Phát huy các công trình thủy lợi, cấp nước tập trung

Bài 2:
ĐẾN HẸN LẠI... LO

BPO - Cứ mỗi khi mùa khô đến, không chỉ nước phục vụ sản xuất thiếu mà nước sinh hoạt cũng luôn là nỗi lo, ám ảnh của nhiều người dân khu vực nông thôn, vùng sâu, xa. Hiện nay, nhờ được đầu tư, cải tạo, nâng cấp cũng như quản lý, khai thác hiệu quả, các công trình cấp nước tập trung đã giúp hàng ngàn hộ dân có nước sạch phục vụ sinh hoạt. Nước sạch về đến tận nhà, đồng nghĩa với chất lượng cuộc sống người dân được nâng lên. Tuy nhiên, không phải ở đâu cũng có đủ nước sạch dùng mà với nhiều lý do nên hàng ngàn hộ dân vẫn đang đối diện với thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô này.

Thỏa cơn khát

Trước đây, hàng trăm hộ dân xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh dùng nước giếng khoan, giếng đào hoặc tận dụng nước mưa không đảm bảo chất lượng để dùng thì nay đã có nước máy thay thế. Năm 2016, Lộc Hiệp được đầu tư nhà máy cấp nước tập trung, công suất 200m3/ngày đêm. Hiện công trình do Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước quản lý, khai thác và đang phục vụ 143 hộ dân cùng 1 doanh nghiệp trên địa bàn.

Anh Trần Văn Cảnh, phụ trách công trình cấp nước tập trung xã Lộc Hiệp cho biết, năm 2016, khi nhận bàn giao công trình, phần lớn người dân ở đây phản đối không sử dụng, bởi nguồn nước được khai thác từ bàu tự nhiên không đảm bảo chất lượng. Từ khi chuyển sang khai thác nước ngầm thì chất lượng nước cũng như công tác xử lý nước được cải thiện tốt, người dân đã tin dùng.

Ông Đặng Đình Thuần, Chủ tịch Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước thăm, kiểm tra công trình cấp nước tập trung xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng

Ông Đặng Đình Thuần, Chủ tịch Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước thăm, kiểm tra công trình cấp nước tập trung xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng

Tại xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung Rừng Cấm cũng đang phát huy hiệu quả. Công trình được đầu tư xây dựng từ lâu và hằng năm đều được cải tạo, nâng cấp để phục vụ nhu cầu của 1.500 hộ dân. Công trình này cũng do Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước quản lý, khai thác với công suất 2.000m3/ngày đêm. Công suất lớn cùng với công tác quản lý, vận hành hiệu quả nên không chỉ ở xã Lộc Tấn mà người dân trên địa bàn thị trấn Lộc Ninh và xa hơn là các xã Lộc Thái, Lộc Hưng cũng có nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt.

Ông Lê Xuân Vinh, Trưởng ban Công tác mặt trận ấp 2, xã Lộc Hưng vui vẻ cho biết: Những năm trước cứ đến mùa khô, toàn bộ người dân khu vực này thiếu nước sinh hoạt. Để có nước, nhiều hộ phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để đào, khoan giếng nhưng không thành công. Vài năm trở lại đây, nhờ nguồn nước sạch từ công trình Rừng Cấm đưa về, người dân đã có đủ nước sinh hoạt, chất lượng cuộc sống từ đó được nâng lên.

Các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn cơ bản phục vụ tốt nhu cầu người dân. Để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu cấp thiết của người dân, UBND huyện đang thực hiện đồng bộ các chương trình, dự án, hoàn thiện thủ tục để đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tại 3 xã Lộc Khánh, Lộc Phú và Lộc Thành.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh
HỒ QUANG KHÁNH

Cung không đủ cầu

So với Lộc Ninh và một số địa phương khác, trên địa bàn huyện Bù Đăng do biến đổi khí hậu nên mạch nước ngầm đã giảm sâu, cùng với địa chất không ổn định nên rất khó để khai thác nguồn nước phục vụ sinh hoạt. Trong khi đó, công trình cấp nước tập trung công suất nhỏ chưa đáp ứng đủ nhu cầu khiến hàng ngàn hộ dân đối diện với thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô.

Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng được đầu tư xây dựng từ năm 2017. Công trình do UBND xã Đức Liễu quản lý, khai thác phục vụ nhu cầu khoảng 80 hộ dân khu vực trung tâm (thôn 2). Tuy nhiên, từ khi đưa vào sử dụng đến nay, hầu như công trình này chưa phát huy hiệu quả do mạch nước ngầm tụt sâu, rất khó khai thác dù đã khoan nhiều lần. Điều đó đồng nghĩa với việc các hộ dân nơi đây thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, nhất là vào mùa khô.

