Phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết trên quê hương cách mạng

Khởi nghĩa Bắc Sơn (27/9/1940) là cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên do Đảng lãnh đạo, là tiếng súng báo hiệu thời kỳ mới cách mạng nước ta. Cuộc khởi nghĩa đã để lại nhiều bài học quý báu, trong đó có bài học về phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết.

Khi quân Nhật tiến vào Lạng Sơn, chính quyền tay sai Pháp đã tan rã nhanh chóng và tháo chạy. Chớp thời cơ đó, 20 giờ ngày 27/9/1940, lực lượng khởi nghĩa khoảng 600 người, gồm tự vệ, quần chúng các dân tộc Tày, Nùng, Dao ở các xã trên địa bàn huyện Bắc Sơn với vũ khí thô sơ đã đồng loạt dũng cảm xông lên tiến về tấn công đồn Mỏ Nhài.

Nhất tề khởi nghĩa

Theo lời ông Nguyễn Hiệp Tâm, cán bộ tiền khởi nghĩa hiện trú tại thôn Liên Sơn, xã Vũ Lăng, huyện Bắc Sơn, lúc đó lực lượng của ta còn ít và vũ khí thô sơ nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhân dân quanh đồn Mỏ Nhài đều đoàn kết, nhất tề khởi nghĩa, cùng nhau khua chiêng, gõ mõ, phối hợp cùng quân khởi nghĩa tấn công các hướng để hạ đồn. Sau khi chiếm được đồn, Nhân dân các dân tộc quanh đó đã nô nức kéo về mít tinh mừng chiến thắng, cổ vũ ý chí và tinh thần quả cảm của lực lượng khởi nghĩa. Những ngày sau đó, quân, dân Bắc Sơn đã liên tiếp phục kích quân Pháp ở đèo Canh Tiếm, Dập Dị, Nà Ti, Thâm Thông, gây nhiều thiệt hại cho chúng.

Học sinh tham quan di tích Trường Vũ Lăng - một trong 12 điểm di tích thuộc Khu di tích Khởi nghĩa Bắc Sơn được xếp hạng di tích cấp Quốc gia đặc biệt năm 2016

Học sinh tham quan di tích Trường Vũ Lăng - một trong 12 điểm di tích thuộc Khu di tích Khởi nghĩa Bắc Sơn được xếp hạng di tích cấp Quốc gia đặc biệt năm 2016

Trước sức mạnh nổi dậy của quân khởi nghĩa, sau khi thỏa thuận với phát xít Nhật, thực dân Pháp đã quay trở lại đàn áp đẫm máu, dập tắt cuộc khởi nghĩa. Từ đây, cuộc khởi nghĩa chuyển sang giai đoạn mới, tập hợp lực lượng xây dựng Đội du kích Bắc Sơn - một trong những lực lượng vũ trang đầu tiên của Đảng và xây dựng căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai. Khởi nghĩa Bắc Sơn đã để lại bài học kinh nghiệm quý báu về việc chớp thời cơ khởi nghĩa và về vấn đề tập hợp lực lượng đoàn kết toàn dân.

Sau khi lực lượng cách mạng buộc phải rút vào hoạt động bí mật, tập trung xây dựng căn cứ địa Bắc Sơn – Võ Nhai, đồng bào các dân tộc Bắc Sơn đã đoàn kết, đùm bọc, che chở. Khi bị địch càn quét, khủng bố, các chiến sĩ và đồng bào nơi đây vẫn tuyệt đối trung thành với cách mạng.

Trong cuốn Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân huyện Bắc Sơn 1930-1954 đã ghi lại giai đoạn lịch sử này: "Các gia đình cơ sở cách mạng và các gia đình Cứu quốc quân đều bị bắt. Cả gia đình đồng chí Dương Văn Vân ở Lân Pán, xã Hữu Vĩnh (nay thuộc xã Tân Lập) - một cơ sở đi về của đồng chí Trường Chinh và các đồng chí Thường vụ Trung ương Đảng cũng bị địch bắt lên đồn Mỏ Nhài tra tấn dã man. Thâm độc hơn nữa, chúng treo ngược đồng chí Dương Văn Vân và hai con lên xà nhà, vừa đánh đập, tra khảo vừa bắt vợ đồng chí chứng kiến, nhằm đánh vào tình cảm của người phụ nữ. Song lòng căm thù giặc và bản lĩnh cách mạng cùng với tinh thần cảnh giác trước sự mua chuộc của kẻ thù đã giúp cho người phụ nữ Bắc Sơn ấy vượt qua được thử thách gay go đó... ".

