Phát huy vai trò của các tôn giáo trong cuộc bầu cử

Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng, đợt sinh hoạt dân chủ sâu rộng của Nhân dân cả nước, trong đó có đông đảo chức sắc, tín đồ các tôn giáo để lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho Nhân dân tại Quốc hội và HĐND các cấp.

 Tuyên truyền bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 - Ảnh: H.N

Tuyên truyền bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 - Ảnh: H.N

Quốc hội Việt Nam đã trải qua 14 khóa xây dựng và phát triển đều có chức sắc, chức việc, nhà tu hành của các tôn giáo tham gia. Các vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành của các tôn giáo được giới thiệu, Nhân dân lựa chọn bầu vào Quốc hội và HĐND các cấp là những người ưu tú, có nhiều đóng góp trong công tác lập pháp và sự nghiệp xây dựng đất nước, luôn thể hiện rõ trách nhiệm của người đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân nói chung và của đồng bào tôn giáo nói riêng.

Trong bối cảnh quốc tế và trong nước hiện nay, vấn đề tôn giáo, dân tộc rất nhạy cảm và đang bị các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, tìm mọi cách để gắn với cái gọi là “dân chủ”, “nhân quyền” hòng thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” nhằm phá hoại sự nghiệp cách mạng và công cuộc đổi mới của đất nước ta. Các thế lực thù địch tăng cường phá hoại về mặt chính trị, tư tưởng, tạo xu hướng không đồng thuận, chống đối giữa tôn giáo này với tôn giáo khác và giữa các tôn giáo với chính quyền. Vì vậy, việc gắn kết cộng đồng giữa đồng bào có đạo và đồng bào không theo đạo thành một khối đồng thuận, thống nhất là một việc hết sức cần thiết nhằm phát huy vai trò tích cực của đồng bào có đạo cùng với đồng bào cả nước thực hiện tốt cuộc bầu cử là sự gắn kết các giá trị văn hóa của dân tộc cùng chung một mục tiêu “dân chủ, công bằng, văn minh”.

Tỉnh Quảng Trị hiện có 3 tổ chức tôn giáo hợp pháp là Phật giáo, Thiên chúa giáo và Tin lành với khoảng trên 109.000 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ, chiếm hơn 17% dân số toàn tỉnh. Các tôn giáo trên địa bàn Quảng Trị sống hòa hợp đoàn kết giữa đạo với đời trên tinh thần “Tốt đời, đẹp đạo”, với đường hướng và phương châm hành đạo đúng đắn phù hợp với pháp luật nhà nước đó là “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”; “Sống phúc âm trong lòng dân tộc”.

Đến nay công tác bầu cử trên địa bàn tỉnh đã được tiến hành nghiêm túc, chặt chẽ theo quy định của pháp luật. Để cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 thành công tốt đẹp, UBMTTQVN tỉnh, các ngành chức năng, chính quyền các địa phương cần tăng cường tiếp xúc với lãnh đạo các tổ chức, cá nhân tôn giáo nhằm tuyên truyền, vận động, khơi dậy và phát huy truyền thống “Kính Chúa, yêu nước”, “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc” của đồng bào theo đạo Công giáo và đạo Tin lành; “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” của đồng bào Phật giáo. Từ đó thông qua các buổi lễ, các buổi sinh hoạt tôn giáo nhằm tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo trong độ tuổi theo quy định của pháp luật thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia bầu cử.

Đồng thời nghiên cứu kỹ về danh sách người ứng cử và sáng suốt lựa chọn những đại biểu ưu tú bầu vào cơ quan quyền lực nhà nước ở trung ương và địa phương để phục vụ Nhân dân, xây dựng quê hương ngày càng phát triển giàu mạnh. Phải xem việc tham gia bầu cử của các chức sắc, tín đồ tôn giáo không chỉ là quyền lợi mà còn là nghĩa vụ, trách nhiệm lớn lao của mỗi công dân Việt Nam. Tuyên truyền, hướng dẫn, vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo thường xuyên nêu cao cảnh giác, không nghe theo sự xúi giục, kích động, lôi kéo của các phần tử xấu; chủ động kịp thời thông tin tới các cơ quan chức năng và tham gia đấu tranh, phản bác những quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực phản động phá hoại cuộc bầu cử. Phổ biến cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử; về vị trí, vai trò của Quốc hội và HĐND trong bộ máy nhà nước; khẳng định rõ đây là công việc quan trọng của mọi tầng lớp nhân dân, là nơi để cử tri, trong đó có chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo phát huy quyền làm chủ, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân.

Các chức sắc tôn giáo tham gia ứng cử đại biểu HĐND các cấp tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021 - 2026 là những người có uy tín trong cộng đồng và các tín đồ tôn giáo; có ý thức, trách nhiệm cao về quyền và nghĩa vụ công dân, việc hiệp thương giới thiệu các vị này ra ứng cử đã tạo được sự đồng thuận cao giữa chính quyền, giáo hội và nhận được sự đồng tình ủng hộ trong Nhân dân và tín đồ các tôn giáo. Do đó mọi cử tri khi bầu cử tuyệt đối không phân biệt đối xử bất bình đẳng mà phải công tâm lựa chọn những người ưu tú vào cơ quan quyền lực nhà nước bảo đảm đủ, đúng theo thành phần, số lượng và cơ cấu.

Phát huy vai trò của các tôn giáo trong hoạt động bầu cử là một việc làm có ý nghĩa lớn, là yếu tố quan trọng để cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra thành công tốt đẹp.

Nguyễn Xuân Oanh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=157607&title=phat-huy-vai-tro-cua-cac-ton-giao-trong-cuoc-bau-cu