Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang: Sẵn sàng sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực

Năm học 2023 – 2024 là niên khóa đầu tiên sau khi Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang được thành lập. Đây được xem là dấu mốc quan trọng cho ngành Giáo dục Hà Giang trong việc đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho tỉnh nhà. Đến thời điểm này việc chuẩn bị cơ sở vật chất, công tác tuyển sinh cơ bản hoàn thành, sẵn sàng đón những tân sinh viên khóa I của Phân hiệu.

Tuyển sinh đợt 1, Phân hiệu đón hơn 500 tân sinh viên nhập học.

Tuyển sinh đợt 1, Phân hiệu đón hơn 500 tân sinh viên nhập học.

Đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai

Ngày 13.3.2023, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang công bố thành lập; ngày 5.5, Phân hiệu được cấp phép đào tạo và Quyết định mở ngành giáo dục Tiểu học và Mầm non (Cao đẳng và Đại học chính quy) với 363 chỉ tiêu. Ngoài ra, có các ngành đào tạo dành cho con em Hà Giang và các vùng lân cận bao gồm: Du lịch; ngôn ngữ Anh; Luật; Quản lý Tài nguyên và Môi trường; chăn nuôi thú y; khoa học cây trồng; nông nghiệp công nghệ cao; kinh doanh quốc tế; kỹ thuật máy tính; dược liệu và hợp chất thiên nhiên. Đến nay, Phân hiệu đã tuyển sinh hơn 500 chỉ tiêu ở tất cả các ngành học, trong đó ngành sư phạm có tổng số hồ sơ xét tuyển vượt gấp đôi so với chỉ tiêu tuyển sinh. Theo đánh giá của Phân hiệu, điểm xét tuyến đầu vào các ngành sư phạm khá cao so với mặt bằng chung, phổ biến từ 19 - 23 điểm. Tiến sĩ Lục Quang Tấn, Giám đốc Phân hiệu cho biết: Đầu tiên phải khẳng định là Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Giang và các cấp, ngành đặc biệt quan tâm đến sự phát triển giáo dục của tỉnh nhà. Việc tỉnh cho chủ trương thành lập Phân hiệu là rất đúng đắn. Bởi vì, trước hết tỉnh sẽ có cơ sở chất lượng cao, đào tạo đại học chính quy phục vụ cho chính con em đồng bào của địa phương.

Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang.

Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang.

Trong những năm qua, tình trạng thiếu giáo viên luôn là bài toán khó giải đối với địa phương mặc dù tỉnh đã có nhiều chính sách để thu hút, tuyển dụng. Theo rà soát, hiện địa phương còn thiếu gần 3 nghìn giáo viên các cấp học, dự báo đến năm 2030 sẽ thiếu hơn 4 nghìn giáo viên. Việc thành lập Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang là giải pháp cụ thể hóa phát triển Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2021 – 2025 theo Nghị quyết số 06 của BCH Đảng bộ tỉnh… Trên cơ sở đó, tỉnh đã đầu tư kinh phí để nâng cấp cơ sở vật chất của trường và hỗ trợ của Đại học Thái Nguyên về trang thiết bị học tập. Hiện tại, Phân hiệu có quy mô hơn 2 ha, với các khu vực giảng đường, hội trường, thư viện, các phòng chuyên môn và khu vực hiệu bộ. Tổng số gần 100 cán bộ, giảng viên có trình độ Thạc sĩ trở lên. Đội ngũ giảng viên có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy học sinh vùng cao do đó sẽ có nhiều thời gian quan tâm, chia sẻ và hiểu phong tục tập quán của sinh viên hơn. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để các em sinh viên có môi trường học tập tốt hơn. Cùng với sự quan tâm của tỉnh đầu tư cơ sở vật chất, xác định đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh nhà là khâu đặc biệt quan trọng và cơ sở đào tạo Đại học chính quy, chất lượng sẽ giúp phát triển nguồn nhân lực, điểm kích cầu cho giáo dục đi lên trong tương lai. Chính các em sinh viên được đào tạo tại Phân hiệu là người gắn bó lâu dài cho địa phương, tháo gỡ khó khăn cho tỉnh, nhất là tình trạng thiếu giáo viên trong những năm tới.

