Phản hồi loạt bài 'Bảo tồn di sản trong dân': Nhận diện và quy hoạch cụ thể di tích

Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn bó chặt chẽ với bản sắc dân tộc, là niềm tự hào của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; tuy nhiên, việc bảo tồn và phát huy di sản, nhất là di sản thuộc sở hữu tư nhân đặt ra nhiều thách thức.

Vấn đề này đã được Báo Sài Gòn Giải Phóng phản ánh qua loạt bài “Bảo tồn di sản trong dân” (đăng từ ngày 20-11 đến 23-11), qua đó nhận được nhiều ý kiến đồng tình, đề xuất giải pháp tháo gỡ của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia trong ngành.

* Ông BÙI HOÀI SƠN, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội:

Bổ sung khái niệm “di sản đô thị”, “di sản kiến trúc nông thôn” vào luật

Đúng là việc bảo tồn các di sản thuộc sở hữu tư nhân (nhà cổ, biệt thự cổ) hay nhà ở các khu vực làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), phố cổ Hội An (Quảng Nam) đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. Thực trạng biến dạng, xuống cấp, thậm chí biến mất của các di sản này phần nào phản ánh sự thiếu sót trong hệ thống pháp lý và chính sách bảo vệ, nhất là khi các khái niệm như “di sản đô thị”, “di sản kiến trúc nông thôn” chưa được chính thức đưa vào Luật Di sản văn hóa.

Ở các nước, khái niệm “di sản đô thị” hay “di sản kiến trúc nông thôn” cũng không thống nhất, UNESCO cũng chưa sử dụng thuật ngữ này trong Công ước năm 1972 về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, việc bổ sung các khái niệm này là cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và tính đặc thù của hệ thống di sản trong nước.

 Chia sẻ quyền lợi khi khai thác di sản là cách TP Hội An tìm được tiếng nói chung trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của phố cổ với người dân. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Chia sẻ quyền lợi khi khai thác di sản là cách TP Hội An tìm được tiếng nói chung trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của phố cổ với người dân. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vừa được thông qua đã bước đầu giải quyết vấn đề này bằng cách đưa ra các tiêu chí nhận diện di tích theo loại hình, bao gồm công trình xây dựng, địa điểm gắn với lịch sử phát triển đô thị và các quần thể kiến trúc đô thị hoặc khu vực chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa. Luật cũng quy định rõ việc kiểm kê, xếp hạng và quản lý các di sản này, từ những khu vực đã được công nhận là di sản thế giới như phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam), Hoàng thành Thăng Long (TP Hà Nội), quần thể di tích cố đô Huế (Thừa Thiên Huế) đến những khu vực chứa đựng giá trị kiến trúc đặc thù khác.

Những quy định liên quan đến di sản đô thị, di sản công nghiệp trong luật lần này không chỉ tạo hành lang pháp lý để bảo vệ các di sản thuộc sở hữu tư nhân mà còn đáp ứng sự đa dạng, phong phú về loại hình và giá trị của di sản văn hóa Việt Nam. Đây là bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ di sản bền vững, gắn kết giá trị truyền thống với phát triển kinh tế - xã hội hiện đại.

* Ông TRẦN ĐÌNH THÀNH, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT-DL:

Mọi dự án xây dựng trong khu vực bảo vệ di tích phải được thẩm định kỹ

Người dân trong khu vực di sản đô thị vẫn nghĩ rằng mọi hoạt động sửa chữa, xây dựng đều phải xin phép Bộ VH-TT-DL, nhưng điều này chưa chính xác. Theo quy định về Quy hoạch bảo tồn phố cổ Hội An được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chỉ khoảng 20 nhà dân có giá trị đặc biệt cần phải xin phép Bộ VH-TT-DL khi có sửa chữa, xây dựng; còn lại hơn 1.300 nhà dân do chính quyền địa phương cấp phép. Điều này đã giúp người dân thuận tiện hơn trong việc xây dựng, sửa chữa nhà cửa.

Tương tự, đối với các di tích làng cổ, như ở làng cổ Đường Lâm chẳng hạn, quy hoạch bảo tồn cũng chỉ yêu cầu một số công trình đặc biệt như đình làng, giếng nước, chùa… và một số hộ dân có kiến trúc tiêu biểu khi xây sửa phải có thỏa thuận với Bộ VH-TT-DL. Còn hơn 90% nhà trong làng có thể thực hiện thủ tục cấp phép theo quy định của UBND TP Hà Nội. Việc xếp hạng di tích để bảo vệ chỉ dành cho những công trình có giá trị tiêu biểu về văn hóa, lịch sử, kiến trúc… không phải bất cứ công trình, kiến trúc, di tích nào cùng thời hay ở trong không gian di sản cũng được xếp hạng.

Bảo tồn di tích không phải là công việc đơn giản. Những di tích có giá trị sở hữu tư nhân (như nhà thờ, biệt thự cổ…) sẽ gặp khó khăn trong việc bảo vệ, vì chúng thuộc quyền sở hữu cá nhân. Theo quy định tại Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), tất cả các di tích được xếp hạng cần có tổ quản lý bảo vệ riêng. Tuy nhiên, tổ này sẽ được thành lập dựa trên sự đồng thuận giữa chính quyền và chủ sở hữu di tích, nhằm đảm bảo việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Cụ thể, nếu một cá nhân sở hữu một di tích có giá trị và cam kết bảo vệ nó theo quy định của nhà nước, thì di tích đó sẽ được đưa vào danh mục xếp hạng. Chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ việc bảo vệ và phát huy giá trị của di tích cũng như yêu cầu và giám sát chủ sở hữu tuân thủ các quy định bảo tồn. Ngoài ra, luật mới cũng nêu rõ mọi dự án xây dựng trong khu vực bảo vệ di tích phải được thẩm định kỹ lưỡng.

Cơ quan chuyên môn về văn hóa sẽ đánh giá tác động của dự án đối với giá trị di tích trước khi cho phép thực hiện. Đặc biệt, đối với các công trình nằm ngoài khu vực bảo vệ nhưng có thể tác động tiêu cực đến di tích, các cơ quan thẩm quyền cũng sẽ thực hiện việc thẩm định và yêu cầu các biện pháp bảo vệ phù hợp.

Để tránh khó khăn cho người dân trong việc cải tạo và xây dựng mới nhà ở, chúng ta cần tuyên truyền, làm rõ hơn để người dân và người thực thi pháp luật tại các địa phương nắm rõ những quy định, thẩm quyền cấp phép và quy trình bảo tồn di tích.

THU HÀ ghi

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/phan-hoi-loat-bai-bao-ton-di-san-trong-dan-nhan-dien-va-quy-hoach-cu-the-di-tich-post769742.html