Phát triển bền vững là chiến lược kinh doanh hay lựa chọn đạo đức?

Làm thế nào để doanh nghiệp hoạt động không chỉ vì lợi nhuận, mà còn vì giá trị phát triển bền vững cho xã hội và môi trường?

Khi phát triển bền vững trở thành kim chỉ nam

Sáng ngày đầu tiên của chuỗi sự kiện VSMCamp & CSMOSummit 2024, ông Trần Ngọc Anh, Chủ tịch CSMO Việt Nam đã mở đầu bằng một thông điệp đầy cảm hứng.

Trên sân khấu, ông nhấn mạnh: "Sales và marketing chính là đầu tàu của doanh nghiệp và hiệu quả của bộ phận này quyết định sự phát triển bền vững của tổ chức".

Trong bối cảnh thị trường biến động không ngừng, Chủ tịch CSMO Việt Nam tin rằng, thách thức lớn nhất của nhiều doanh nghiệp hiện nay là cân bằng giữa lợi nhuận và phát triển bền vững.

Thông điệp ấy không chỉ là lời mời gọi các doanh nghiệp tham gia thảo luận, mà còn là lời cảnh tỉnh về sứ mệnh dài hạn: làm thế nào để doanh nghiệp phát triển không chỉ vì lợi nhuận, mà còn vì giá trị bền vững cho xã hội và môi trường?

Ông Stephen Kreppel, CEO của The Nation Consultancy cho rằng, phát triển bền vững không chỉ là xu hướng mà còn là cơ hội lớn với các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo vị CEO này, với lợi thế nông nghiệp, sản xuất, và xuất khẩu, Việt Nam hoàn toàn có thể chinh phục các thị trường khó tính như Mỹ và châu Âu nếu tập trung vào ba yếu tố: chất lượng sản phẩm, chứng minh tính bền vững, và xây dựng thương hiệu quốc gia đáng tin cậy.

"Sự chân thực và minh bạch là chìa khóa để thu hút người tiêu dùng có ý thức, những người sẵn sàng chi trả cao hơn cho các sản phẩm thân thiện với môi trường và tuân thủ các tiêu chuẩn về quyền con người", CEO The Nation Consultancy nói.

Không dừng lại ở lý thuyết, ông Kreppel gợi mở hướng đi kết hợp giữa sản xuất bền vững và du lịch chân thực. Đây chính là cách để tăng giá trị sản phẩm truyền thống của Việt Nam, đồng thời mở ra tiềm năng trên thị trường "tiêu thụ xanh" toàn cầu.

Ông Stephen Kreppel, CEO của The Nation Consultancy - Ảnh: NB

Ông Stephen Kreppel, CEO của The Nation Consultancy - Ảnh: NB

Nhưng liệu phát triển bền vững chỉ dừng lại ở việc xây dựng sản phẩm và thương hiệu? Ông Trần Bằng Việt, Tổng Giám đốc Đông A Solutions đã đặt một câu hỏi mang tính thời đại: "Làm thế nào để doanh nghiệp vừa phát triển mạnh mẽ, vừa đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao về bền vững?".

Theo ông, phát triển bền vững không còn là một lựa chọn mà đã trở thành chiến lược bắt buộc. Ông Việt phân tích dựa trên ba trụ cột chính: môi trường, xã hội, và kinh tế, đồng thời nhấn mạnh rằng, việc đổi mới sáng tạo và minh bạch trách nhiệm với cộng đồng là yếu tố then chốt để doanh nghiệp tránh rơi vào cái bẫy "tẩy xanh".

Bẫy "tẩy xanh" được hiểu là hành vi lừa dối người tiêu dùng bằng cách quảng cáo sai lệch về tính thân thiện với môi trường của sản phẩm, hay dịch vụ được cung cấp.

Tổng Giám đốc Đông A Solutions cũng chỉ ra một thực trạng, nhiều doanh nghiệp chỉ truyền thông, quảng bá về hoạt động "xanh" để thu hút công chúng, thay vì "xanh" thực chất và làm từ tâm.

Từ đây, hai chiến lược "vững bền để phát triển" hoặc "phát triển nhưng vững bền" được ông Việt giới thiệu như những lối đi thực tế, phù hợp với doanh nghiệp Việt Nam trong hành trình hướng đến tầm nhìn dài hạn.

Sáng tạo công nghệ và sức mạnh của sự hợp tác

Trong bối cảnh công nghệ ngày càng chi phối mọi lĩnh vực, Giáo sư Marc Kramer, giảng viên tại VinUni, đã mang đến một góc nhìn mới về mối liên hệ giữa trí tuệ nhân tạo (AI) và tiếp thị bền vững.

Ông nhấn mạnh: "AI không chỉ giúp cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng mà còn hỗ trợ phát triển các ý tưởng bền vững, giảm thiểu tác động môi trường".

Các công nghệ hiện đại như thực tế ảo (AR), thực tế ảo tăng cường (VR) hay Metaverse đang mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp tiếp cận khách hàng mục tiêu một cách sáng tạo.

Tuy nhiên, cùng với cơ hội là thách thức về đạo đức và quyền riêng tư. Người tiêu dùng muốn có những trải nghiệm cá nhân hóa mà không bị xâm phạm quyền riêng tư. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ tập trung vào công nghệ, mà còn phải đề cao tính minh bạch và trách nhiệm trong cách vận hành.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, nhà sáng lập và Tổng giám đốc Autoagri - Ảnh: NB

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, nhà sáng lập và Tổng giám đốc Autoagri - Ảnh: NB

Không chỉ giới hạn với lĩnh vực tiếp thị, công nghệ còn mở ra một bức tranh đầy triển vọng về cách nông nghiệp Việt Nam có thể vươn ra thế giới thông qua những chia sẻ tâm huyết của bà Nguyễn Thị Thành Thực, nhà sáng lập Autoagri.

Theo bà Thực, quốc tế hóa ẩm thực Việt Nam không chỉ là con đường chiến lược, mà còn là chìa khóa để phát triển bền vững ngành nông nghiệp.

Bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuẩn hóa và nâng tầm các sản phẩm ẩm thực theo tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời kết hợp sản xuất bền vững với chống lãng phí thực phẩm và bảo đảm an ninh dinh dưỡng.

Nhà sáng lập Autoagri cho rằng, sự kết hợp giữa nông nghiệp, du lịch, và công nghệ hiện đại sẽ là chìa khóa để Việt Nam xây dựng thương hiệu quốc gia mạnh mẽ. Điều này không chỉ mang lại giá trị kinh tế, mà còn tạo nên dấu ấn đặc trưng của Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Khi kết hợp công nghệ, sáng tạo và sự hợp tác toàn diện, Việt Nam hoàn toàn có thể khẳng định vị thế trên trường quốc tế, đồng thời tạo ra giá trị lâu dài cho cộng đồng và môi trường. Vấn đề không còn nằm ở việc liệu có nên phát triển bền vững, mà là cộng đồng doanh nghiệp sẽ làm điều đó như thế nào.

Việt Hưng

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/phat-trien-ben-vung-la-chien-luoc-kinh-doanh-hay-lua-chon-dao-duc-d38049.html