Phát huy vai trò của nghệ nhân trong bảo tồn văn hóa các dân tộc
Tỉnh Lai Châu có 15 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng nghệ nhân ưu tú và 1 nghệ nhân được phong tặng nghệ nhân nhân dân. Các nghệ nhân này đã góp phần gìn giữ, quảng bá và đóng vai trò quan trọng trong việc truyền dạy, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc cho các thế hệ sau trước sự mai một trong đời sống hiện tại.
Được tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú của Chủ tịch nước vào năm 2019, bà Hù Cố Xuân, bản Seo 2, xã Can Hồ, huyện Mường Tè, là người có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào Si La.
Hiện dù đã qua tuổi 70, song bà Xuân vẫn không ngừng cống hiến cho sự phát triển của dân tộc mình. Ngoài truyền dạy những làn điệu dân ca, điệu múa cổ của dân tộc Si La cho các đội văn nghệ ở các bản, bà Xuân cũng thường xuyên tham gia viết sách, đứng lớp giảng dạy về văn hóa Si La cho các em học sinh tại các Nhà trường trên địa bàn huyện biên giới Mường Tè.
Nghệ nhân Ưu tú Hù Cố Xuân tâm sự, xuất phát từ việc nhìn thấy bản sắc văn hóa của dân tộc mình ngày càng mai một, cần phải làm một cái gì đó để lưu giữ bảo tồn. Bản thân lại là người may mắn được các bậc cha chú truyền dạy nhiều, hiểu nhiều hơn về văn hóa dân tộc mình. Do đó, bản thân thấy mình cần phải cố gắng để truyền dạy lại cho lớp trẻ, xem đây như là trách nhiệm của thế hệ đi trước đối với truyền thống văn hóa của dân tộc mình.
Lúc đầu, bà Xuân truyền dạy những làn điệu dân ca, những điệu múa của dân tộc Si La cho đội văn nghệ bản. Sau đó, bà sưu tầm và ghi nhớ và hệ thống văn hóa của dân tộc Si La, chép lại để truyền dạy cho thế hệ sau.
Từ những cống hiến đó bà Xuân đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và phong tặng Nghệ nhân Ưu tú. Bản thân bà cho biết, việc bà làm không nghĩ lại được phong tặng danh hiệu; tuy nhiên, dù kể cả không có danh hiệu gì thì với trách nhiệm của một người con của đồng bào Si La, bà sẽ vẫn tiếp tục cống hiến để bảo tồn, lưu giữ tốt nhất những bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.
Với những miệt mài không ngừng nghỉ và đem hết tâm hồn để gìn giữ vẹn nguyên tinh hoa và bản sắc văn hóa của dân tộc Thái. Trong nhiều năm qua, Nghệ nhân Ưu tú Lò Văn Sơi, xã Mường Cang, huyện Than Uyên đã viết, dịch hơn 30 cuốn sách hay và ý nghĩa về văn hóa tín, ngưỡng của người Thái.
Không những thế, ông còn là người sáng lập ra câu lạc bộ Hát then đàn tính của bản, xã; là thành viên tiêu biểu trong Ban vận động Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Thái tại huyện Than Uyên.
Từ trước năm 2020, ông Sơi đã mở các lớp truyền dạy chữ Thái cho người dân thanh niên, học sinh trên địa bàn xã; tích cực tham gia truyền dạy điệu hát then, đàn tính, làn điệu dân ca Thái tại các trường học.
Chia sẻ về vấn đề này, Nghệ nhân Lò Văn Sơi cho biết, bản thân luôn đau đáu với văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Thời đại phát triển văn hóa truyền thống bị mai một khiến ông tâm tư rất nhiều.
Suy nghĩ và lo lắng về những gì liên quan đến văn hóa truyền thống có thể bị mất đi trong tương lai, ông đã cố gắng để lưu giữ bằng việc thông qua vận động thành lập các câu lạc bộ; anh em trong câu lạc bộ phổ biến cho các con, các cháu.
Cùng với đó, ông xin ý kiến chính quyền địa phương để phối hợp với các trường học, mở các câu lạc bộ, nhóm bảo tồn phát huy văn hóa dân tộc Thái tại các trường học, mục tiêu để lớp trẻ hiểu biết và thêm yêu văn hóa dân tộc mình.
Trong thời đại ngày nay, với sự giao thoa của nhiều nền văn hóa khác nhau, vai trò của các nghệ nhân càng đặc biệt quan trọng góp phần bảo tồn, phát huy những đặc trưng, bản sắc riêng có của mỗi dân tộc không bị mai một hay hòa tan.
Nhờ có sự góp sức của các nghệ nhân, đến nay, toàn tỉnh Lai Châu đã khôi phục và duy trì tổ chức được nhiều lễ hội truyền thống của các dân tộc tiêu biểu như: dân tộc Cống, Mảng, Hà Nhì, Si La, Dao, Giáy, Thái, H'Mông, Khơ Mú… Gìn giữ và phát triển từ những làn điệu dân ca, dân vũ, hát then đến các bản trường ca hấp dẫn.
Do đó hiện nay, trong mỗi lễ hội, hay bất cứ sự kiện văn hóa, du lịch nào của xã, huyện, tỉnh và cả khu vực cũng như trong toàn quốc đều có sự xuất hiện của đội ngũ nghệ nhân nếu trên trong vai trò là người dìu dắt, hướng dẫn và thực hành biểu diễn.
Ông Trần Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu khẳng định, các nghệ nhân của các dân tộc chính là những người có công bảo tồn văn hóa phi vật thể, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của chính dân tộc mình.
Trong thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu cũng đã phối hợp các sở, ngành, cơ quan có liên quan và các địa phương tạo điều kiện cho các nghệ nhân phát huy vai trò của mình. Cùng với việc thường xuyên tổ chức các hội thi, hội diễn để giao lưu văn hóa giữa các dân tộc. Qua đó, các nghệ nhân sẽ truyền dạy, hướng dẫn lớp kế cận các điệu múa, làn điệu dân ca, các phong tục lễ hội... Từ đó gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc.
Đến nay, tỉnh Lai Châu có 1 Nghệ nhân Nhân dân, 15 Nghệ nhân Ưu tú và nhiều người uy tín ở cộng đồng các dân tộc. Họ là những người đã và đang thắp lửa, truyền dạy, tô thắm thêm tình yêu và niềm đam mê văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ. Đồng thời là lực lượng nòng cốt để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của Lai Châu và đất nước.