Phái đoàn Hamas đến Ai Cập thảo luận về tiến trình đàm phán ngừng bắn ở Gaza
Một phái đoàn của Phong trào Hồi giáo Hamas đến Cairo trong ngày 30/11 để thảo luận và tham vấn các quan chức Ai Cập về tiến trình đàm phán ngừng bắn ở Dải Gaza.
Ngày 29/11, báo Arab News của Ả-rập Xê-út dẫn các nguồn thạo tin cho biết chuyến đi của phái đoàn Hamas diễn ra vài ngày sau khi Mỹ thông báo nước này cùng với Ai Cập, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bắt đầu những nỗ lực mới nhằm khôi phục các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Gaza.
Nhiều tháng nỗ lực đàm phán ngừng bắn ở Gaza đã mang lại rất ít tiến bộ và các cuộc đàm phán đang bị đình trệ.
Trong khi đó, một lệnh ngừng bắn giữa Israel và lực lượng Hezbollah tại Libăng đã có hiệu lực vào sáng 27/11, tạm thời chấm dứt sự thù địch vốn đã leo thang dữ dội trong những tháng gần đây và làm lu mờ cuộc xung đột ở Gaza.
Ngày 26/11, trong khi thông báo về thỏa thuận ngừng bắn ở Libăng, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho hay ông sẽ tiếp tục thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza, đồng thời kêu gọi Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas nắm bắt thời điểm này.
Liên quan tình hình chiến sự, ngày 29/11, Cơ quan Phòng vệ dân sự Dải Gaza thông báo một cuộc tấn công của quân đội Israel tại quận Beit Lahia, phía Bắc Gaza, đã khiến ít nhất 15 người thiệt mạng.
Beit Lahia là một trọng điểm của đợt tấn công của Israel kéo dài gần 2 tháng qua, nhằm ngăn chặn phong trào Hamas tái tập hợp lực lượng. Kể từ khi cuộc chiến bùng phát, đến nay đã có tổng cộng 44.363 người dân Gaza thiệt mạng.
Trong khi đó, Cơ quan Cứu trợ và việc làm của LHQ dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) cho biết Gaza đã phải hứng chịu các cuộc oanh kích dân sự dữ dội nhất trong năm qua kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Cơ quan này nói thêm rằng tình cảnh khổ cực của người tị nạn Palestine vẫn là "cuộc khủng hoảng người tị nạn chưa được giải quyết kéo dài nhất" trên thế giới, đồng thời lưu ý UNRWA ra đời với nhiệm vụ cung cấp hỗ trợ và bảo vệ người tị nạn Palestine cho đến khi tìm được giải pháp công bằng và lâu dài.
Xung đột bùng phát tại Gaza kể từ tháng 10/2023 đến nay đã khiến hơn 44.360 người Palestine thiệt mạng, hàng chục nghìn người bị thương và gần như toàn bộ dân số tại dải đất hẹp ven Địa Trung Hải này phải di dời ít nhất một lần. Trong khi đó, bên phía Israel ghi nhận 1.200 người thiệt mạng và 250 người bị Hamas bắt giữ.
Trong diễn biến khác, ngày 29/11, các tổ chức nhân đạo của LHQ cho biết các cuộc giao tranh tiếp tục đẩy người dân Palestine ở Dải Gaza vào thảm họa nhân đạo ngày càng nghiêm trọng.
Người đứng đầu Cơ quan Cứu trợ và việc làm của LHQ dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA), ông Philippe Lazzarini nêu rõ hoạt động quân sự đang diễn ra ở phía Bắc Gaza đã khiến 130.000 người phải di dời trong 7 tuần qua.
Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA), ở phía Bắc Gaza, trong đó có thành phố Gaza, tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng khí đốt nấu ăn đã buộc các gia đình phải đốt rác để lấy nhiên liệu, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp vào thời điểm hoạt động chăm sóc y tế còn rất hạn chế.
OCHA cho biết thêm khoảng 545.000 người đang sống trong các tòa nhà bị hư hại và nơi trú ẩn tạm thời, nhấn mạnh cần phải có hàng nghìn tấm bạt và bộ dụng cụ bịt kín để đảm bảo không gian sống tối thiêu tại Gaza.
Các đối tác nhân đạo của LHQ báo cáo về tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nơi trú ẩn cho hàng trăm nghìn người phải di dời do giao tranh trên khắp Gaza. Chưa đầy 25% nhu cầu nơi trú ẩn tại đây được đáp ứng, khiến gần 1 triệu người có nguy cơ phải sống trong cảnh "màn trời chiếu đất" khi mùa đông khắc nghiệt đang đến gần.
Chương trình Lương thực thế giới (WFP) phản ánh, khi nạn đói trở nên tồi tệ hơn, giá các mặt hàng thực phẩm cơ bản đã tăng hơn 1.000% so với mức trước khi có giao tranh.
Cùng ngày, phát biểu trong cuộc họp báo tại Geneva (Thụy Sĩ) qua liên kết video từ Jordan, người đứng đầu văn phòng Nhân quyền LHQ phụ trách các lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, ông Ajith Sunghay bày tỏ lo ngại mức độ đói nghèo đang lan rộng, ngay cả ở những khu vực trung tâm Gaza có các nhóm cứu trợ của LHQ hoạt động.
Tại các trại tị nạn, tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng đi đôi với điều kiện sống và vệ sinh rất kém.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)