Công trình cấp nước sinh hoạt thôn 2, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng hoạt động kém hiệu quả

Công trình cấp nước sinh hoạt thôn 2, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng hoạt động kém hiệu quả

Chị Dương Bích Tuyền ở thôn 2, xã Đức Liễu phản ánh: “Mùa mưa, chúng tôi lấy nước trời, mùa khô phải mua nước hồ với giá 100 ngàn đồng/bồn phục vụ sinh hoạt, còn ăn uống thì mua nước sạch đóng thùng. Mấy năm nay, chúng tôi không còn lấy nước từ công trình tập trung của xã nữa, vì nguồn nước không đáp ứng đủ”.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Liễu Hoàng Trọng Bình xác nhận nhu cầu về nước tại trung tâm xã rất lớn, ngoài 500 hộ dân thì ở đây còn nhiều doanh nghiệp đang hoạt động nên rất cần nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất nhưng từ năm 2017 đến nay, nguồn nước sạch không đủ để cung cấp cho người dân.

Hiện việc đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung quy mô lớn ở xã Đức Liễu trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Dù chính quyền địa phương cũng như cử tri đã kiến nghị nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục.

Theo lộ trình đến năm 2025, xã Đức Liễu được nâng cấp lên đô thị loại V nên mật độ dân số sẽ tăng nhiều, lúc đó nhu cầu sử dụng nước càng cao. Tôi rất mong các cấp, ngành quan tâm đầu tư xây dựng công trình cấp nước mới phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND xã Đức Liễu
HOÀNG TRỌNG BÌNH

Khai thác hết công năng

Tại xã Minh Hưng, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2016, với công suất 400m3/ngày đêm; do Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước quản lý, vận hành. Nguồn nước đầu vào không khai thác từ nước ngầm mà được lấy từ lòng hồ thủy điện Thác Mơ nên luôn đảm bảo số lượng, chất lượng và khai thác hết công năng. Đây cũng là một trong những công trình cấp nước trên địa bàn huyện Bù Đăng được đánh giá hiệu quả, người dân tin dùng.

Cũng ở xã Minh Hưng nhưng nhiều gia đình chưa có nước máy sử dụng do công trình hết công suất nên phải dùng giếng khoan nhiễm phèn

Cũng ở xã Minh Hưng nhưng nhiều gia đình chưa có nước máy sử dụng do công trình hết công suất nên phải dùng giếng khoan nhiễm phèn

Tuy nhiên, do công trình có công suất nhỏ, chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu nên hàng trăm hộ dân ở xa chưa có nguồn nước máy sử dụng. Trong khi đó, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, nguồn nước ngầm suy giảm, địa chất sụt lún nên người dân rất khó để khoan hoặc đào giếng lấy nước sử dụng.

Người dân xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng sử dụng nước từ công trình cấp nước sạch

Người dân xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng sử dụng nước từ công trình cấp nước sạch

Ông Đỗ Viết Thắng ở thôn 4, xã Minh Hưng từ năm 1996 đến nay kể, thời gian đầu gia đình lấy nước ở lòng hồ về dùng để ăn uống, sinh hoạt, sau này đào giếng nhưng đào đến đâu sập đến đó do địa chất không ổn định. Không đào được giếng, gia đình đầu tư hàng chục triệu đồng chuyển sang khoan 2 cái giếng nhưng vẫn không ổn. Do địa chất sụt lở nên khoan mũi đầu sâu 40m đành phải bỏ, sau đó dò, tìm mãi mới khoan thành công cái giếng thứ 2 thì nước lại nhiễm phèn nặng. Tuy nhiên, ông Thắng thuộc diện chính sách nên được Nhà nước hỗ trợ máy lọc nước phục vụ sinh hoạt.

“Để có nước máy phục vụ sinh hoạt, từ khi có công trình cấp nước tập trung, các hộ dân đều đăng ký sử dụng. Tuy nhiên, do công trình công suất nhỏ nên đến nay hàng trăm hộ dân phải sử dụng các nguồn nước khác không đảm bảo chất lượng. Chúng tôi mong Nhà nước quan tâm đầu tư nâng cấp công trình cấp nước Minh Hưng để người dân có nước sạch đảm bảo sức khỏe” - ông Thắng bày tỏ.

Hiện độ bao phủ nước sạch của xã mới chỉ 5/8 thôn với khoảng 50% dân số. Tại thôn 4, dù nước sạch đã kéo về nhưng mới bao phủ khoảng 40%, trong khi đó nhu cầu của người dân rất lớn. Địa bàn thôn 4 cặp với quốc lộ 14, địa chất không ổn định nên đào, khoan giếng thường bị sập, sụt lún, nguồn nước không đảm bảo. Do đó, rất cần nâng cấp công trình cấp nước phục vụ nhu cầu người dân, vì hiện nhà máy đã khai thác hết công suất.

Phó Chủ tịch UBND xã Minh Hưng
BÙI HỒNG THỨC

Vũ Thuyên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/141731/phat-huy-cac-cong-trinh-thuy-loi-cap-nuoc-tap-trung