Phấp phỏng dưới lưới điện cao thế

Gần 16 năm qua, một số doanh nghiệp ở khu phía bắc đường Nguyễn Lương Bằng (TP Hải Dương) luôn phấp phỏng vì sản xuất, kinh doanh ngay dưới đường điện cao thế.

Đường điện cao thế chạy ngang qua Công ty TNHH Quang Vinh

Đường điện cao thế chạy ngang qua Công ty TNHH Quang Vinh

Đi không được, ở cũng không xong

Năm 2003, Công ty TNHH Quang Vinh xin UBND tỉnh cho thuê hơn 7.000 m2 đất để sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng. Trước khi thuê đất, doanh nghiệp rất băn khoăn vì phần đất thuê có đường điện cao thế chạy qua. Lo sợ ảnh hưởng đến an toàn lao động, công ty đã kiến nghị vấn đề này lên Sở Kế hoạch và Đầu tư và một số ban, ngành liên quan. Tỉnh đã thành lập một đoàn kiểm tra, khảo sát hiện trạng khu đất thuê của doanh nghiệp và cho biết sẽ sớm di chuyển các đường điện cao thế này. Được chấp nhận đầu tư và chờ đợi nhưng hơn chục năm qua, đường điện cao thế vẫn chình ình ngay giữa khu đất sản xuất, khiến doanh nghiệp này không khỏi lo lắng. “Vì tỉnh hứa di chuyển đường điện ngay sau khi chấp nhận cho thuê đất nên chúng tôi đã xây nhà xưởng. Hiện chúng tôi rất cần vốn để mở rộng sản xuất, nhưng 2/3 số nhà xưởng lại không được cấp phép xây dựng do nằm dưới đường dây cao thế nên không thể đem đi thế chấp vay vốn ngân hàng. Doanh nghiệp rơi vào cảnh đi không được, ở cũng không xong”, ông Bùi Đức Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Quang Vinh cho biết.

Một số doanh nghiệp đã phải bỏ ra từ vài chục đến hằng trăm triệu đồng nâng đường dây lên cao, bảo đảm khoảng cách an toàn lưới điện phục vụ sản xuất. Một số doanh nghiệp giống như Công ty TNHH Quang Vinh kiến nghị được tự bỏ tiền để di chuyển đường điện và mong muốn số tiền đó sẽ được UBND tỉnh khấu trừ dần vào tiền thuê đất hằng năm. Nhưng nguyện vọng này không được chấp nhận.

Các doanh nghiệp trên đã trực tiếp kiến nghị UBND tỉnh sớm xem xét giải quyết vướng mắc này tại hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với cộng đồng doanh nghiệp từ năm 2014 đến nay. “Tại hội nghị, Sở Tài nguyên và Môi trường và một số sở, ngành liên quan đã thống nhất tham mưu trình UBND tỉnh xem xét và sớm có biện pháp di chuyển đường điện ra khỏi khu đất của các doanh nghiệp nhưng đến nay việc này chưa được giải quyết. Đa phần các doanh nghiệp ở đây đều có chung một nguyện vọng là được trừ tiền thuế cho phần đất dưới hành lang lưới điện mà họ không được sử dụng”, ông Đinh Văn Hải, đại diện Doanh nghiệp tư nhân Thượng Hải nói.

Sớm giải quyết vướng mắc

Ở thế tiến thoái lưỡng nan, các doanh nghiệp tại khu phía bắc đường Nguyễn Lương Bằng đang từng ngày mong ngóng cách giải quyết thấu tình đạt lý của các cơ quan chức năng. Hiện không chỉ khó khăn vì sống dưới đường điện cao thế, các doanh nghiệp trên còn gặp trở ngại do đường vào xuống cấp, không thuận lợi. Hệ thống thoát nước cũng kém, hễ mưa là ngập.

Trước những băn khoăn của doanh nghiệp, đại diện Điện lực TP Hải Dương cho rằng việc doanh nghiệp tự bỏ kinh phí di chuyển đường điện không dễ, bởi hiện nay gần như không còn diện tích đất trống để di chuyển đường dây. Việc di chuyển còn phải phù hợp với quy hoạch lưới điện chung của tỉnh. Doanh nghiệp có thể nghiên cứu phương án hạ ngầm đường dây nhưng chi phí rất lớn.

Còn theo đại diện Cục Thuế tỉnh, không thể miễn hoàn toàn tiền thuế cho phần đất nằm dưới hành lang lưới điện cao thế. Khoản 6 điều 4 Quyết định 33/2014/QĐ-UBND ngày 20.12.2014 của UBND tỉnh quy định: “Đối với diện tích nằm dưới hành lang lưới điện do bị hạn chế khả năng sử dụng đất cho phép điều chỉnh giá đất tối thiểu K=0.8”. Có nghĩa là, doanh nghiệp vẫn phải nộp 80% tiền thuê đất theo đơn giá cụ thể đã được ban hành. Doanh nghiệp chưa được hưởng mức thuế như trên cần sớm có văn bản gửi cục để được giải quyết. Trường hợp các doanh nghiệp tự bỏ kinh phí để di chuyển đường điện có thể được hạch toán vào chi phí sản xuất của họ. Việc các doanh nghiệp đề nghị được trừ vào tiền thuê đất hằng năm khi tự đầu tư di chuyển đường điện thì hiện chưa có quy định cụ thể...

HẢI MINH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/kinh-te---tieu-dung/phap-phong-duoi-luoi-dien-cao-the-110645