Nhiều chính sách hỗ trợ sinh viên

Phân hiệu được trang bị phòng thư viện điện tử kết nối tra cứu thông tin với Đại học Thái Nguyên. Ảnh: PV

Phân hiệu được trang bị phòng thư viện điện tử kết nối tra cứu thông tin với Đại học Thái Nguyên. Ảnh: PV

Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang đã mở các ngành đào tạo phù hợp với điều kiện phát triển của Hà Giang như sư phạm, du lịch, lĩnh vực nông nghiệp và kỹ thuật máy tính. Đối với ngành sư phạm ngoài việc được miễn học phí thì sinh viên còn được hỗ trợ 3,6 triệu đồng/tháng chi phí sinh hoạt. Các ngành ngoài sư phạm, nhà trường có nhiều chính sách hỗ trợ về học bổng, đặc biệt là liên kết giải quyết việc làm sau đào tạo. Đơn cử như ngành dược liệu và hợp chất thiên nhiên được bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp, trong quá trình học các em cũng được hỗ trợ 3,6 triệu đồng/tháng, đây là chính sách riêng của Phân hiệu do các công ty, doanh nghiệp liên kết đặt hàng đào tạo. Ngành chăn nuôi thú y và các ngành khác, nhất là ngành nông nghiệp công nghệ cao, các em sinh viên sẽ được học tập tiếng Anh và tiếng Nhật, sau năm học thứ nhất các em sẽ được phỏng vấn, nếu đạt chỉ tiêu sẽ được đi thực tập ở nước ngoài và miễn phí học tiếng trong vòng 2 năm.

Sinh viên theo học Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang sẽ được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ và giải quyết việc làm sau đào tạo.

Sinh viên theo học Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang sẽ được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ và giải quyết việc làm sau đào tạo.

Em Lưu Thị Luyến, xã Phú Linh (Vị Xuyên) chia sẻ: Em có nhiều nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào học chuyên nghiệp các trường đại học, cao đẳng ở các tỉnh khác nhưng em chọn Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang. Bởi vì, em được học gần nhà, sẽ hỗ trợ tiết kiệm chi phí nhiều hơn. Bên cạnh đó, em được học ngành yêu thích là du lịch. Theo em nghĩ tỉnh mình có nhiều tiềm năng phát triển du lịch và có nhiều chính sách để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Hiện tại, em đang hoàn thiện hồ sơ, tới đây sẽ là tân sinh viên, tiếp tục nỗ lực học tập để phục vụ cho quê hương.

Việc học tập tại Phân hiệu sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên vì không phải di chuyển xa, tiết kiệm nhiều chi phí và có nhiều chế độ cho sinh viên. Học phí các ngành được hưởng các chế độ theo quy định đối với trường đại học chính quy như: Miễn học phí và hỗ trợ chi phí hàng tháng đối với con em đồng bào dân tộc rất ít người. Các em hộ nghèo, cận nghèo ở khu vực đặc biệt khó khăn, học phí được miễn 100%... Ngoài ra, nhà trường cũng có giải pháp hỗ trợ sinh viên về chỗ ăn, nghỉ và liên hệ với các cơ sở du lịch có nhu cầu tuyển dụng để tạo điều kiện làm thêm, thực hành và việc làm sau này.

Giám đốc Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang Lục Quang Tấn, chia sẻ thêm: Mục tiêu của Phân hiệu là đào tạo các thế hệ sinh viên “vừa hồng, vừa chuyên” để cung cấp nguồn nhân lực cho địa phương, phục vụ sự phát triển KT – XH tỉnh Hà Giang những năm tiếp theo. Tương lai mở rộng đào tạo cung cấp nhân lực cho các khu vực trong nước và vươn ra quốc tế. Tuy nhiên, để cụ thể hóa mục tiêu đó, Phân hiệu cũng gặp một số khó khăn do năm đầu tiên nên việc truyền thông và công tác tuyển sinh của nhà trường chưa được sâu rộng, nhất là vùng sâu, vùng xa. Cơ sở vật chất còn thiếu đối với khu ký túc xá, khu thể thao, nhất là khu thực hành của sinh viên. Vì vậy, nhà trường cũng mong muốn sẽ được các cấp chính quyền quan tâm nhiều hơn nữa, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo.

Bài, ảnh: VĂN LONG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202309/phan-hieu-dai-hoc-thai-nguyen-tai-ha-giang-san-sang-su-menh-dao-tao-nguon-nhan-luc-bc52aac/