Nước Pháp đối mặt nhiều bất ổn
Chính phủ của Thủ tướng Michel Barnier đã trở thành bộ máy điều hành có thời gian tồn tại ngắn nhất trong lịch sử Pháp sau khi thất bại trong một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm do tranh chấp về ngân sách. Sự kiện này không chỉ đánh dấu sự thay đổi quyền lực chính trị mà còn kéo theo nhiều rủi ro hiện hữu.
Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm được dẫn dắt bởi đảng Nước Pháp bất khuất (La France Insoumise) và được hỗ trợ bởi phiếu bầu từ đảng Tập hợp Dân tộc (Rassemblement National - RN) cực hữu trong một hành động mà ông Michel Barnier gọi là "sự kết hợp của các mặt đối lập". Với 331/557 phiếu ủng hộ, Quốc hội Pháp đã thông qua đề xuất “bất tín nhiệm” buộc Thủ tướng phải nộp đơn xin từ nhiệm. Như vậy, Thủ tướng Michel Barnier trở thành người có thời gian cầm quyền ngắn nhất trong lịch sử nền Cộng hòa thứ 5 của Pháp (bắt đầu từ năm 1958), với chỉ 3 tháng tại nhiệm.
Việc chính phủ sụp đổ đẩy Pháp vào thời kỳ bất ổn chính trị sâu sắc. Tổng thống Emmanuel Macron ngay lập tức đối mặt với những lời kêu gọi từ chức vì những cáo buộc liên quan việc Thủ tướng do ông chỉ định bị phế truất. Tuy nhiên, trong bài phát biểu mới, nhà lãnh đạo Pháp đã nói rõ, ông được bầu “một cách dân chủ" và sẽ tiếp tục cho đến hết nhiệm kỳ năm 2027. Tổng thống Emmanuel Macron cũng đã bổ nhiệm chính phủ lâm thời do ông Michel Barnier điều hành để xử lý công việc hằng ngày, ít nhất là cho tới tháng 7-2025. Bước đi này trước mắt tránh việc chính phủ phải đóng cửa, ảnh hưởng tiêu cực tới các hoạt động điều hành đất nước.
Tuy nhiên, Tổng thống Emmanuel Macron đối mặt thách thức lớn lúc này là làm thế nào chọn một người kế nhiệm có khả năng điều hướng các dòng chảy chính trị đang phân tán trong hệ sinh thái chính trị Pháp. Theo giới quan sát, ông chủ Điện Elysee có thể bổ nhiệm một chính phủ kỹ trị để giám sát chính quyền Pháp thêm 6 tháng nữa, hoặc nhượng bộ các yêu cầu ngân sách của RN và bổ nhiệm một thủ tướng được đảng cực hữu hậu thuẫn. Tuy nhiên, lựa chọn thứ hai đồng nghĩa từ bỏ nỗ lực cắt giảm thâm hụt ngân sách để ổn định nền kinh tế. Mặc dù chính phủ lâm thời có thể viện dẫn các quyền hiến định để thông qua ngân sách năm 2025, nhưng các chuyên gia pháp lý cho rằng đây là cách tiếp cận không chắc chắn.
Dù thế nào, hầu hết các quan điểm đều dự báo Tổng thống Pháp sẽ nhanh chóng bổ nhiệm thủ tướng mới vì "không có lựa chọn nào khác". Ông Macron cũng từng nhắc tới nỗ lực bổ nhiệm sớm, nhấn mạnh người mới sẽ "thành lập một chính phủ vì lợi ích chung". Đồng thời, ông Macron nêu rõ, chính phủ mới vào tháng tới sẽ đưa ra một "luật đặc biệt" để tránh tình trạng chính phủ đóng cửa theo "kiểu Mỹ" vào giữa tháng 12 và đệ trình dự luật ngân sách mới năm 2025. Truyền thông Pháp vừa qua đã điểm tên một số gương mặt tiềm năng, bao gồm Bộ trưởng Lực lượng Vũ trang Sébastien Lecornu, Bộ trưởng Nội vụ Bruno Retailleau và đồng minh hàng đầu của ông Macron là chính trị gia trung dung nổi bật Francois Bayrou.
Tuy nhiên, dù ai nắm giữ “ghế nóng” Thủ tướng Pháp cũng sẽ đối mặt với hàng loạt thách thức gai góc. Thượng tầng nước Pháp vốn đã đối mặt với những bất cập do nền kinh tế nước này đang vấp phải nhiều khó khăn chưa có hướng tháo gỡ. Kế hoạch cắt giảm thâm hụt tài chính để ổn định nền kinh tế cũng tan thành mây khói, đồng nghĩa kỳ vọng về một lộ trình cải tổ bền vững đã lung lay. Diễn biến này chắc chắn sẽ đẩy lãi suất trái phiếu tăng cao, khơi lên lo ngại của giới đầu tư, làm trầm trọng thêm các vấn đề kinh tế.
Khảo sát do Ernest & Young thực hiện vào tháng 11 cho thấy, gần một nửa trong số 200 lãnh đạo doanh nghiệp quốc tế tại Pháp đã thu hẹp hoặc trì hoãn các dự án đầu tư. Với thâm hụt ngân sách lên tới 6,2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) - cao nhất khu vực đồng euro, Paris cũng khó có thể đáp ứng các tiêu chuẩn tài khóa mới mà Liên minh châu Âu (EU) đặt ra.
Sự sụp đổ của chính phủ càng trở nên nguy hiểm khi các cuộc đình công của khu vực công có thể lan rộng khiến các trường học, giao thông hàng không và đường sắt phải đóng cửa. Tuần này, các công đoàn trên khắp nước Pháp còn kêu gọi các công chức, bao gồm cả giáo viên và kiểm soát viên không lưu đình công nhằm phản đối các biện pháp cắt giảm chi phí.
Có thể thấy, Pháp đang đối mặt với những bất ổn chưa từng thấy trong giai đoạn chính trị hiện đại. Nếu không được kiểm soát hiệu quả, những vấn đề nội tại của Pháp - cùng với Đức - sẽ lan rộng ra toàn bộ EU, làm suy yếu tiềm lực và sức mạnh trong bối cảnh khối phải đối mặt với những thách thức kinh tế và địa chính trị ngày càng phức tạp.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nuoc-phap-doi-mat-nhieu-bat-on-686697.html