Phát huy mô hình giảm nghèo hiệu quả

Chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo được các đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội triển khai linh hoạt, phù hợp với thực tế, từ đó đã hình thành nhiều mô hình giảm nghèo. Đến nay, Hà Nội có 11/12 quận, 3/18 huyện, thị xã (Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức) không còn hộ nghèo. Để giảm nghèo bền vững, cần tiếp tục phát huy những mô hình hiệu quả...

Mô hình hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế theo hướng chăn nuôi dê giúp nhiều hộ gia đình ở xã Ba Vì (huyện Ba Vì) vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Ánh Dương

Thiết thực trợ giúp

Tinh thần “tương thân, tương ái” là nét đẹp trong lối sống, ứng xử của người Hà Nội. Trong công tác giảm nghèo giai đoạn 2015-2020, tinh thần này được các địa phương định hướng, khuyến khích người dân thực hiện. Chẳng hạn, tại quận Tây Hồ, ngoài chính sách chung, các hội, đoàn thể xây dựng mô hình “Tổ tương trợ”, hỗ trợ hộ nghèo vươn lên bằng cách trung bình 3 hộ khá, giàu giúp đỡ 1 hộ nghèo; các phường áp dụng mô hình “Phường không còn hộ nghèo giúp đỡ các phường còn hộ nghèo”…

Thông qua các mô hình hỗ trợ thiết thực, từ năm 2018 đến nay, quận Tây Hồ không còn hộ nghèo. Theo Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Tây Hồ Dương Văn Tường, các tổ chức, đoàn thể ở cơ sở và gia đình sống xung quanh là người hiểu rõ nguyện vọng, nhu cầu cần trợ giúp của những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, nên nguồn lực tại cộng đồng hỗ trợ giảm nghèo rất hiệu quả. Là một trong những hộ gia đình nhận được sự quan tâm đặc biệt này, ông Nguyễn Văn An, phường Xuân La (quận Tây Hồ) cho biết: “Được hỗ trợ các giải pháp giảm nghèo, từ chỗ công việc bấp bênh, đến nay, các thành viên trong gia đình tôi đã có việc làm ổn định nên đã thoát nghèo”.

Tại quận Thanh Xuân, các phường triển khai hiệu quả những mô hình, như: “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế, xóa đói, giảm nghèo”, “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm làm từ thiện, nhân đạo và giúp đỡ người nghèo”... Các huyện Đông Anh, Gia Lâm… đã huy động các nguồn lực để hỗ trợ thường xuyên một số đối tượng đặc thù, bảo đảm mọi người dân đều có mức sống trên mức chuẩn nghèo.

Ngoài ra, từ mô hình giảm nghèo triển khai lồng ghép với chương trình xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Mỹ Đức giảm nhanh, từ 9,5% vào cuối năm 2015, xuống còn 0,15% vào cuối năm 2020. Các huyện: Quốc Oai còn 0,08%, Thạch Thất còn 0,27%, Sóc Sơn còn 0,64%...

Quan tâm nhân rộng cách làm thiết thực

Dù công tác giảm nghèo tạo dấu ấn rõ nét, tốc độ giảm nghèo ở Hà Nội nhanh, nhưng chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo vẫn cao, do số hộ cận nghèo của thành phố còn nhiều. Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho thấy, hiện thành phố vẫn còn hơn 31.000 hộ cận nghèo (bằng 1,5% tổng số hộ). Một số địa phương không còn hộ nghèo nhưng số lượng hộ cận nghèo vẫn khá lớn, như: Quận Bắc Từ Liêm còn 474 hộ, huyện Hoài Đức còn 1.026 hộ, huyện Đông Anh còn 1.542 hộ. Huyện Thạch Thất giảm nhiều hộ nghèo nhưng còn 4.687 hộ cận nghèo... Đáng lo ngại, tỷ lệ hộ cận nghèo ở các địa phương vùng xa trung tâm chiếm tỷ lệ khá cao. Chẳng hạn, tại xã Ba Vì (huyện Ba Vì), số hộ nghèo hiện chỉ còn 3,08% nhưng còn 32,41% hộ cận nghèo. Đa số hộ cận nghèo có thể bị tái nghèo nếu thiếu biện pháp trợ giúp phù hợp.

"Theo Nghị định số 27/2021/ NĐ-CP ngày 27-1-2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, từ năm 2022 chuẩn nghèo đa chiều tăng lên mức từ 1,5 triệu đồng/ người/tháng trở xuống ở khu vực nông thôn (hiện nay là 700.000 đồng) và từ 2 triệu đồng/ người/tháng trở xuống ở khu vực thành thị (hiện nay là 900.000 đồng) thì chắc chắn số hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo sẽ tăng lên", Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương nhận định.

Để thực hiện tốt công tác giảm nghèo, 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển hệ thống an sinh, các dịch vụ trợ giúp xã hội, trong đó chú trọng nhân rộng những mô hình giảm nghèo thiết thực và hiệu quả, với phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau. "Huyện Thạch Thất sẽ nhân rộng các mô hình hỗ trợ giảm nghèo đã được thực hiện tốt, mở rộng đối tượng trợ giúp, nâng cao mức hỗ trợ so với giai đoạn trước cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt", Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thạch Thất Nguyễn Hoàng Anh cho biết. Tương tự, Chủ tịch UBND xã Ba Vì (huyện Ba Vì) Lăng Văn Hà khẳng định: "Việc hỗ trợ giảm nghèo thông qua các mô hình dựa vào cộng đồng góp phần tạo động lực giúp nhiều người dân vươn lên. Do đó, xã sẽ tiếp tục quan tâm nhân rộng, đồng thời huy động các nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho hộ nghèo".

Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương, giai đoạn 2021-2025, các hoạt động hỗ trợ giảm nghèo tiếp tục được triển khai lồng ghép với chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, để mỗi gia đình chủ động phát triển kinh tế dựa vào nội lực. Thành phố cũng khuyến khích các đơn vị, địa phương nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả; phát huy sáng kiến giảm nghèo dựa vào cộng đồng. Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới.

Hà Hiền

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/992529/phat-huy-mo-hinh-giam-ngheo-hieu-qua