Nuôi cá an toàn sinh học, 'hái quả ngọt'

Nghề nuôi cá lồng ở hồ Cửa Đạt, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã có từ lâu nhưng chỉ thực sự hiệu quả, giúp người dân sống khỏe từ khi địa phương thông qua đề án Hỗ trợ, khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2019-2021.

Trong đó, huyện Thường Xuân chú trọng hỗ trợ phát triển nghề nuôi cá lồng theo hướng an toàn sinh học tại vùng lòng hồ, kết hợp phát triển du lịch.

Anh Nguyễn Văn Sinh - ngụ xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân; Giám đốc HTX Dịch vụ nuôi trồng thủy sản hồ Cửa Đạt (HTX Thủy sản Cửa Đạt) - là một trong những hộ đầu tiên nuôi cá lồng ở địa phương. Năm 2018, khi biết huyện có đề án nuôi cá lồng, anh liền đầu tư lồng, bè để nuôi cá. Từ đó, nghề nuôi cá lồng trên hồ Cửa Đạt bắt đầu chuyển mình.

Tuy nhiên, do bước vào một lĩnh vực khá mới mẻ, kinh nghiệm chưa nhiều nên từ những ngày đầu nuôi cá lồng, anh Sinh đã "tốn học phí" rất nhiều. "Những lứa đầu tiên, cá chết do nuôi không đúng kỹ thuật rồi dịch bệnh. Có lúc lồng bị rách khiến cả vạn con cá lăng thoát hết ra hồ, hàng trăm triệu đồng gia đình đầu tư đổ sông, đổ biển" - anh Sinh nhớ lại.

Qua một vài lần thất bại, dần dần, nhờ tìm tòi, học hỏi, anh Sinh đã nắm bắt được kỹ thuật nuôi, phòng dịch, xây dựng lồng lưới, cộng với điều kiện khí hậu thuận lợi, nguồn nước sạch nên cá sinh trưởng, phát triển tốt. Từ đó, nghề nuôi cá lồng bắt đầu giúp anh và người dân nơi đây "hái quả ngọt", kinh tế gia đình khấm khá, ổn định.

Anh Nguyễn Văn Sinh và khu vực nuôi cá lồng của gia đình

Anh Nguyễn Văn Sinh và khu vực nuôi cá lồng của gia đình

Từ vài lồng cá đầu tiên, anh Sinh đã đầu tư, mở rộng khoảng 20 lồng. Mỗi năm, anh xuất bán ra thị trường khoảng 40 tấn cá, thu hơn 2 tỉ đồng, lãi 300-400 triệu đồng. Hiện tại, khu vực lòng hồ Cửa Đạt có 16 hộ nuôi với trên 100 lồng cá. Gia đình nào cũng nuôi 3-4 lồng, thậm chí trên 20 lồng.

Để nghề nuôi cá lồng ở địa phương phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, tránh tình trạng cung cầu bấp bênh, "được mùa mất giá, được giá mất mùa", năm 2020, anh Sinh và 15 hộ dân đứng ra thành lập HTX Thủy sản Cửa Đạt. Ngoài việc liên kết tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, các thành viên HTX còn giúp đỡ nhau cùng nuôi cá, bảo vệ vùng nuôi trồng và môi trường nước trên hồ.

"Với hơn 100 lồng nuôi, mỗi năm HTX chúng tôi xuất bán ra thị trường khoảng 150 tấn cá (chủ yếu là cá lăng, chiếm 70%). Với giá bán cá lăng ngay tại hồ dao động 100 - 110.000 đồng/kg, cá diêu hồng khoảng 50-60.000 đồng/kg, số tiền chúng tôi thu về khoảng trên 12 tỉ đồng. Từ đó, người dân có nguồn thu nhập khá và ổn định, đồng thời còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 30 lao động" - anh Sinh phấn khởi.

Ngoài việc liên kết cùng nhau phát triển nghề nuôi cá lồng, anh Nguyễn Văn Sinh còn thành lập Công ty Du lịch sinh thái hồ Cửa Đạt để khai thác tiềm năng, lợi thế vùng lòng hồ khi vừa có thể nuôi cá vừa làm du lịch.

Bài và ảnh: Thanh Tuấn

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/moi-truong/nuoi-ca-an-toan-sinh-hoc-hai-qua-ngot-20230921214335901.htm