi bước ở thứ đã từng là thế mạnh của họ.
Thừa thắng xông lên, năm 2022, Zen 4 đã ra mắt trên tiến trình 5 nm của TSMC với Ryzen 7000, bổ sung hỗ trợ cho bộ nhớ DDR5 mới nhất và PCIe 5.0.
Tháng 11/2022, AMD chính thức vượt Intel về giá trị thị trường. Tháng 6/2023, vốn hóa của AMD đã đạt đến con số 192,9 tỷ USD, vượt trội mức 130 tỷ USD của Intel.
Dưới sự lãnh đạo của Lisa Su, AMD thật sự đã chuyển mình. Từ giải pháp thay thế "giá cả phải chăng", cái tên AMD đã trở trở thành một đối thủ thực sự.
Kiến trúc Ryzen đã đưa hãng trở lại thị trường PC, trong khi Epyc bắt đầu phá vỡ sự thống trị với các trung tâm dữ liệu của Intel còn RDNA đã mang lại sức sống thứ hai cho GPU của AMD.
Tất cả đã góp phần biến hành trình vượt qua Intel của AMD xứng đáng là một trong những câu chuyện vĩ đại nhất lịch sử Thung lũng Silicon.
Nguồn Znews: https://znews.vn/nu-tien-si-giup-amd-lat-do-intel-post1514892.html