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và tinh thần bất khuất, kiên trung của cán bộ, đảng viên, quần chúng, phong trào cách mạng ngày càng phát triển, góp phần vào thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945. Trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc Bắc Sơn tiếp tục là hậu phương vững mạnh ủng hộ nhân lực, vật lực.

Với những đóng góp to lớn đó, huyện Bắc Sơn được công nhận là vùng an toàn khu với tổng số xã an toàn khu là 12 xã, thị trấn (năm 2013 công nhận 8 xã, năm 2016 công nhận 3 xã, 1 thị trấn). Sau sắp xếp hiện toàn huyện có 9 xã, 1 thị trấn là xã an toàn khu.

Nối tiếp truyền thống đoàn kết

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện tiếp tục đoàn kết, chung sức xây dựng và phát triển quê hương. Trong phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, các tuyến đường bê tông nông thôn trải dài khắp thôn xóm, các mô hình kinh tế như mô hình trồng cây ăn quả, mô hình du lịch cộng đồng... ngày càng hiệu quả. Công tác đảm bảo an ninh - quốc phòng, trật tự xã hội tiếp tục được giữ vững.

Nổi bật trong đó phải kể đến phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM). Ngoài nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước, trong những năm qua, cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trên địa bàn đã chung sức, đồng lòng xây dựng NTM, đưa quê hương cách mạng trở thành những "vùng quê đáng sống" với cơ sở hạ tầng khang trang, hiện đại, cảnh quan nông thôn xanh, sạch, đẹp.

Đơn cử như đến xã Tân Lập, một trong những xã an toàn khu của huyện, chúng tôi thấy những vườn cam xanh mướt, những tuyến đường bê tông sạch sẽ nối liền các thôn và những mái nhà khang trang, rộng rãi. Năm 2020, xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện nay thu nhập bình quân đầu người trên địa bà xã đạt hơn 45 triệu đồng/người/năm (tăng 28,6 triệu đồng so với năm 2015), tỷ lệ hộ nghèo còn hơn 3%, giảm hơn 34% so với năm 2015. Có được những kết quả đó là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự đoàn kết, nỗ lực không ngừng của người dân.

Cán bộ, người dân chung sức làm đường giao thông nông thôn tại xã Tân Lập, huyện Bắc Sơn

Cán bộ, người dân chung sức làm đường giao thông nông thôn tại xã Tân Lập, huyện Bắc Sơn

Không chỉ ở Tân Lập, tại các xã khác trên địa bàn huyện, phát huy truyền thống quê hương cách mạng, cán bộ, đảng viên và người dân đã đoàn kết, đồng lòng, chung sức vượt khó, vươn lên phát triển kinh tế - xã hội. Ở Bắc Sơn, cán bộ, công chức, viên chức đóng góp xây dựng nguồn quỹ để thực hiện chương trình xây dựng NTM. Cùng với đó, phong trào “ngày cuối tuần cùng dân xây dựng nông thôn mới” được cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang tích cực hưởng ứng, đồng hành cùng người dân thực hiện các tiêu chí NTM đã tạo được sức lan tỏa sâu rộng và mang lại hiệu quả thiết thực. Từ 2015 đến nay, Nhân dân trên địa bàn huyện đã đóng góp hơn 30 tỷ đồng thực hiện chương trình xây dựng NTM.

Hiện toàn huyện đã có 12/17 xã NTM. Đặc biệt, các xã an toàn khu trên địa bàn huyện đều được công nhận đạt chuẩn NTM (9/9 xã). Sau hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025, cơ bản các chỉ tiêu đều đã đạt và vượt tiến độ đề ra.

Ông Hoàng Văn Hồng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bắc Sơn cho biết: Phát huy tinh thần yêu nước và truyền thống cách mạng, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Bắc Sơn đã ra sức thi đua, xây dựng huyện ngày càng phát triển. Trong đó, tiếp tục chú trọng công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phát huy tinh thần trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong triển khai các phong trào, hoạt động. Đồng thời khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, phát triển du lịch; chăm lo tốt công tác an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe Nhân dân…

Hướng tới kỷ niệm 84 năm ngày khởi nghĩa Bắc Sơn, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Bắc Sơn nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung càng thêm tự hào với truyền thống cách mạng, tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, nỗ lực vượt qua khó khăn để xây dựng quê hương thêm giàu mạnh, phát triển. Đặc biệt, những ngày này, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Bắc Sơn đang nỗ lực, tập trung nguồn lực để khắc phục hậu quả cơn bão số 3, nhanh chóng khôi phục sản xuất, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết đại hội đảng các cấp đề ra.

Phương Dung

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/bai-hoc-ve-phat-huy-vai-tro-cua-quan-chung-nhan-dan-tu-khoi-nghia-bac-son-5022383.html